Đề thi THPT quốc gia: “Yên tâm, cứ ôn tập bình thường như trước"

Các thầy cô và thí sinh trên cả nước đang băn khoăn và chờ đợi thông tin hướng dẫn của Bộ GD&ĐT về ma trận đề thi và chương trình ôn tập cho kỳ thi THPT quốc gia. Phóng viên báo Tiền Phong trao đổi với Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga về vấn đề này.

Đề thi THPT quốc gia: “Yên tâm, cứ ôn tập bình thường như trước" - 1

Học sinh THPT trao đổi sau giờ thi. Ảnh: Hồng Vĩnh

Xin ông cho biết về kế hoạch của Bộ GD&ĐT đối với hai nội dung nói trên mà thí sinh đang quan tâm nhất hiện nay?

Khi lãnh đạo Bộ GD&ĐT họp với Thủ tướng Chính phủ ngày 9/3 thì Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã yêu cầu Bộ phải có mẫu đề thi để đưa lên mạng cho các thí sinh tham khảo và ôn tập. Bộ đã giao Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng chuẩn bị mẫu đề chuẩn nhất dùng cho việc tham khảo và sẽ công bố.

Thí sinh cũng đang rất băn khoăn về các cụm thi để chuẩn bị tinh thần di chuyển đến nơi thi. Khi nào thì Bộ sẽ công bố cụ thể?

Bộ GD&ĐT đã chuẩn bị xong nhưng đang rà soát lại lần chót để có thể công bố vào trung tuần tháng 3.

Khi nào thí sinh bắt đầu nộp hồ sơ?

Dự kiến ngày 1.4.2015 thí sinh bắt đầu nộp hồ sơ và kéo dài đến ngày 30.4. Bộ sẽ ban hành một hướng dẫn cụ thể, chi tiết nộp hồ sơ, ngày thi, lịch thi các môn…

Dư luận thầy và trò ở các trường phổ thông còn nhiều băn khoăn về đổi mới của kỳ thi, đặc biệt là đề thi. Ông có thể nói gì về điều này?

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT,
Bùi Văn Ga

"Nhìn chung, đề thi chưa có thay đổi gì nhiều để khiến học sinh phải cảm thấy mới lạ so với trước. Các thí sinh cứ yên tâm học tập và ôn tập bình thường như trước."

Tất cả mọi việc đã sẵn sàng. Kỳ thi có nhiều điểm đổi mới nhưng đều hướng đến việc tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh, giảm áp lực và giảm tốn kém. Trước đây có 4 đợt thi khác nhau thì nay chỉ thi 1 kỳ thi duy nhất. Cấu trúc đề thi không có gì thay đổi nhiều so với những năm gần đây. Đề thi mở, khuyến khích ứng dụng kiến thức đã học trong thực tiễn, không đòi hỏi học sinh học chi tiết một cách máy móc. Nhìn chung, đề thi chưa có thay đổi gì nhiều để khiến học sinh phải cảm thấy mới lạ so với trước. Các thí sinh cứ yên tâm học tập và ôn tập bình thường như trước. Trước đây thí sinh đi thi ở các trường, có thể rất xa nhưng nay có thể thi ở địa phương mình hoặc địa phương lân cận vì mỗi cụm thi cho 2 tỉnh trở lên, rất thuận tiện. Khi thi xong mới nộp hồ sơ xét tuyển tránh rủi ro như trước đây, nay các thí sinh có tới 4 giấy báo điểm, mỗi giấy được 4 nguyện vọng (NV) vào 1 trường, và còn có thể thay đổi rút hồ sơ nên khả năng trúng tuyển sẽ cao hơn. Những vấn đề khác liên quan đến cách học, cách ôn tập, kiến thức… đều không thay đổi nên các thí sinh cứ yên tâm học tập.

Đề thi THPT quốc gia: “Yên tâm, cứ ôn tập bình thường như trước" - 2

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga

Vì thí sinh có 4 giấy chứng nhận để xét tuyển và có thể rút ra, nộp vào linh hoạt nên dư luận các trường lo ngại về hiện tượng thí sinh ảo. Ông nói gì về điều này?

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT
Nguyễn Vinh Hiển

"Bộ GD&ĐT sẽ không có đề cương và không có tài liệu hướng dẫn ôn tập mà chỉ ban hành ma trận đề thi để thí sinh tham khảo (tầm cuối tháng ba đầu tháng tư). Các thầy cô và thí sinh có thể dựa vào đó để biết mức độ khó dễ của đề thi, cách thức làm để ôn tập, nâng cao chất lượng."

Tôi khẳng định: Không ảo nhiều! NV1 thí sinh nộp hồ sơ rất đông nhưng thí sinh chỉ được nộp 1 giấy báo điểm vào 4 ngành của 1 trường duy nhất, khi thấy khả năng không trúng sẽ rút và nộp trường khác và cũng chỉ được nộp 1 trường vì vậy sẽ không ảo mà chỉ tăng sự lựa chọn cho thí sinh. Khi rút từ trường này sang trường kia thì trường cũ xóa tên. Kết thúc NV1 đã có trên 70 % thí sinh trúng tuyển. Với NV bổ sung dùng 3 giấy 3 trường nhưng khi đó sẽ không còn nhiều thí sinh (chỉ còn khoảng 30%). Các trường có thể hoàn toàn yên tâm về điều này vì khi thí sinh trúng tuyển NV1 thì đã bị phần mềm loại tên ra khỏi dữ liệu xét tuyển và thí sinh đó sẽ không có tên trong danh sách xét tuyển tiếp theo. Điều mà thí sinh cần lưu ý là phải hết sức cẩn thận khi đăng ký xét tuyển. Nếu cứ đăng ký thoải mái, chọn rồi bỏ không học là sẽ mất cơ hội vì khi đã trúng tuyển NV trước mà bỏ thì không còn đủ điều kiện để xét tuyển NV sau.

Trong trường hợp thí sinh cố tình nộp thêm NV bổ sung và các trường, vì muốn có thí sinh, vẫn cố tình nộp hồ sơ và cố tình nhận học thì khả năng ảo vẫn còn, thưa ông?

Trường sẽ phải báo cáo danh sách trúng tuyển lên Bộ, những thí sinh không trong danh sách sẽ không được chấp nhận. Trường nào cố tình phạm quy, chủ tịch hội đồng tuyển sinh hoặc hiệu trưởng sẽ bị xử phạt.

Chân thành cám ơn ông!

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hồ Thu/Tiền Phong ([Tên nguồn])
Kỳ thi tốt nghiệp THPT Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN