Đổi mới tốt nghiệp THPT: Lo học sinh học lệch

Một khi bệnh thành tích trong trường phổ thông chưa dẹp xong thì chưa thể tổ chức thi tốt nghiệp theo hướng tự chọn môn thi.

Đó là ý kiến của hầu hết các nhà quản lý giáo dục tại TP HCM khi bàn về phương án thi và công nhận kết quả tốt nghiệp THPT năm 2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), trong đó có phương án thi 4 môn và kết hợp điểm năm lớp 12 để xét tốt nghiệp cho 20% học sinh.

Giảm chất lượng giáo dục toàn diện

Cái lợi của cả 2 phương án thi tốt nghiệp THPT mà Bộ GD-ĐT đưa ra là giảm được áp lực cho học sinh trong thi cử, đồng thời đánh giá được năng lực học sinh qua một quá trình học tập chứ không chỉ qua một kỳ thi. Đây là phương án được nhiều cán bộ quản lý giáo dục đánh giá cao nhưng vẫn còn nhiều lo lắng vì thực trạng đào tạo bậc THPT còn nhiều điều đáng lo, đặc biệt là bệnh thành tích.

Đổi mới tốt nghiệp THPT: Lo học sinh học lệch - 1

Học sinh thi tại hội đồng thi Trường THCS Lý Phong, quận 5, TP HCM ôn bài trước giờ thi tốt nghiệp THPT năm 2013 Ảnh: Tấn Thạnh

Bà Hồ Cam Thanh - nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền, TP HCM - cho rằng học sinh hiện nay có tư tưởng học lệch, thi môn nào học môn đó. Biểu hiện cụ thể là vào cuối tháng 3, khi Bộ GD-ĐT công bố các môn thi tốt nghiệp THPT, nhiều trường kết thúc sớm các môn không thi. Thi 6 môn đã vậy, nếu học sinh chỉ phải thi 4 hay 5 môn, trong đó được chọn trước 2 môn, thì chất lượng giáo dục toàn diện sẽ giảm.

Ông Nguyễn Văn Ngai, nguyên Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP HCM, cũng tỏ ra băn khoăn khi cho học sinh được tự chọn môn thi tốt nghiệp. Ông cho rằng học sinh ở nhiều trường hiện nay học chỉ phục vụ đi thi nên nếu cho học sinh được chọn môn thi sẽ không tránh khỏi việc các em chỉ học vài môn để thi. Bà Phùng Thị Nguyệt Thu - Hiệu trưởng Trường TPHT Phú Lâm, TP HCM - cho rằng với căn bệnh thành tích như hiện nay, nếu học sinh được chọn 2 trong số các môn thi tốt nghiệp thì chắc chắn các em chỉ học vài môn để thi, kiến thức cơ bản các môn còn lại không bảo đảm và ngành giáo dục đến lúc nào đó phải trả giá đắt.

Chưa tin vào kết quả học THPT

Đổi mới thi tốt nghiệp để giảm áp lực là cần thiết song phải bảo đảm việc đánh giá là thực chất. Tuy nhiên, nhiều ý kiến lo ngại phương án quy định học sinh được cộng kết quả lớp 12 để xét tốt nghiệp.

Ông Nguyễn Văn Ngai cho biết vào những năm ông còn làm quản lý, có những trường chất lượng dạy học không bằng các trường khác nhưng kết quả học sinh khá, giỏi lại cao hơn. Nguyên nhân là vì khâu kiểm tra, đánh giá chưa thật sự nghiêm túc.

Ông Lê Văn Linh - Hiệu trưởng Trường THPT Thanh Bình, TP HCM - cho rằng kết quả học tập của học sinh ở trường THPT không có chuẩn chung nên không thể làm căn cứ để xét tốt nghiệp cho học sinh. Khi nào công tác phân luồng sau THCS có hiệu quả thì kết quả học tập bậc THPT của học sinh mới có thể chấp nhận làm căn cứ xét tốt nghiệp.

Theo bà Phùng Thị Nguyệt Thu, việc tổ chức thi kiểm tra học kỳ cho học sinh đã được Sở

GD-ĐT giao cho các trường THPT, vì vậy mà không có chuẩn chung bởi mức độ khó, dễ của đề thi mỗi trường có khác nhau. Bởi lẽ đó, không thể dùng kết quả học lớp 12 cộng với điểm thi các môn để xét tốt nghiệp cho học sinh vì như thế là không công bằng.

Nên thay đổi cách kiểm tra, đánh giá

Nguyên hiệu trưởng một trường THPT ở TP HCM cho rằng vấn đề cần tháo gỡ trong kỳ thi tốt nghiệp THPT là phải thay đổi cách kiểm tra, đánh giá chứ không phải là cắt môn này, bỏ môn kia. Kết quả lớp 12 hiện nay không thể tin cậy và việc cho học sinh chọn môn thi sẽ dẫn đến tình trạng nhiều môn trò không học, thầy chán và hậu quả sẽ rất nghiêm trọng. “Học môn nào thi môn đó nhưng thi căn bản thôi, đừng đánh đố” - vị này nêu quan điểm.

Nhiều ý kiến cho rằng kỳ thi tốt nghiệp THPT cần bắt buộc thí sinh thi 3 môn: văn, toán, ngoại ngữ và bài trắc nghiệm tổng hợp các môn còn lại để tránh tình trạng học sinh học lệch.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Huy Lân (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN