Hà Nội: Tuyệt đối không tổ chức thi tuyển vào lớp 1, lớp 6
Các trường mầm non, tiểu học và THCS bắt đầu tuyển sinh từ ngày 1/7 đến 15/7. Cũng như nhiều trường THCS khác, trường Hà Nội - Amsterdam cũng thực hiện phương thức xét tuyển, tuyệt đối không tổ chức thi tuyển.
Các trường không được tuyển sinh trước ngày 1/7
Ngày 5/5, Sở GD&ĐT Hà Nội đã tổ chức Hội nghị hướng dẫn tuyển sinh vào các trường mầm non, lớp 1, lớp 6 năm học 2016-2017. Theo đó, năm học 2016-2017 các trường sẽ thực hiện tuyển sinh trực tuyến vào mầm non, lớp 1, lớp 6. Thời gian tuyển sinh vào các trường mầm non, tiểu học, THCS bắt đầu từ ngày 1/7 đến ngày 15/7, tuyệt đối các trường không được tuyển sinh trước thời gian quy định.
Sở GD&ĐT Hà Nội tổ chức hướng dẫn công tác tuyển sinh vào lớp 1, lớp 6 năm học 2015-2016.
Nếu cơ sở giáo dục có số lượng học sinh đăng ký vào học lớp 1 hoặc lớp 6 nhiều hơn so với chỉ tiêu tuyển sinh, các cơ sở giáo dục căn cứ vào các quy định hiện hành để xây dựng phương án tuyển sinh phù hợp, trình Phòng GD&ĐT và Ủy ban Nhân dân quận huyện, thị xã, báo cáo Sở GD&ĐT, tuyệt đối không tổ chức thi tuyển vào lớp 1 và lớp 6.
Đối tượng tuyển sinh vào lớp 6 là những học sinh đã hoàn thành xong chương trình tiểu học, 11 tuổi (sinh năm 2005). Địa bàn tuyển sinh: theo tuyến tuyển sinh do UBND quận, huyện, thị xã quy định cho các trường.
Tuyển sinh vào lớp 6 trường THPT chuyên Hà Nội Amsterdam, thực hiện theo phương thức xét tuyển, nếu số lượng học sinh đăng ký vào học nhiều hơn so với chỉ tiêu tuyển sinh, nhà trường căn cứ vào quy định hiện hành để xây dựng phương án phù hợp, báo cáo với Sở GD&ĐT, tuyệt đối không tổ chức thi tuyển.
Bà Nguyễn Thu Hà - Phó phòng quản lý thi và Kiểm định chất lượng – Sở GD&ĐT Hà Nội trình bày phương án hướng dẫn tuyển sinh vào lớp 1, lớp 6 năm học 2016-2017.
Đối tượng tuyển sinh vào lớp 1 là 6 tuổi (sinh năm 2010), tuyệt đối không nhận trẻ thiếu tuổi vào lớp 1. Ngoài ra, trẻ em khuyết tật, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trẻ em ở nước ngoài về nước có thể vào học lớp 1 ở độ tuổi 7-9 tuổi.
Các trường mầm non, tiểu học và THCS bắt đầu tuyển sinh từ ngày 1/7 đến 15/7. Sau ngày 15/7, những trường chưa tuyển đủ chỉ tiêu phải báo cáo phòng GD&ĐT, căn cứ vào tình hình sẽ được tuyển bổ sung chỉ tiêu từ ngày 18/7 đến 20/7.
Công khai tuyển sinh cho nhân dân
Điểm mới trong năm học 2016 – 2017 là sở GD&ĐT sẽ công bố dữ liệu học sinh 5 tuổi vào lớp 1 và học sinh hoàn thành bậc tiểu học vào lớp 6. Chậm nhất là 30/5 công khai kế hoạch tuyển sinh của các quận huyện trên cổng thông tin của Sở.
Tuy nhiên, đại diện Phòng GD&ĐT quận Hoàn Kiếm cho rằng, phòng đã sử dụng dữ liệu này từ 5 kênh thông tin khác nhau là: Nhà trường, công an quận, chi cục thống kê, dân số và Ủy ban nhân dân phường nhưng các số liệu này đều vênh nhau. Vậy quận Hoàn Kiếm nên bám sát vào kênh thông tin nào để giao chỉ tiêu tuyển sinh cho chính xác?
Trong khi đó, đại diện phòng giáo dục huyện Đan Phượng cho rằng, có một số cháu ở quận huyện khác về ở khu mới của huyện, các cháu mới chuyển đến xử lý như thế nào để đưa các cháu vào danh sách tuyển sinh?
Trả lời những thắc mắc nêu trên, ông Ngô Văn Chất - Trưởng phòng quản lý thi và Kiểm định chất lượng – Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết: “Công tác tuyển sinh vào lớp đầu cấp vẫn tiến hành như các năm.
Năm nay, xây dựng phần mềm tuyển sinh trực tuyến, đề nghị các trường nhập dữ liệu của các học sinh dựa trên thông tin hộ khẩu thường trú và số liệu thực tế để các trường có thêm thông tin phân tuyến chính xác hơn.
Ông Ngô Văn Chất - Trưởng phòng Quản lý thi và Kiểm định chất lượng – Sở GD&ĐT Hà Nội, trao đổi với báo chí.
Phần mềm đang tiến hành hoàn thiện vào thử nghiệm, sau đó sẽ tập huấn cho các trường. Đến nay phần mềm chưa được tiến hành chạy thử. Nếu được sẽ áp dụng trong năm nay. Nếu không được sẽ áp dụng trong năm sau. Khi thử nghiệm phải có đường truyền và máy ở các trường. Sở sẽ hướng dẫn các trường thực hiện phần mềm thi khi thực hiện triển khai tuyển sinh bằng phần mềm này”.
Giải thích thêm trong công tác tuyển sinh vào lớp 1 và lớp 6 năm học 2016-2017, ông Phạm Văn Đại – Phó giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết: “Mục tiêu tuyển sinh đảm bảo công bằng, đúng quy chế, tạo thuận lợi cho người dân.
Muốn làm được như vậy cần phải điều tra cơ bản một cách chính xác vì lượng dân ở Hà Nội và các tỉnh khác di cư, nhập khẩu tương đối nhiều. Nếu công tác không làm rõ và không chuẩn bị cẩn thận sẽ gây lúng túng, ví dụ quận Nam, Bắc Từ Liêm, Hà Đông – lượng dân đổ về đông. Điều tra càng cẩn thận bao nhiêu thì tuyển sinh càng đạt kết quả cao.
Từ đó căn cứ nguồn tuyển sinh để có kế hoạch cụ thể. Tuyến tuyển sinh căn cứ vào việc đi lại thuận tiện cho người dân... Tránh tình trạng số học sinh/lớp nhiều. Các trường phải công khai cho người dân các tuyến tuyển sinh và công khai phương án tuyển sinh cho người dân.
Trường có số lượng tuyển sinh lớn xây dựng tiêu chí rõ ràng. Đặc biệt các trường cần nhiều tiêu chí phụ. Sở đã đưa ra công văn quy định việc cộng thêm điểm cho học sinh tuyển sinh vào các trường vượt quá chỉ tiêu nhiều cần có sự lựa chọn”.
Ông Phạm Văn Đại – Phó giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội
“Sở điều tra thêm từ các trường mầm non, tiểu học trên toàn thành phố - đây là nguồn đáng tin cậy, cộng thêm nguồn khác sẽ có sự tổng hợp. Kế hoạch xây dựng phải đăng ký 3 điều kiện cơ bản: Cơ sở vật chất, các trường căn cứ vào kế hoạch tuyển sinh xây dựng kế hoạch riêng trên cơ sở xây dựng phê duyệt, đảm bảo sự chỉ đạo thông suốt từ các trường đến quận huyện.
Thời gian tuyển sinh bắt đầu từ 1/7. Chậm nhất là 30/5 phải công bố toàn tuyến tuyển sinh trên địa bàn thành phố. Các trường có số liệu tuyển sinh lớn phải xây dựng tiêu chí rõ ràng”, ông Đại nói.
Theo ông Đại, năm ngoái vất vả vì là năm đầu tiên không tuyển sinh vào lớp 6. Năm nay đã có kinh nghiệm, hoàn toàn chủ động, Sở không phải can thiệp, giúp đỡ nhiều mà sẽ kiểm tra việc xây dựng tiêu chí có khách quan, công bằng không? Với trường có nhiều tiêu chí phụ, Sở đã ban hành công văn từ đầu năm, công văn nêu tên các cuộc thi để lấy tiêu chí cộng thêm điểm.
Thực hiện tuyển sinh theo phương thức mới sẽ tuyển sinh trực tuyến, trong thời gian tiến hành thực hiện đồng thời: trực tuyến cho người có điều kiện khả năng am hiểu công nghệ thông tin; nhà trường giúp đỡ đối tượng không có khả năng hoặc đến trực tiếp trường làm.
Đây là phương thức tất cả các nước đều làm để tất cả người dân được tiếp cận .