ĐH Hùng Vương: Chi 18 tỷ với chứng từ không dấu

Khoản thu gần 18 tỉ đồng từ học phí của sinh viên đã được duyệt chi mà không có chữ ký của người đại diện pháp luật, không con dấu… chuyện hy hữu trên là một thực tế đang diễn ra tại Trường ĐH Hùng Vương TP.HCM.

Đáng nói, dù không có chữ ký của người đại diện đúng pháp luật, thậm chí là chẳng cần đóng dấu nhưng tất cả các hợp đồng giao dịch với các cơ quan, tổ chức bên ngoài trường mà Hiệu trưởng tạm quyền Tạ Thị Kiều An ký thời gian qua vẫn “mặc nhiên” được các cơ quan chức năng chấp nhận.

Theo tìm hiểu của Dân Việt, toàn bộ số tiền mặt thu được từ khoản học phí của sinh viên Trường ĐH Hùng Vương từ ngày 20/6/2013 đến ngày 24/12/2013 là hơn 17,6 tỉ đồng, cùng với số tiền tồn đầu kỳ là hơn 2 tỉ đồng nên tổng số tiền quỹ tiền mặt lúc này của trường lên tới gần 20 tỉ đồng. Tuy nhiên, số tiền này không được gửi ngân hàng theo quy định mà được giữ lại để duyệt chi những khoản chi mà chứng từ kèm theo lại không có dấu.

ĐH Hùng Vương: Chi 18 tỷ với chứng từ không dấu - 1

Phiếu chi tiền không con dấu của ĐH Hùng Vương TP.HCM

Điển hình như việc chi cho Công ty Bảo vệ Hoàng Long gần 100 triệu đồng mỗi tháng để thuê gần 30 bảo vệ ba cơ sở của trường với hợp đồng “ảo” (hợp đồng không có dấu của ĐH Hùng Vương) nhưng lại chi trả tiền bằng tiền mặt thật (đến nay tổng số tiền chi cho bảo vệ đã lên tới 600 triệu đồng - PV). Hay như trong những hợp đồng “Chuyển hơn 1.500 sinh viên sang 4 trường khác thi tốt nghiệp nhờ” đã được thực hiện do Hiệu trưởng tạm quyền Tạ Thị Kiều An ký duyệt chi hơn 639 triệu đồng cho việc thi nhờ này.

Và còn hàng loạt các khoản chi khác thông qua hợp đồng giao dịch giữa Hiệu trưởng tạm quyền Tạ Thị Kiều An với các cơ quan, tổ chức bên ngoài trường mà “không cần” con dấu. Thế nên, chỉ trong vòng 6 tháng, tổng số quỹ tiền mặt gần 20 tỉ đồng chỉ còn vỏn vẹn hơn 780 triệu đồng.

Đáng nói ở đây, hầu hết các chứng từ kế toán chi tiền này không hợp pháp vì không có chữ ký của người có thẩm quyền ký duyệt chi (người đại diện pháp luật) và kế toán trưởng theo quy định của Luật Kế toán mà hầu hết người ký lại là bà Tạ Thị Kiều An, thủ quỹ Đỗ Thị Thơ và phụ trách kế toán Lâm Thị Minh Thơ thực hiện (bà Lâm Thị Minh Thơ mới được ông Đặng Thành Tâm bổ nhiệm trái luật - PV). Nghiêm trọng hơn, những phiếu chi này còn chẳng có chứng từ gốc kèm theo.

Đặc biệt, trong quá trình thực hiện các khoản chi, bà Tạ Thị Kiều An đã “hợp pháp hóa” cho các khoản chi trên 100 triệu theo đúng quy định bằng cách chuyển sang HĐQT duyệt. Nực cười ở chỗ, người đại diện HĐQT ký duyệt lại là ông Hoàng Sĩ Hóa với danh nghĩa Phó Chủ tịch HĐQT trong khi đó chính ông này là người được Thanh tra TP.HCM kết luận là không đủ tư cách thành viên HĐQT (theo Kết luận Thanh tra 51/KL-TTTP-P3).

Được biết, ông Hoàng Sỹ Hóa được ông Đặng Thành Tâm bổ nhiệm vào vị trí “Phó Chủ tịch HĐQT”.

Và thật lạ là, dù các chứng từ không có dấu và ngay cả thẩm quyền của người ký còn nhiều vấn đề nhưng vẫn được các cơ quan chức năng công nhận.

Không có đại diện hợp pháp để thực hiện các hợp đồng dân sựTheo điều 86 Bộ Luật Dân sự nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và khoản 1 Điều 20 Luật Giáo dục Đại học, chỉ Hiệu trưởng - người đại diện pháp luật Trường Đại học Hùng Vương TP.HCM mới có thẩm quyền nhân danh trường trong quan hệ dân sự. Do đó, mọi giao dịch dân sự nhân danh Trường Đại học Hùng Vương TP.HCM đối với các cá nhân, pháp nhân khác được xác lập, thực hiện kể từ sau ngày 14/6/2013 (ngày ông Lê Văn Lý bị UBND TP.HCM không công nhận Hiệu trưởng - PV) là các giao dịch không hợp pháp, không có giá trị pháp lý vì đó là những giao dịch dân sự do người không có quyền đại diện xác lập, thực hiện.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Quốc Hải (Dân Việt)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN