Học sinh nói về học thêm, chọn nghề

Ngày 22/3, 150 học sinh tiêu biểu đại diện cho hơn 200 trường THPT và Trung tâm Giáo dục thường xuyên ở TPHCM đã có buổi đối thoại với lãnh đạo Sở GD-ĐT. Nhiều vấn đề nóng đã được học sinh nêu ra một cách thẳng thắn.

Mở đầu buổi đối thoại, ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM chia sẻ: Học sinh lớp 12 là những người lớn nên các em hãy phát biểu những suy nghĩ của chính bản thân mình và đại diện cho các bạn học sinh khác. Ngay sau đó, hàng loạt vấn đề đã được học sinh nêu ra.

Lê Minh Quân nêu ý kiến: Ở Việt Nam, học lý thuyết rất nhiều, lý thuyết chiếm cả quá trình học tập, thời gian dành ra cho các vấn đề thực hành, thực nghiệm quá ít.

Học sinh nói về học thêm, chọn nghề - 1

Học sinh các trường THPT trao đổi với nhau trong giờ giải lao tại buổi đối thoại

“Những điều mà học sinh nêu ra là những vấn đề xác đáng. Ai cũng có ước mơ nhưng các em phải có quyết tâm để biến ước mơ thành hiện thực. Đó mới là điều quý”.

Ông Nguyễn Hoài Chương
Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM

Nguyễn Lê Tố Uyên, Trường THPT Bùi Thị Xuân đưa ra một vấn đề nóng: Nhiều học sinh dù chăm chú nghe giảng nhưng vẫn không hiểu được bài, vì thế nên các bạn phải đi học thêm tràn lan như hiện nay. Bạn Đỗ Chí Dũng, Trường THPT Marie Curie đặt câu hỏi “Có phải vấn đề giáo viên giảng bài học sinh khó hiểu xuất phát từ mức lương quá thấp hay không?”.

Dẫn chứng mà Dũng đưa ra là em có quen một giáo viên người Việt dạy tiếng Anh ở bậc THPT với mức 40 nghìn đồng/tiết dạy. Dũng kể: “Thầy than rằng, giáo viên nước ngoài chỉ khác tôi màu tóc, màu mắt và cao hơn tôi một xíu nhưng thù lao được trả cao hơn tôi 160 nghìn đồng/tiết”.

Thầy than rằng, giáo viên nước ngoài chỉ khác tôi màu tóc, màu mắt và cao hơn tôi một xíu nhưng thù lao được trả cao hơn tôi 160 nghìn đồng/tiết.

Đỗ Chí Dũng

Võ Thanh Ngọc, THPT Thủ Đức cho rằng, vấn đề hướng nghiệp hiện nay chưa thực hiện đến nơi đến chốn. Theo Ngọc, học sinh cần được hướng nghiệp từ khi còn học lớp 9, để khi tốt nghiệp THCS ai cũng định hướng được lên THPT mình học khối gì và thi khối gì.

Nhiều bạn hiện nay do không được định hướng nghề nghiệp nên chọn sai khối học. Do đó, có bạn học khối tự nhiên nhưng lại chọn thi các ngành khối xã hội nên phải đi học thêm tiếng Anh, học thêm Văn… Đây là lý do khiến học thêm, dạy thêm tràn lan.

Học sinh nói về học thêm, chọn nghề - 2

Học sinh phát biểu tại buổi đối thoại. Ảnh: Q.P.

Theo Trần Quỳnh Ý Siêu, Trường THPT Lê Quý Đôn (Q.7), hiện nay các em được học môn hướng nghiệp từ lớp 10 nhưng việc dạy hướng nghiệp còn lan man khiến các em không hình dung được ngành nghề.

Nguyễn Thị Hồng Vân, Trường THPT Phan Văn Sáng (Hóc Môn) thì nêu: “Chúng em cần biết ngành đó học gì, làm gì. Chúng em ước mơ về nghề nghiệp đó nhưng không biết với nghề đó cụ thể phải làm gì, nhiệm vụ như thế nào…? Em nghĩ nên đưa môn hướng nghiệp vào tiết học chính khóa”.

Tại buổi toạ đàm, nhiều vấn đề nóng khác như bạo lực học đường, hoạt động phong trào xã hội cũng được khá nhiều học sinh đưa ra. Giang Thị Thuý Hằng, Trường THPT Quang Trung cho biết cần phải tổ chức nhiều hoạt động xã hội để các bạn học sinh tham gia biết rằng, họ còn may mắn hơn nhiều bạn trẻ khác.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Quang Phương (Tiền Phong)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN