Gửi trẻ tại gia chẳng khác nào... "đánh bạc"

Những điểm trông trẻ tại gia thường không được cấp phép, thiếu thốn đủ thứ, người trông không có nghiệp vụ… nguy cơ mất an toàn cho trẻ rất cao. Tuy nhiên, với ưu điểm giá rẻ, nhận cả trẻ nhỏ... những điểm trông trẻ tự phát này lại là lựa chọn của không ít các bà mẹ.

Không an toàn

Nằm sâu trong ngõ nhỏ cuối đường Lò Đúc (Hà Nội), ngôi nhà chật hẹp của bà Ngọc từ nhiều năm nay đã trở thành điểm trông giữ trẻ. Trong căn phòng rộng chừng 12m2, trừ diện tích kê tủ, giá để giày dép và các vật dụng thiết yếu..., thì diện tích còn lại của căn phòng chỉ đặt vừa một chiếc đệm, vừa là nơi vui chơi, vừa là nơi ngủ trưa cho trẻ. Ngôi nhà thấp mái, lại vướng gác lửng nên suốt ngày phải bật đèn vì thiếu ánh sáng.  

"Khi bắt buộc phải gửi trẻ ở các điểm trông trẻ tại gia, bố mẹ nên tìm hiểu kỹ về nhân thân người trông trẻ; Không gian giữ trẻ có hợp lý, an toàn không. Hàng ngày, bố mẹ phải theo dõi sát sao tình hình sức khỏe, cơ thể, tính cách của con, chú ý hỏi bé (nếu bé đã biết nói) về các hoạt động ở lớp. Nếu bé có dấu hiệu bất thường như: Lo lắng, sợ sệt khi nhắc đến nhà trẻ, cô giáo hoặc trên người bị thương tích, bầm tím, bố mẹ phải ngừng gửi trẻ lập tức”.

Phạm Thị Hồng Nga,
Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội

Khi tôi đến là lúc bé Min (10 tháng) vừa ngủ dậy đang moi móc chiếc đàn nhựa cũ kỹ dưới đống chăn màn để bừa bãi, lẫn lộn, trong khi 2 trẻ khác vẫn say giấc. Bà Ngọc cho hay: “Đợt này tôi chỉ trông có 3 đứa, nhỏ nhất 6 tháng, lớn thì 14 tháng. Ở nhà rảnh, nên trông trẻ, vậy mà cũng gần chục năm rồi”. 

Chị Mai Linh, mẹ của bé Min cho hay: “Khi con được 4 tháng mình đã phải đi làm rồi. Ông bà nội, ngoại đều lớn tuổi lại ở quê, nhà mình thì chật chội, kinh tế eo hẹp nên cũng không có điều kiện thuê người về trông con. Biết là cơ sở vật chất ở đó không tốt lắm, nhưng chẳng có lựa chọn nào khác”. Hàng ngày, chị Linh nấu sẵn cháo cho vào cặp lồng gửi bà Ngọc để bé ăn hai bữa và gửi kèm hộp sữa. Chị gửi con từ 7h đến 17h hằng ngày. Mỗi tháng tiền công trông trẻ là 1,8 triệu đồng. “Nhiều hôm bố mẹ có việc đột xuất về muộn, hoặc chủ nhật phải đi đâu đó, vẫn có thể gửi con nhờ bà Ngọc trông giúp mà không mất phí, gửi trẻ tại gia cũng nhiều cái tiện”, chị Linh phân trần.

Gửi trẻ tại gia chẳng khác nào... "đánh bạc" - 1

Những điểm trông trẻ tại gia thường có không gian sinh hoạt hạn chế vì đối tượng nhận giữ trẻ chủ yếu là người nghèo

Chị Minh Huyền, có con trai hơn 1 tuổi chia sẻ, hai vợ chồng tổng thu nhập chỉ hơn 8 triệu. Gần nhà cũng có trường tư thục nhận trông trẻ độ tuổi như con chị, điều kiện cơ sở vật chất tốt hơn nhưng học phí tới 2,7 triệu đồng/tháng mà vẫn phải gửi sữa hàng ngày. “Biết rằng cơ sở trông trẻ tự phát thường không bị ràng buộc trách nhiệm, nhưng không có sự lựa chọn nào thì đành trông chờ vào cái tâm của người trông trẻ vậy”, chị Huyền thở dài. 

Khó kiểm soát

Trên thực tế, mặc dù hiện Hà Nội có hơn 900 trường mầm non (698 trường công lập; 5 trường dân lập; 202 trường ngoài công lập) nhưng hầu hết các trường mầm non công lập đều chỉ nhận học sinh từ 3 tuổi trở lên, số trường nhận trẻ từ 2 tuổi trở lên cũng ít. 

Những trường tư thục bình dân có sân chơi cho các cháu, có giáo trình học, thì học phí cũng khá cao, từ 2,5 - 3,5 triệu đồng/tháng và hầu hết các trường cũng chỉ nhận trẻ từ 18 tháng tuổi. Chính vì vậy, nhiều cha mẹ không có người thân rảnh rỗi hay không có điều kiện thuê người giúp việc, vẫn phải gửi trẻ ở những điểm trông trẻ tại gia.

Theo bà Phạm Thị Hồng Nga - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội, những điểm trông trẻ tại gia này không thuộc sự quản lý của Sở GD&ĐT, mà thuộc sự quản lý, giám sát của chính quyền địa phương. Sở GD&ĐT có chủ trương phối hợp với chính quyền các địa phương kiểm tra, chấn chỉnh các điểm trông trẻ tại gia, nhưng có phát hiện được cũng khó xử lý với những lý do biến tướng như “trông con, cháu trong nhà”. “Lo ngại nhất là những nhà nhận giữ trẻ tại gia này đều có hoàn cảnh khó khăn, nhà cửa chật chội. Nơi trông giữ trẻ rất mất an toàn với nhiều đồ điện, cầu thang gỗ không lan can... khiến trẻ dễ gặp nạn. Khi gửi con tại những điểm trông trẻ tại gia, các bố mẹ cũng không có bất kỳ giấy tờ, hợp đồng nào ràng buộc trách nhiệm với người trông trẻ, nên nếu trẻ có gặp sự cố, cũng rất khó để cơ quan chức năng xử lý người trông trẻ”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Hoàng Vân (Giao thông vận tải)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN