Hoạt động phòng thí nghiệm: Khó đủ đường

Nhiều phòng thí nghiệm, xưởng thực hành trong các trường đại học, cao đẳng đang thiếu kinh phí mua sắm thiết bị dạy học.

Một số khác lại loay hoay với bài toán tìm nguồn kinh phí duy tu, bảo dưỡng máy móc hàng năm. Chính vì vậy, nhiều khoa, ngành vẫn đang dạy và học bằng những thiết bị cũ kỹ. Sinh viên sau khi ra trường vẫn phải được các doanh nghiệp đào tạo lại… Thực trạng yếu kém về cơ sở vật chất đó vẫn đang là nỗi ám ảnh chưa có hồi kết.

Thiếu và yếu

Khoa Cơ khí động lực (Trường Cao đẳng Cao Thắng) là một trong số những khoa được nhà trường chú trọng đầu tư trang thiết bị máy móc với mức trung bình vào khoảng 2 tỷ đồng/năm. Nhưng trong số 7 xưởng thực hành chỉ có xưởng thực hành chẩn đoán động cơ là được đầu tư mạnh nhất (5 tỷ đồng), các xưởng khác chỉ được đầu tư ở mức cơ bản. TS Vũ Trí Xương, Trưởng khoa cho biết: “Khoa có gần 2.500 sinh viên, trong đó có 400 sinh viên trong dạng thường xuyên thực hành. Nhưng do trường không đủ điều kiện trang bị các động cơ đời mới nên vẫn phải sắp xếp cho sinh viên kiến tập tại doanh nghiệp lắp ráp ô tô từ 6-20 tuần trong toàn thời gian học. Mục đích là để sinh viên quen dần với máy móc tại đây”.

Tương tự, tại Khoa Vật lý (Trường ĐH Khoa học tự nhiên TPHCM), mỗi năm nhà trường dành nguồn kinh phí cho khoa từ 700-800 triệu đồng để đầu tư nâng cấp các phòng thí nghiệm. Tuy nhiên, theo TS Lê Vũ Tuấn Hùng, Trưởng khoa Vật lý, hiện khoa có 7 bộ môn, mỗi bộ môn có từ 1-2 phòng thí nghiệm. Nếu lấy nguồn kinh phí sớt đều cho các phòng thí nghiệm này cũng chỉ đủ mua vật tư, văn phòng phẩm. Gói ghém lắm thì còn tiền để sửa chữa các lỗi lặt vặt trên một số máy móc nhỏ. Đối với những máy móc hiện đại như hệ phún xạ (phục vụ chế tạo màng mỏng) có giá hơn 1 tỷ đồng khoa cũng chỉ dám đề xuất mua 1 máy về làm mẫu. Còn lại chính các giảng viên trong khoa tự mày mò chế tạo thêm.

Hoạt động phòng thí nghiệm: Khó đủ đường - 1

Sinh viên Khoa Cơ khí động lực (Trường Cao đẳng Cao Thắng) trong giờ thực hành lắp ráp động cơ

Trái ngược với các phòng thí nghiệm, xưởng thực hành trực thuộc khoa, các phòng thí nghiệm trọng điểm (Đại học Quốc gia TPHCM) được đầu tư kinh phí lên đến hàng chục tỷ đồng. Trong đó, có nhiều thiết bị lên đến hàng trăm ngàn đô la và duy nhất tại phía Nam. Thế nhưng, bài toán kinh phí để vận hành máy móc vẫn luôn là nỗi lo thường trực. TS Trần Lê Quan, Trưởng phòng thí nghiệm phân tích trung tâm, bộc bạch: “Máy cảm ứng từ hạt nhân được xem là hiện đại nhất của phòng có giá trị ban đầu vào khoảng 800.000USD. Tuy nhiên, dù có sử dụng hay không vẫn phải dành khoảng 200 triệu đồng mỗi năm để bổ sung khí nitơ lỏng và khí heli. Trong khi, nguồn kinh phí được cấp hàng năm cũng chỉ trên dưới 200 triệu đồng. Chưa kể, hàng chục máy móc, thiết bị khác đang chờ kinh phí để duy tu, bảo dưỡng”. Riêng những thiết bị được đầu tư trong giai đoạn đầu như máy sắc ký, phân tích… hiện phòng thí nghiệm này vẫn phải tận dụng để phục vụ sinh viên thực tập.

Nguy cơ giảm chất lượng đào tạo

Trong công tác dạy và học tại các trường đại học, cao đẳng, vai trò của các phòng thí nghiệm là cực kỳ quan trọng. Đặc biệt đối với nhóm ngành kỹ thuật, công nghệ sinh học hay nghiên cứu cơ bản. Lý thuyết là vậy nhưng trước tình trạng khó khăn về kinh phí, phòng thí nghiệm chỉ dành cho đào tạo cao học, nghiên cứu sinh hoặc hợp đồng dịch vụ. Việc tiếp cận máy móc hiện đại của sinh viên gặp không ít khó khăn.

Ngay tại Trường Đại học Bách khoa TPHCM, nhiều sinh viên phản ánh rất khó tiếp cận các máy móc đắt tiền dù các phòng thí nghiệm hiện nay không thiếu. Một trong những nguyên nhân là nhà trường sợ hư hỏng, không đủ kinh phí sửa chữa. Đến khi làm luận án tốt nghiệp, nếu cần phân tích hay xử lý mẫu phải tốn một khoản phí nhất định, còn không thì tự mua sắm nguyên, vật liệu, hóa chất trước khi vào phòng thực hành. “Lẽ ra, khi học theo tín chỉ, sinh viên đã đóng học phí cho tiết học thực hành nhiều hơn tiết học lý thuyết thì khi vào các phòng thí nghiệm, sinh viên phải được miễn phí. Chính bất cập này đang khiến cho sinh viên ngại đến các phòng thí nghiệm hơn, từ đó sinh viên mất cơ hội để cọ sát máy móc thực tế”, sinh viên K.T.H lý giải.

Tại Trường Đại học Giao thông Vận tải TPHCM, trước khi tiếp nhận và đưa vào sử dụng phòng thí nghiệm - thực hành CAD/CAM/CNC vào đầu năm 2013, khoa cơ khí của trường phải tự thu xếp đưa sinh viên đến các doanh nghiệp để làm quen với máy móc. “Nhưng doanh nghiệp cũng chỉ có vài máy mà mỗi lần tổ chức đi như vậy cũng có vài chục đến cả trăm sinh viên. Dẫn đến phải chia nhóm đứng máy. Ít thì cũng 4-5 sinh viên, nhiều thì cả 10 sinh viên/máy. Điều đó tác động không nhỏ đến khả năng đứng máy của sinh viên sau khi ra trường”, đại diện đơn vị này cho biết.

Từ đó, TS Phan Bách Thắng, Phó trưởng phòng thí nghiệm Vật lý kỹ thuật cao khẳng định, nếu các phòng thí nghiệm không được đầu tư đầy đủ, đồng bộ, trước mắt sẽ tác động không nhỏ đến chất lượng đào tạo. Sinh viên ra trường không thạo việc sẽ ảnh hưởng đến uy tín của nhà trường. Nếu Nhà nước không có giải pháp hỗ trợ, tình trạng khó khăn này vẫn còn tiếp diễn.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Tường Hân (Sài Gòn giải phóng)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN