Không nên gửi con ở nơi trông giữ trẻ tự phát

Sau vụ bảo mẫu Hồ Ngọc Nhờ (SN 1995, quê Cần Thơ) tra tấn đến tử vong xảy ra trên địa bàn khu phố 6, phường Linh Trung, quận Thủ Đức, một số người dân phản ánh ở địa phương này đang tồn tại nhiều điểm trông giữ trẻ tự phát, không có giấy phép hoạt động.

Xuất hiện nhiều điểm giữ trẻ tự phát

Nhiều người cho rằng, không thể đổ hết lỗi lên đầu những người lao động nghèo, mà chính vì sự quản lý lỏng lẻo của chính quyền địa phương đã tạo nên tình trạng các điểm trông giữ trẻ “chui” xuất hiện nhiều như hiện nay.

Như bà H. (người Cần Thơ, tạm trú ở tổ 9, khu phố 6, phường Linh Trung, quận Thủ Đức) chuyển về địa bàn quận Thủ Đức sinh sống được hơn 5 năm. Thời gian gần đây, thấy nhiều hộ trông giữ trẻ “chui” ăn nên làm ra mà không bị chính quyền địa phương nhắc nhở, kiểm tra bà cũng chuyển sang làm nghề “bảo mẫu”.

Ông Phạm Ngọc Minh, tổ trưởng tổ 10 khu phố 6 khẳng định, ở địa phương này dân nhập cư chiếm 70% (đa số lao động nghèo). Đây là khu dân cư nằm trong diện quy hoạch treo thuộc Làng đại học Thủ Đức.

Không nên gửi con ở nơi trông giữ trẻ tự phát - 1

Người dân chưa hết bàng hoàng sau vụ bảo mẫu tra tấn cháu bé 18 tháng tuổi đến tử vong

“Đa số người dân nơi đây rất nghèo, không có tiền đi gửi trẻ ở các cơ sở trông giữ trẻ khác vì không đủ chu cấp cho các cháu. Chính vì những khó khăn như thế mà tại địa phương này xuất hiện nhiều nơi trông trẻ tự phát, không có giấy phép hoạt động”, ông Minh nói.

Theo ông Đỗ Minh Hoàng, Chánh văn phòng Sở Giáo dục & Đào tạo TP.HCM, đối với những cơ sở giữ trẻ ngoài công lập hiện nay sẽ do ủy ban nhân dân phường, xã trực tiếp cấp phép và quản lý. Sở chỉ là đơn vị quản lý về mặt chuyên môn, định kỳ 3 tháng, Phòng giáo dục mầm non của Sở sẽ họp với các trường để tìm biện pháp nâng cao chất lượng giáo dục, quản lý.

Hiện nay, những cơ sở giữ trẻ “chui” nằm ngoài sự quản lý của Sở Giáo dục. Nếu có vi phạm, xử lý thì thuộc thẩm quyền của UBND phường, xã nơi cơ sở đó lưu trú.

Về việc cháu bé 18 tháng tuổi bị hành hung đến chết, ông Hoàng cho rằng, không thể gọi Hồ Ngọc Nhờ là “bảo mẫu”, bởi Nhờ không hề đăng ký điểm nuôi dạy trẻ, việc giữ cháu Long chỉ giống như hình thức nhờ gửi con giữa hàng xóm, láng giềng với nhau

Không nên gửi con ở nơi giữ trẻ tự phát

Bà Nguyễn Thị Thúy Nga, Phó trưởng phòng Phòng Giáo dục & Đào tạo quận Thủ Đức thừa nhận, do đặc thù địa bàn có nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất nên con em công nhân tập trung đông, vì thế việc gửi con hộ theo kiểu tự phát và không có giấy phép như trên là không phải hiểm.

Tuy nhiên, theo bà Nga, việc gửi con ở những nơi tự phát là không nên, bởi trên địa bàn quận Thủ Đức không thiếu các trường lớp mầm non chính quy, được trang bị cơ sở vật chất cũng như chuyên môn theo quy định. Chi phí ở những nơi giữ trẻ này cũng chỉ dao động trên dưới 1 triệu đồng/tháng (bao gồm tiền ăn và các khoản khác).

Đặc biệt, hiện nay trên địa bàn quận, các trường lớp mầm non ngoài công lập đều nhận giữ trẻ ngoài giờ và theo ca phù hợp với công việc của phụ huynh với chi phí dao động từ 20-50.000 đồng/ngày để tạo điều kiện cho phụ huynh có thể tăng ca làm.

Không nên gửi con ở nơi trông giữ trẻ tự phát - 2

Theo Phó giám đốc Sở, không nên gửi con ở những nơi trông giữ trẻ tự phát

Trong khi đó, theo bà Trần Thị Kim Thanh, Phó Giám đốc Sở Giáo dục & Đào tạo TP.HCM, nhóm trẻ nhận giữ hộ “chui” như trên không chỉ trái với quy định, không được cấp phép mà còn không có chuyên môn, nghiệp vụ nên các bậc phụ huynh tuyệt đối không nên gửi con vào những nơi này vì sẽ không đảm bảo mọi điều kiện và nguy cơ rủi ro cao.

Bà Thanh khuyến cáo: “Nếu gửi những nơi không đáng tin cậy, chẳng may các em bị bạo hành thường xuyên thì sẽ gây tâm lý không tốt trong quá trình hình thành tính cách”.

Theo số liệu thống kê của Sở Giáo dục & Đào tạo, hiện toàn thành phố có 870 trường mầm non, trong đó có 419 trường công lập và 451 trường ngoài công lập (bao gồm, trường mầm non tư thục và lớp nhóm trẻ mầm non). Tổng cộng có 309.000 trẻ em đang được học tại các hệ thống trường trên, gồm: 161.000 em thuộc hệ thống công lập và 148.000 em ngoài công lập. Ở quận Thủ Đức có 148 trường mầm non, với 720 lớp và tổng số gần 21.000 em, bao gồm: mầm non công, tư thục và nhóm trẻ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hưng Văn- Minh Nghĩa ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN