Đề án đổi mới SGK: Đơn giản, chung chung

Theo dự thảo Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông do Bộ GD-ĐT xây dựng, nguồn lực để thực hiện ước tính gần 35.000 tỉ đồng.

Phiên họp thứ 27 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (TVQH) khai mạc ngày 14/4 đã thảo luận việc ban hành nghị quyết của QH về đổi mới chương trình, sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông và dự thảo Đề án đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông (đề án) sau năm 2015.

Phân hóa từ tiểu học

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Nguyễn Vinh Hiển cho biết đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông phải khắc phục những hạn chế của chương trình, SGK hiện hành và toàn quốc sẽ thống nhất một chương trình giáo dục phổ thông quốc gia. Các trường phổ thông dựa vào đó để xây dựng chương trình giáo dục.

Chương trình mới dự kiến được xây dựng theo hướng tăng cường tích hợp ở cấp tiểu học và THCS, phân hóa rõ dần từ cấp tiểu học đến THCS và sâu hơn ở cấp THPT. Cấp tiểu học và THCS xây dựng một số môn học tích hợp các mạch kiến thức theo từng lĩnh vực liên ngành. Cấp THPT thực hiện phân hóa bằng tự chọn, chương trình có một số ít môn học bắt buộc và có nhiều môn học, chuyên đề học tập tự chọn đáp ứng nhu cầu phát triển năng lực, kỹ năng, năng khiếu và tiếp cận nghề nghiệp của học sinh.

Theo đề án, Bộ GD-ĐT biên soạn đủ một bộ SGK và khuyến khích các tổ chức, cá nhân biên soạn SGK nhưng tất cả phải được Bộ GD-ĐT thẩm định, phê duyệt trước khi sử dụng trong các cơ sở giáo dục phổ thông.

Bộ GD-ĐT công khai các yêu cầu, tiêu chí đánh giá SGK để làm căn cứ cho việc biên soạn, thẩm định, phê duyệt và sử dụng; từng bước biên soạn, thử nghiệm và sử dụng SGK điện tử ở những nơi có đủ điều kiện.

Đề án đổi mới SGK: Đơn giản, chung chung - 1

Sách giáo khoa sẽ là mục tiêu trong đề án đổi mới giáo dục phổ thông của Bộ GD-ĐT. Tronh ảnh: Một giờ học ở cấp tiểu học tại TP HCM Ảnh: TẤN THẠNH

Theo thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển, khi được thống nhất triển khai, sẽ lần lượt thực hiện chương trình, SGK mới trên phạm vi toàn quốc ở cả 3 cấp học, bắt đầu ở lớp 1, lớp 6 và lớp 10 từ năm học 2018-2019; các năm học 2020-2021 (THPT), 2021-2022 (THCS) và 2022-2023 (tiểu học) đều thực hiện chương trình và SGK mới ở lớp cuối của mỗi cấp học. Nguồn lực để thực hiện ước tính 34.275 tỉ đồng, chưa kể đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho các trường còn thiếu.

Giải trình chỉ 2 trang

Trước đề xuất của Bộ GD-ĐT, nhiều thành viên Ủy ban TVQH bày tỏ sự băn khoăn và cho rằng dự thảo nghị quyết cũng như đề án quá đơn giản, chung chung.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý dẫn Nghị quyết 40 của QH về đổi mới chương trình giáo dục phổ thông từ QH khóa X (năm 2000) đến nay chưa tổng kết. “Tôi đề nghị đề án phải lấy ý kiến rộng rãi các tầng lớp nhân dân, chứ không phải hôm nay thông qua rồi 10 năm sau lại xin đổi mới” - ông Lý nói.

Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai quan ngại: “Đọc đề án thì thấy cái gì cũng đúng nhưng chưa có gì cụ thể. Một đề án quan trọng như thế mà đánh giá tác động chỉ có 2,5 trang giấy A4 thì đơn giản quá”.

Giải trình chất vấn, ông Hiển cho biết ngành đã thực hiện cơ bản mục tiêu Nghị quyết 40 đề ra song cũng còn những hạn chế, thiếu sót và “việc đổi mới là theo xu hướng chung của đất nước”. Ông Hiển thừa nhận lần đổi mới trước “chưa quan tâm đến các điều kiện”, nay cơ bản các địa phương đã có đủ nhưng vẫn phải bổ sung. Về thời điểm thay đổi toàn diện chương trình và SGK, ông Hiển không thể “chốt” chính xác nhưng “có lẽ phải thực hiện đến năm 2030. Tuy nhiên, không thể chắc chắn mà lúc nào thấy cần thiết phải thay đổi thì sẽ làm”.

Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng cho rằng phải có báo cáo tổng kết đánh giá Nghị quyết 40 để thấy có gì hay, dở rồi căn cứ tình hình trong nước và xu hướng thế giới để làm nổi bật sự cần thiết về việc ban hành nghị quyết đổi mới chương trình và SGK mới.

“Dự thảo nghị quyết của QH và đề án do Bộ GD-ĐT xây dựng chưa làm rõ mục đích, yêu cầu đổi mới. Dường như chỉ sao chép lại quan điểm của Đảng... nên chưa đủ điều kiện trình ra QH. Vì vậy, trong tháng 4-5, Bộ GD-ĐT và các cơ quan liên quan ngồi với nhau làm lại, chứ đơn giản thế này trình ra QH thì không được” - Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh.

Dạy nghề được trừ thu nhập chịu thuế?

Chiều cùng ngày, Ủy ban TVQH nghe Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền trình bày tờ trình của Chính phủ về dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dạy nghề. Theo đó, vấn đề còn có ý kiến khác nhau là các khoản chi cho hoạt động dạy nghề của doanh nghiệp có được trừ để tính thu nhập chịu thuế hay không. Bà Chuyền cho biết đa số ý kiến cho rằng cần giữ nguyên như dự thảo luật, quy định doanh nghiệp được trừ để tính thu nhập chịu thuế đối với một số khoản chi cho hoạt động dạy nghề khi tham gia dạy nghề. Thường trực cơ quan thẩm tra - Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng tán thành quan điểm trong dự thảo nhằm khuyến khích việc gắn kết giữa doanh nghiệp và cơ sở dạy nghề nhưng đề nghị có biện pháp để giám sát, tránh lợi dụng.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Ngân sách Phùng Quốc Hiển cho rằng đây là trường hợp đã được quy định rõ trong Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp. Theo đó, chi phí này đương nhiên được trừ nên không cần thiết phải quy định vào luật.

T.Dũng

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thế Dũng (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN