Đề văn THPT quốc gia 2017 thử nghiệm dễ khiến thí sinh mất điểm ở câu nào?

Bộ GD&ĐT vừa công bố bộ đề thi thử nghiệm THPT quốc gia 2017 với khá nhiều điểm đáng chú ý. Môn Văn quay lại đề truyền thống, không đề cập vấn đề thời sự của đất nước.

Nhận xét về cấu trúc đề thi thử nghiệm môn Ngữ Văn (lần 2) mà Bộ GD&ĐT vừa công bố, T.S Phạm Hữu Cường (Trung tâm Luyện thi Thầy Cường) cho hay: “Đề thi thử nghiệm môn Văn kỳ thi THPT quốc gia 2017 mà Bộ GD&ĐT vừa công bố là một đề thi có khả năng đánh giá được năng lực người học thông qua yêu cầu vận dụng kiến thức, giảm yêu cầu thuộc lòng, ghi nhớ máy móc hay trả lời theo khuôn mẫu có sẵn”.

Đề văn THPT quốc gia 2017 thử nghiệm dễ khiến thí sinh mất điểm ở câu nào? - 1

T.S Phạm Hữu Cường

TS Phạm Hữu Cường cho biết thêm, đề thi minh họa môn Ngữ Văn công bố hôm 5/10/2016 (lần 1) yêu cầu đọc hiểu 1 văn bản nghị luận thuộc phong cách ngôn ngữ sinh hoạt đồng thời cảm nhận vẻ đẹp của một hình tượng thơ.

Đề thi thử nghiệm môn Ngữ Văn (lần 2) lại yêu cầu đọc hiểu 1 văn bản thơ thuộc phong cách ngôn ngữ nghệ thuật và phân tích 1 đoạn trích để làm sáng tỏ (chứng minh) một nhận định về 1 hình tượng trong văn xuôi.

Đề thi thử nghiệm lần 2 khá bám sát chương trình THPT, nhất là chương trình Ngữ văn 12. Độ dài các câu tương đối hợp lý. Yêu cầu về mức độ kiến thức và kĩ năng trong đề thi khá cơ bản, phù hợp với học sinh có học lực trung bình và khá.

Các câu trong đề nhìn chung được sắp xếp từ dễ đến khó, đảm bảo được việc kiểm tra kiến thức và kĩ năng ở các mức độ: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao.

Ngoài ra, tính thời sự của đề thi cũng không cao mà nghiêng về tính truyền thống, hầu như không đề cập đến các vấn đề thời sự hiện nay của dân tộc, của đất nước.

Đề thi cũng ít câu hỏi mở, khả năng phân loại thí sinh chưa cao, nhưng vẫn đáp ứng được yêu cầu vừa xét công nhận tốt nghiệp THPT, vừa dùng để xét tuyển sinh ĐH, CĐ.

Trong đề thi các câu hỏi ở phần đọc hiểu khá cơ bản, không khó đối với học sinh có học lực trung bình trở lên. Các em chỉ cần đọc kĩ văn bản, vận dụng các kĩ năng đọc hiểu thông thường là có thể hoàn thành tốt các câu hỏi này, Vì vậy, ở phần đọc hiểu, sẽ khá nhiều thí sinh đạt được từ 2 đến 2,5 điểm, thậm chí đạt điểm tối đa.

Câu nghị luận xã hội không khó và quá quen thuộc, ít có khả năng khơi gợi hứng thú làm bài cho học sinh. Ở câu này, học sinh có học lực trung bình và khá có thể giải quyết được những yêu cầu cơ bản của đề bài, nên việc đạt được 1,5/2 điểm cũng là trong tầm tay.

Là câu có nhiều “chất văn” hơn cả, câu nghị luận văn học (câu 2, phần II) có thể khơi gợi được ít nhiều hứng thú làm bài của học sinh. Các em chỉ cần bám sát văn bản, vận dụng kĩ năng phân tích và năng lực cảm thụ văn học của mình là có thể hoàn thành được phần lớn yêu cầu của đề.

Ở câu này, học sinh có thể sẽ không chú ‎ý giải thích các khái niệm “vẻ đẹp trời phú”, “ánh lên vẻ đẹp của con người”, hoặc làm không đầy đủ ý nên phổ điểm chủ yếu ở câu này sẽ là 3,5 điểm.

Vì vậy, với đề thi này, phổ điểm chủ yếu mà học sinh đạt được sẽ vào khoảng 7-8 điểm.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hoàng Thanh (Infonet)
Kỳ thi tốt nghiệp THPT Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN