Để đạt điểm cao trong đợt thi thứ hai

Đọc kỹ và không bỏ sót dữ kiện trong đề thi, lập dàn ý chi tiết cho từng câu trả lời, biết khái quát và liên kết các sự kiện... là những lưu ý cần thiết để có thể đạt điểm cao trong kỳ thi tuyển sinh ĐH.

Theo các giáo viên, thí sinh nên dành khoàng 10 phút cuối giờ để kiểm tra lại bài làm, tránh sai sót đáng tiếc.

Môn văn: nhớ chủ đề của tác phẩm

Đối với môn văn, thầy Nguyễn Đức Hùng - giáo viên Trường THPT Lạc Hồng (TP.HCM) - lưu ý đối với câu nghị luận xã hội, đề “mở” nhưng không bao giờ vượt ra khỏi quy luật của cuộc sống, và luôn định hướng giáo dục ta hoàn thiện nhân cách làm người, hướng ta về cuộc sống tươi đẹp của cộng đồng, xã hội. Thí sinh phải cảm giác đề như vậy để xác định được ý nghĩa, tránh tình trạng lạc đề hoặc hiểu mơ hồ.

Thao tác giải thích phải ngắn gọn và chính xác ý nghĩa của từ ngữ. Phần bình luận là thước đo khả năng tư duy logic, kiến thức và trí tuệ của thí sinh. Phần lớn thí sinh bối rối vì không biết bắt đầu từ đâu, vậy xin mách các em hãy mượn tinh thần của những câu danh ngôn có nội dung tương đồng với đề thi để triển khai.

Phần dẫn chứng, các em tránh dùng những hình tượng văn học mà phải chú trọng đến con người đời thường, xã hội và con người lịch sử đi liền với hành động của họ tương đồng với đề thi. Phần liên hệ bản thân, tránh kiểu hô khẩu hiệu một cách hình thức và hời hợt.

Phần tự chọn có tính chất quyết định “số phận” bài thi vì số điểm bằng tổng của câu 1 và 2. Trong chương trình học có hai chủ đề lớn là chủ nghĩa nhân đạo và chủ nghĩa yêu nước anh hùng.

Học sinh phải biết quy nạp nội dung bài viết về chủ đề và phần ghi nhớ để tránh lan man. Tác phẩm bao giờ cũng phải có tính tư tưởng, đặc biệt trong văn xuôi tự sự, phải biết rằng hệ thống chi tiết, hình tượng nghệ thuật đều xoay quanh tình huống truyện. Bởi tình huống là một loại hoàn cảnh đặc biệt, hoàn cảnh bất bình thường và “có vấn đề”.

Bởi vậy, phân tích tác phẩm thuộc thể loại này, điều quan trọng là các em phải xác định, khái quát được tình huống và ý nghĩa của nó, đi vào trọng tâm của vấn đề. Nếu là phân tích thơ trữ tình, các em phải nắm vững ngữ nghĩa tường minh, hàm ẩn, các phép tu từ, các môtíp nghệ thuật, đề tài và luôn lưu ý đến cái “tôi” của nhân vật trữ tình.

Trong quá trình thực hiện bài viết luôn nhớ trong đầu chủ đề của tác phẩm. Bên cạnh kiến thức vững vàng, cảm thụ sâu sắc, hành văn trong sáng, lập ý mạch lạc, thì chữ rõ, đẹp cũng là một trong những phẩm chất tạo nên sự thành công không nhỏ cho bài làm của các em.

Môn sử: kết nối kiến thức từ nhiều bài

Theo ThS Nguyễn Văn Tiến - Trường ĐH Thủ Dầu Một, một trong những yếu tố quan trọng quyết định thành công trong khi thi môn lịch sử là khả năng phân bố và làm chủ thời gian. Khi vào phòng thi, thí sinh nên dành 10 phút để phân tích đề (xác định yêu cầu, phạm vi, và trọng tâm của các câu hỏi), 20 phút để lập đề cương chi tiết, dành 130 phút để thể hiện đề cương thành bài viết và 20 phút cuối cùng để đọc lại, sửa chữa lỗi văn phạm và sai sót về nội dung.

Câu hỏi của đề thi tuyển sinh đại học thường là những câu hỏi tổng hợp, đòi hỏi các em phải biết sắp xếp ý từ nhiều bài khác nhau để trả lời. Các em chỉ cần gạch đầu dòng các ý chính, tìm kiếm, sắp xếp sử liệu sao cho đúng với sự thật khách quan hoặc nêu các nguyên nhân cơ bản, nhấn mạnh các giá trị truyền thống của dân tộc.

ThS Tiến cũng lưu ý: khi tiếp xúc với đề thi, các em phải đọc thật kỹ đề, hiểu yêu cầu cụ thể của đề, để tránh tình trạng lạc đề. Viết ra giấy nháp nội dung cơ bản của đề thi dưới dạng đề cương chi tiết, trên cơ sở đó vận dụng kiến thức để làm bài. Ðề cương trả lời câu hỏi nên làm ngắn gọn và được sắp xếp hợp lý theo một cấu trúc rõ ràng có luận đề, luận điểm, luận cứ, luận chứng... Các em phải hiểu bài, nhớ được những sự kiện cơ bản và nắm được kiến thức hệ thống theo các chủ đề trong quá trình phát triển của lịch sử thế giới và lịch sử dân tộc… từ đó chọn được những sự kiện tiêu biểu để trả lời đúng theo yêu cầu câu hỏi. Nếu không, thí sinh rất dễ sa đà vào việc mô tả hoặc nêu sự kiện.

Môn địa: cần lập dàn ý chi tiết

Để làm tốt bài thi môn địa, thầy Nguyễn Đăng Lợi - giáo viên Trường THPT Vĩnh Viễn (TP.HCM)- khuyên khi nhận đề thi, thí sinh nên dành thời gian 15 phút để đọc kỹ đề và lập dàn bài chi tiết, dành năm phút cuối để đọc lại bài làm trước khi nộp bài.

Để bài làm không thiếu ý, không lộn xộn, việc lập dàn bài chi tiết trên giấy nháp là hết sức cần thiết. Chú ý phân bổ thời gian hợp lý cho từng câu hỏi, đặc biệt không để mất quá nhiều thời giờ cho yêu cầu vẽ biểu đồ hoặc lược đồ Việt Nam vì điểm tối đa cho phần vẽ biểu đồ không quá 1,5 điểm.

Theo thầy Lợi, việc đọc kỹ đề thi rất quan trọng giúp thí sinh hiểu đúng và đủ yêu cầu của đề thi từ đó làm bài không bị lan man, thiếu ý. Khi đề thi yêu cầu trình bày về nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội, thí sinh phải phân tích các điều kiện tự nhiên và kinh tế - xã hội, bao gồm: vị trí địa lý, tài nguyên thiên nhiên, nguồn nhân lực, đường lối, chính sách phát triển kinh tế - xã hội, kết cấu hạ tầng... có tác dụng thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội ra sao.

Thí sinh cũng cần có cái nhìn biện chứng về nguồn lực, có nghĩa là bên cạnh những thuận lợi, thế mạnh, còn có những khó khăn, hạn chế cần khắc phục...

Trong đề thi, phần vẽ biểu đồ thường khiến thí sinh gặp khó khăn khi chọn loại biểu đồ bởi đề thi chỉ yêu cầu vẽ biểu đồ thích hợp nhất chứ không nêu rõ loại biểu đồ như trong kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Để xác định loại biểu đồ, thí sinh có thể dựa vào một số mẹo. Nên chọn biểu đồ đường biểu diễn, nếu bảng số liệu cho theo giá trị tuyệt đối hay giá trị (%), tương ứng với một chuỗi thời gian có bốn thời điểm trở lên.

Nếu bảng số liệu có từ ba đối tượng trở lên với các đơn vị tính khác nhau (ha, tấn, tạ/ha...) tương ứng với chuỗi thời gian và có bốn thời điểm trở lên thì nên chọn biểu đồ chỉ số phát triển.

Nên chọn biểu đồ hình cột đơn nếu bảng số liệu cho theo giá trị tuyệt đối về quy mô, số lượng của một đối tượng để thấy sự biến động theo thời gian hay của nhiều đối tượng để so sánh...

Môn sinh: không bỏ sót dữ kiện đề thi

Cô Phạm Thu Hằng - Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM) - nhắc nhở: trong thi trắc nghiệm, ngoài một đáp án đúng, ba đáp án còn lại có thể có đáp án nửa đúng nửa sai hoặc chỉ có một từ sai, có thể gây nhiễu nếu bạn không nắm vững kiến thức. Do đó bạn cần đọc kỹ, đọc nhanh nhưng không bỏ sót chi tiết.

Theo tuần tự bạn nên làm câu dễ trước, đọc và chọn ngay đáp án, đọc đến hết đề (vòng 1). Kế tiếp làm câu cần máy tính (vòng 2). Sau đó làm câu khó, nếu phân vân thì dùng phương pháp loại trừ, nếu không chắc thì xếp vào câu “bí”(vòng 3). Cuối cùng là câu không biết gì, bạn phải chọn đại một phương án, đừng bao giờ bỏ trống một câu nào (vòng 4).

Để làm bài môn sinh được điểm cao, cô Hằng lưu ý: trước khi đọc bốn đáp án để chọn, bạn phải chủ động có trước đáp án trong đầu ngay sau khi đọc yêu cầu của câu hỏi. Sau khi đọc câu hỏi mà bạn chưa có đáp án nghĩa là bạn đã bị động, bạn dò tìm đáp án A, B, C, D dù là câu hỏi giáo khoa hay bài tập bạn càng bị rối.

Thường các bạn sợ không kịp thời gian nên đọc đề vội vàng rất nguy hiểm. Đối với dạng câu hỏi cần biện luận hay tính toán, bạn phải học cách giải nhanh, ngắn gọn mà chính xác. Nếu bí quá, bạn có thể lợi dụng đáp án có sẵn để thử, nhưng rõ ràng cách này bạn hoàn toàn bị động và mất nhiều thời gian.

Khi làm bài, tuyệt đối không bôi xóa hoặc nháp trên đề thi, không làm dơ đề, không đánh dấu A, B, C, D vào đề. Đề thi cần sạch sẽ và rõ ràng giúp bạn kiểm tra sai sót dễ hơn. Có thể gạch chân những từ hoặc cụm từ các dữ kiện giúp bạn không bị lạc đề.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Minh Giảng ([Tên nguồn])
Tuyển sinh đại học cao đẳng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN