Cấm thi tuyển lớp 6, một quyết định vội vàng?

Theo lịch, ngày mai (16.4), Sở GD&ĐT Hà Nội sẽ chốt các phương án tuyển sinh vào lớp 6 của các trường “hot” ở Hà Nội. Theo PGS Văn Như Cương, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường THCS Lương Thế Vinh, trên thực tế chỉ có khoảng 10% học sinh giỏi có nguyện vọng vào các trường vốn xưa nay phải thi tuyển, mà Bộ GD&ĐT phải ra một chỉ thị “cấm thi” là quá vội vàng.

PGS Văn Như Cương nói: Có thể Bộ GD&ĐT đưa ra quy định không thi tuyển đầu vào lớp 6 nhằm đồng bộ với thông tư 30 (đánh giá học sinh không qua chấm điểm), tuy nhiên theo tôi thông tư 30 rồi cũng phải sửa đổi. Trong một lớp học, trường học cần tạo ra môi trường ganh đua khuyến khích nhân tố vươn lên, nổi trội hơn. Đi học mà không chấm điểm - học sinh sẽ không học bài, đó là điều hiển nhiên! Mà cứ thế, sẽ cào bằng cả một thế hệ, khó có được nhân tố nổi trội, thủ lĩnh.

Cấm thi tuyển lớp 6, một quyết định vội vàng? - 1
Học sinh lớp 5 trường Nguyễn Siêu sẽ phải làm bài test IQ, EQ để vào lớp 6. Ảnh: Hồng Vĩnh.

“Nên cho dừng quy định để cân nhắc”

Có thâm niên nhiều năm trong ngành giáo dục, ông đánh giá thế nào về quy định “cấm thi” tuyển đầu vào lớp 6 của Bộ GD&ĐT, thưa ông?

Phải nói là tôi khá ngạc nhiên vì quyết định vội vàng của Bộ GD&ĐT. Trước hết, lâu nay ở nước ta có tới 90% em học sinh cứ học xong lớp 5 là lên lớp 6, riêng chỉ có một phần rất nhỏ các em có nguyện vọng vào trường chuyên, lớp chọn, trường dân lập có lượng thí sinh đăng ký lớn hơn nhiều lần chỉ tiêu tuyển sinh mới phải thi. Quyết định “cấm thi” của Bộ GD&ĐT khiến nhiều người không ở trong ngành ngỡ như, lâu nay các em lên lớp 6 phải thi tuyển căng thẳng lắm.

Tôi cho rằng, đây là một quyết định vội vàng. Nếu cần giải pháp để xử lý một số trường đặc biệt như thế thì cần nghĩ cách khác mà cũng cần có thời gian chuẩn bị, cần thảo luận chứ không nên đột ngột, phải thực hiện ngay. Tôi biết nhiều người trong ngành giáo dục cũng rất hoang mang vì quy định này.

Trước đây, Bộ GD&ĐT từng đưa ra một số quy định sai rồi phải sửa lại. Sai thì sửa, đó là điều tốt. Tôi nghĩ, Bộ GD&ĐT nên cho dừng quy định để cân nhắc, thảo luận, nếu vẫn quyết tâm làm cũng cần cho các trường thời gian chuẩn bị sang năm sau chẳng hạn.

Thưa ông, việc Bộ GD&ĐT “cấm thi” tuyển vào lớp 6 năm nay sẽ nảy sinh những hệ lụy gì? GS có lo lắng việc phụ huynh thân quen sẽ xin lớp, chạy trường cho con?

Thứ nhất, việc không thi tuyển, độ chính xác xét tuyển sẽ không cao. Trước kia, ở trường tôi, 4.000 học sinh thi tuyển, chấm xong điểm tôi dán ngay kết quả và tự các em biết ai là người đỗ theo thứ tự từ cao xuống thấp. Khi đó, người thân quen có con thiếu 1 điểm đến xin, tôi còn có cách nói rằng: “còn rất nhiều em chỉ thiếu nửa điểm”. Còn cách xét tuyển như hiện nay sẽ dễ nảy sinh tiêu cực. Rồi con ông to bà lớn nhờ này nọ, rồi cò mồi hoạt động đều nằm ngoài khả năng giải quyết của trường.

Thứ hai, việc xét tuyển không được chạm đến kiến thức các môn Văn, Toán, Ngoại ngữ sẽ không đánh giá được năng lực thực sự của học sinh. Có trường từng đưa ra phương án tuyển 500 học sinh chỉ phát ra 550 hồ sơ, như vậy việc xô đổ cổng trường sẽ lặp lại mà trường lại tuyển không được học sinh chất lượng. Có trường nói đùa hay để bốc thăm? Hay xây cổng trường cho chắc. Nói như vậy để thấy sau khi bộ “đá bóng” cho Sở tìm phương án tuyển sinh, Sở yêu cầu các trường trình phương án thì các trường đang phải loay hoay tìm phương án đối phó.

Ra đề kiểu “Ai là triệu phú” để tuyển sinh

Vậy, trường Lương Thế Vinh hiện đã đưa ra phương án nào? Theo ông  phương án đó có khả thi?

Bộ GD&ĐT đã quyết định như vậy chúng tôi cũng đã trình phương án chờ Sở phê duyệt. Chúng tôi dự kiến làm bài khảo sát với khoảng 30 câu hỏi không chạm gì đến Văn, Toán, ngoại ngữ mà khảo sát nhận thức của học sinh về nhận thức cuộc sống bình thường trong gia đình, trong lớp, ngoài xã hội. Tôi ra những câu hỏi nhận biết như chương trình Ai là triệu phú với những câu hỏi vừa sức vừa tầm nhưng nếu các em không có quan sát cuộc sống cũng là câu hỏi khó. Tuy nhiên, phải nói thẳng là phương án này không kiểm tra được trình độ, kiến thức của các em. Khi vào lớp 6, các em hổng kiến thức ở đâu chúng tôi sẽ luyện để đáp ứng mục tiêu đào tạo của trường ở khối THCS.

Xét về mặt tâm lý, một số em có mục tiêu phấn đấu vào “trường chuyên, lớp chọn” có bị ảnh hưởng tới quy định này không, thưa PGS?

Những năm trước thì không, năm nay đã có rất nhiều phụ huynh gọi điện đến tôi bày tỏ sự lo lắng. Nhiều gia đình đầu tư cho con em họ đi luyện thi từ lớp 3, lớp 4 thì rất hoang mang. Tôi nghĩ, khi có sự thay đổi chính các em cũng bị ảnh hưởng một phần tâm lý.

Phương án tuyển sinh lớp 6 dự kiến

Trường THPT Chuyên Hà Nội – Amsterdam : Ra bài test để tập trung phát hiện năng lực của học sinh thông qua việc vận dụng kiến thức trong thực tiễn để biến thành năng lực cá nhân. Học sinh sẽ làm bài test trong 45 phút dưới dạng bài viết.

Trường THCS Cầu Giấy trình phương án tuyển thẳng những học sinh đạt giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp thành phố và xét học bạ những học sinh được nhận xét mức “đạt” trở lên.

Trường THCS Nguyễn Siêu test chỉ số IQ, EQ và tổ chức ngày hội trò chơi tập thể, cá nhân để phát hiện các kỹ năng của học sinh.

Trường THCS Nguyễn Tất Thành trình phương án test chỉ số IQ, EQ.

Trường Lương Thế Vinh dự kiến làm bài khảo sát với khoảng 30 câu hỏi về nhận thức cuộc sống bình thường trong gia đình, trong lớp, ngoài xã hội kiểu như chương trình Ai là triệu phú.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Hà (Tiền Phong)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN