Học sinh dùng điện thoại trong lớp: Lợi hay hại nhiều hơn?
Điều này phụ thuộc rất lớn vào năng lực điều hành, quản lý lớp học của giáo viên cũng như ý thức của học sinh trong việc sử dụng điện thoại.
Bộ GD&ĐT vừa có Thông tư 32 ban hành Điều lệ trường THCS, THPT và trường Phổ thông có nhiều cấp học.
Bên cạnh nhiều điểm mới, đáng chú ý thông tư còn quy định về việc học sinh được phép sử dụng điện thoại trên lớp nếu phục vụ cho việc học và được giáo viên cho phép.
Nhiều ý kiến trái chiều
Quy định trên được nhiều nhà giáo ủng hộ, tuy nhiên vấn đề được đặt ra là cách thực hiện và quản lý ra sao đề việc sử dụng điện thoại của học sinh đúng mục đích, không bị lạm dụng.
Ông Phạm Phương Bình, Phó Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Hữu Huân (quận Thủ Đức, TP.HCM), cho biết đối với học sinh bậc THPT thì sử dụng điện thoại trên lớp để phục vụ việc học là cần thiết. Ngoài là một kênh thông tin để học sinh trao đổi với bố mẹ về giờ giấc đưa đón thì sử dụng điện thoại để tra cứu tài liệu cũng rất quan trọng. Cụ thể, đối với môn tiếng Anh, học sinh có thể dùng điện thoại để tra từ điển hoặc tìm thông tin ở các môn học khác.
“Chúng ta hãy xem điện thoại như một phương tiện học tập, nhưng phải làm sao kiểm soát được học sinh khi sử dụng để tránh lạm dụng” - ông Bình nêu quan điểm.
Cũng theo ông Bình, tại trường THPT Nguyễn Hữu Huân, trước đó nhà trường đã giao quyền cho giáo viên quyết định vấn đề này. Như vậy trong tiết học, nếu giáo viên quy định không sử dụng điện thoại thì học sinh sẽ không được phép. Nếu giáo viên cho phép thì giáo viên phải kiểm soát được việc sử dụng điện thoại để giúp tiết học bổ ích hơn.
Học sinh trường THCS Lê Qúy Đôn, quận 3 , TP.HCM trong 1 tiết học ngoài trời. Ảnh: NQ
Về mặt nào đó, thông tư đã “cởi trói” cho các trường trong vấn đề sử dụng điện thoại di động đối với học sinh. Như vậy, không cấm học sinh mang điện thoại, còn giờ nào sử dụng được điện thoại thì dựa trên bài dạy, dựa trên chương trình, dựa trên thống nhất của tổ và năng lực đều hành của giáo viên đối với học sinh.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Minh, Hiệu trưởng trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (quận 1, TP.HCM), cho hay hiện nay việc ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học là xu hướng tất yếu và nhiều trường đã triển khai thực hiện.
Thời gian qua, mô hình lớp học trong thư viện, thư viện trong lớp học, việc sử dụng các nguồn tài nguyên của thư viện và khai thác dữ liệu trên mạng là cần thiết... Đây là một trong những quy định hết sức phù hợp với sự phát triển của giáo dục, giúp thầy cô và học sinh tương tác, khai thác dữ liệu và phục vụ tốt cho việc giảng dạy, học tập.
Tại trường THPT Nguyễn Du, ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng nhà trường nói: “Về quy định này chắc hẳn phụ huynh lẫn giáo viên sẽ cảm thấy lo lắng, nhưng chúng ta cần phải nhìn nhận điện thoại là một dụng cụ học tập, một “cuốn sách điện tử". Vì thế, quy định trên là cần thiết, phù hợp với thời đại, tạo điều kiện cho học sinh tìm tòi tài liệu, phục vụ cho việc học”.
Cũng theo ông Phú, khi học sinh được phép sử dụng điện thoại trong giờ học, giáo viên cũng phải chấp nhận việc các em ghi âm, ghi hình bài giảng. Do đó người thầy hôm nay phải thận trọng trong phát ngôn, soạn giảng bài cho thật nghiêm túc.
Là một giáo viên dạy tại trường THCS Lê Qúy Đôn, cô Phạm Thanh Xuân ủng hộ việc cho phép học sinh sử dụng điện thoại trong giờ học. “Quy định này rất hợp lý. Việc học hiện nay ngoài sách vở, học sinh còn phải tìm tòi dữ liệu thông qua các ứng dụng công nghệ để bổ sung cho bài học và điện thoại là một trong số đó. Đối với môn văn, tôi đã cho phép các em sử dụng điện thoại để trả lời các câu hỏi trực tuyến, để tìm tư liệu, hoàn thành bài thuyết trình. Nhờ thế tiết học hiệu quả hơn” - cô Xuân nói thêm.
Em Vũ Phúc, học sinh trường THPT Hiệp Bình (quận Thủ Đức, TP.HCM), nhìn nhận việc cho phép học sinh sử dụng điện thoại để phục vụ cho việc học rất tốt. Hiện trường em đã cho học sinh sử dụng khi cần. Trong tuần này, một số tiết học em đã sử dụng điện thoại để tìm kiếm, tra cứu thông tin các môn hóa, sinh, công nghệ, sử. Hiện môn tiếng Anh các em không cần phải đem nhiều từ điển mà có thể tra từ vựng ngay trên điện thoại.
Tuy nhiên, quy định trên cũng có nhiều người chưa đồng tình. Chị NT, một phụ huynh có con học lớp 8, cho biết chị khá lo lắng với quy định trên.
“Học sinh cả nước trình độ khác nhau, nông thông khác với thành thị, với chiếc điện thoại trong tay mọi thứ đều có thể xảy ra. Tuổi học sinh có thể làm mọi thứ để vui nhưng chưa nhận thức được hậu quả. Vì thế, một mình giáo viên khó có thể kiểm soát được việc sử dụng của học sinh. Lỡ các em xem phim trong giờ học thì hậu quả sẽ như thế nào. Chưa kể khi có điện thoại trong tay, các em có thể quay những thứ không nên. Tuổi học trò không thể biết trước điều gì, cho các con sử dụng điện thoại rất nguy hiểm”.
Nhiều giáo viên khác cũng bày tỏ ý kiến phản đối vì sợ không kiểm soát được do học sinh quá đông. Đó là chưa nói nhiều học sinh chưa có ý thức tự giác sẽ rất nguy hiểm khi sử dụng điện thoại.
Quan trọng là cách thực hiện
Thực tế, việc cho phép học sinh sử dụng điện thoại trong giờ học cũng giống như con dao hai lưỡi. Tuy nhiên, không phải vì thế mà cấm đoán, điều quan trọng là tìm giải pháp thực hiện sao hiệu quả. Vũ Phúc chia sẻ thêm, ngay trong lớp học của em, một số tiết học học sinh vẫn lấy điện thoại chơi game, giáo viên rất khó kiểm soát. Các em vẫn chưa thật sự hiểu được việc đem điện thoại vào lớp để làm gì.
Vì thế, theo Vũ Phúc, để kiểm soát điều này giáo viên cần phải giải thích tầm quan trọng của việc sủ dụng điện thoại trong giờ học. Cùng với đó học sinh phải ý thức được những giá trị của việc sử dụng điện thoại trong giờ học.
“Mẹ em thường rất lo lắng khi em đem điện thoại vào trường, nhưng khi mẹ hiểu được mục đích em dùng điện thoại thì mẹ lại ủng hộ. Sự tin tưởng của mẹ, của các thầy cô khiến em không thể dùng điện thoại vào những việc khác” - Phúc chia sẻ.
Nói về vấn đề này, cô Thanh Xuân cho biết, trong quá trình sử dụng điện thoại, vẫn có một số em dùng để chơi game. Vì thế, một tiết học cô phải nhắc nhở rất nhiều lần.
“Tôi thường nói với học sinh phải xác định rõ 2 vấn đề là các con sử đụng điện thoại vào việc học khác với việc lấy điện thoại trong giờ học. Việc sử dụng điện thoại tất nhiên sẽ có những vấn đề phát sinh vì thế giáo viên sẽ cực hơn trong các kiểm soát và quản lý. Tuy nhiên quan trọng nhất vẫn là ý thức của học sinh. Hơn nữa, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, phụ huynh, giáo viên để giúp các em hiểu đúng mục đích của việc này” - cô Xuân nói thêm.
Ông Phạm Phương Bình cũng cho biết, với quy định này giáo viên sẽ lo lắng vì sợ không kiểm soát được hành vi của các em. Nhiều em sẽ chơi game trong giờ học. “Việc sử dụng điện thoại cũng có tính 2 mặt và nó phụ thuộc rất lớn vào năng lực của giáo viên, sự quản lý của nhà trường và ý thức của học sinh. Do đó khi thực hiện trường sẽ tăng cường thêm công tác kiểm tra, giám sát, giám thị sẽ hỗ trợ thêm cho giáo viên kiểm soát các em” - ông Bình nói.
Ông Bùi Thành Đức, Phó Hiệu trưởng trường THCS Lữ Gia (quận 11, TP.HCM), cho hay quy định này rất tiến bộ. “Bản thân chiếc điện thoại không có lỗi, lỗi là người dùng nó sai mục đích. Nó cũng giống như con dao 2 lưỡi, do đó mọi vấn đề nên suy nghĩ linh hoạt, nên nhìn theo hướng tích cực không nên suy nghĩ không quản được thì cấm. Điều quan trọng là thực hiện và kiểm soát của việc học sỉnh ra sao?” - ông Đức nhấn mạnh.
Nguồn: [Link nguồn]
Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa có Thông tư ban hành Điều lệ trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường...