Điểm vào ngành y khoa cao chót vót

Sự kiện: Giáo dục

Dù vẫn đang trong thời gian lọc ảo nhưng nhiều trường ĐH dự kiến điểm chuẩn năm nay tăng cao so với năm trước. Đặc biệt, dự kiến điểm chuẩn một số ngành y dược lên đến trên 29.

Điểm vào ngành y khoa cao chót vót - 1

Thí sinh đăng ký xét tuyển vào Trường ĐH Y Dược TP HCM (Ảnh: Tấn Thạnh)

Giáo sư Nguyễn Hữu Tú, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội, cho hay mức điểm chuẩn dự kiến của trường năm nay sẽ cao hơn các năm trước. Nếu năm 2016, ngành bác sĩ đa khoa của trường lấy 27 điểm thì dự kiến năm nay, mức này có thể tăng lên trên 29 điểm.

29 điểm mới trúng ngành y đa khoa

Theo GS Tú, nếu thí sinh năm trước đạt 27-28 điểm có cơ hội trúng tuyển khá cao thì năm nay cần xác định lại bởi số lượng thí sinh đạt điểm 10 khối B khá lớn. Năm nay, Trường ĐH Y Hà Nội có hơn 600 hồ sơ đăng ký nguyện vọng vào ngành y đa khoa, không thay đổi nhiều so với số đăng ký từ trước, trong đó 450 trường hợp là nguyện vọng 1. Các thí sinh này đều đạt trên 29,25 điểm ở các tổ hợp xét tuyển. Tổng chỉ tiêu năm nay của trường là 1.100. Trong đó, riêng ngành y đa khoa (cơ sở Hà Nội) là 500 (đã có 45 thí sinh tuyển thẳng vào ngành này), phân hiệu Thanh Hóa có 100 chỉ tiêu ngành y đa khoa.

Mức điểm trúng tuyển dự kiến chiều 28-7 của ngành y đa khoa Trường ĐH Y Dược TP HCM cũng gây sốc với 29,25 điểm.

PGS Hoàng Năng Trọng, Hiệu trưởng Trường ĐH Y Dược Thái Bình, cho biết điểm trúng tuyển của trường này dự kiến cũng cao hơn năm ngoái khá nhiều. Nếu năm ngoái, điểm trúng tuyển ngành y đa khoa là 25,25 thì năm nay, thí sinh đạt 27,5 điểm mới có cơ hội trúng tuyển. Các ngành khác như dược hay y học cổ truyền cũng có mức điểm trúng tuyển dự kiến là 25,5 đến 26. Các ngành y tế công cộng và điều dưỡng cũng có mức điểm trúng tuyển dự kiến từ 22 trở lên.

Theo PGS Nguyễn Trung Kiên, Hiệu trưởng Trường ĐH Y Dược Cần Thơ, mức điểm trúng tuyển dự kiến vào ngành y đa khoa của trường là 27, cao nhất từ trước đến nay. Năm 2016, điểm chuẩn vào ngành này chỉ là 24,5. PGS Kiên cho biết điểm chuẩn các ngành khác đều tăng 2 điểm so với năm trước.

Điểm chuẩn trường tốp trên tăng mạnh

PGS Trần Văn Tớp, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, nhận định sau nhiều vòng lọc ảo, có thể thấy điểm chuẩn các ngành của trường đều tăng so với năm ngoái. "Việc tăng điểm các ngành hoàn toàn nằm trong dự báo của trường. Ngành nào cũng tăng và có ngành tăng từ 1 điểm, có ngành tăng hơn. Nhưng đó là nằm trong xu thế chung chứ không có gì đột biến" - ông Tớp nhận xét.

Tuy nhiên, có thể nhóm ngành cao nhất sẽ không tăng nhiều vì năm ngoái xấp xỉ 9 điểm (tổng 3 môn 27 điểm) rồi, năm nay nếu có tăng thì chỉ tăng 9,2-9,3 (27,4- 27,6 điểm/3 môn) chứ không thể lên tới 10 (30 điểm). Theo ông Tớp, năm nay, đặc biệt các ngành về đào tạo quốc tế và chương trình tiên tiến của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, điểm chuẩn sẽ tăng cao.

PGS Bùi Đức Triệu, Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Kinh tế Quốc dân Hà Nội, nhận định điểm chuẩn năm nay ở các trường tốp trên sẽ tăng. Dự kiến so với năm 2016, mức điểm chuẩn năm nay có thể tăng 1,5-2,5.

Ông Triệu cho rằng việc tăng điểm chuẩn sẽ diễn ra ở tất cả các ngành. Trong đó, những ngành năm ngoái lấy thấp thì có xu hướng sẽ tăng mạnh hơn những ngành tốp đầu. Nguyên nhân là vì thí sinh trượt ở nguyện vọng các ngành "hot" sẽ chuyển nguyện vọng ở ngành thấp hơn. Đây là điều hoàn toàn có thể xảy ra. Dự kiến, các ngành tốp đầu có thể ở mức 26,5 điểm (tăng 1 điểm so với năm 2016), các ngành ở nhóm thấp hoặc nhóm giữa sẽ tăng nhiều hơn từ 1-1,5 điểm, một số ngành "hot" có thể tăng cao hơn.

Theo TS Phạm Thu Hương, Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Ngoại thương, số hồ sơ thí sinh có nguyện vọng đăng ký xét tuyển vào trường là 14.000, trong khi chỉ tiêu của trường năm nay là 3.750. Với các thông số này, chắc chắn mức điểm ở các tổ hợp xét tuyển cũng cao hơn những năm trước. Vì thế, dự kiến điểm chuẩn sẽ tăng và tăng ở tất cả các ngành, tổ hợp đào tạo của trường chứ không chỉ ở một vài ngành. 

Sư phạm mầm non lên ngôi

Trường ĐH Vinh ngày 28-7 cũng công bố điểm chuẩn dự kiến. Theo đó, sư phạm mầm non là ngành có điểm xét tuyển đầu vào cao nhất với 27 điểm theo các tổ hợp toán - tiếng Anh - năng khiếu hoặc toán - ngữ văn - năng khiếu. Ngành có điểm chuẩn cao thứ 2 là sư phạm tiếng Anh với mức điểm dự kiến là 24 (xét tuyển 3 môn toán - ngữ văn - tiếng Anh). Ngành giáo dục tiểu học có điểm chuẩn dự kiến là 22. Đây cũng là ngành có tổ hợp môn xét tuyển khá đa dạng với ngữ văn - lịch sử - địa lý, toán - ngữ văn - tiếng Anh và toán - vật lý - hóa học. Với các ngành còn lại, điểm chuẩn đầu vào dự kiến bằng với điểm xét tuyển là 15,5.

Theo lãnh đạo Trường ĐH Vinh, về cơ bản, mức điểm chuẩn của trường đã được thông qua. Tuy nhiên, mức điểm có thể sẽ tiếp tục được điểu chỉnh, căn cứ vào hồ sơ đăng ký nguyện vọng của các trường khác nằm trong nhóm xét tuyển ĐH phía Bắc.

ĐH Y Hà Nội: Gần 3.000 nguyện vọng vào Y đa khoa, điểm chuẩn thế nào?

Trường ĐH Y Hà Nội cho biết, nhà trường nhận được dữ liệu từ Bộ GD&ĐT gửi về ngày hôm qua (26/7). Nhìn chung, số lượng...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Yến Anh (Người lao động)
Giáo dục Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN