Dạy trẻ lớp 5 về phụ nữ có thai là nhân văn!
“Nội dung bài học “phụ nữ có thai nên làm gì” hoàn toàn phù hợp với học sinh lớp 5, có ý nghĩa giáo dục, mang tính nhân văn…”, chủ biên cuốn sách nói.
Trong sách Khoa học lớp 5, bài 5, của nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam có nội dung dạy trẻ về việc phụ nữ có thai nên làm gì? Cụ thể phụ nữ có thai cần: Ăn uống đủ chất; không dùng chất kích thích như thuốc lá, thuốc lào, rượu, ma túy; nghỉ ngơi nhiều hơn, tinh thần thoải mái; tránh lao động nặng, tránh tiếp xúc với chất độc hóa học như thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ; đi khám thai định kỳ ba tháng một lần; tiêm văcxin phòng bệnh và uống thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ.
Sách Khoa học lớp 5 có kiến thức chăm sóc phụ nữ có thai
Ngay sau đó nhiều phụ huynh đã có ý kiến cho rằng, nội dung trong bài không phù hợp bởi các em học sinh còn ít tuổi. Một số khác phản ứng vì cô giáo bắt con em họ học thuộc lòng nội dung trên.
Trao đổi với phóng viên, bà Bùi Phương Nga, chủ biên cuốn sách Khoa học lớp 5 cho biết, trong cuốn sách có nhiều chủ đề, trong đó có chủ đề con người và sức khỏe. Trong chủ đề này, có 3 mạch kiến thức xuyên suốt nói về sự sinh sản và phát triển của cơ thể người; vệ sinh và phòng bệnh; an toàn trong cuộc sống.
Năm 2006, khi đưa cuốn sách vào giảng dạy, cũng có 4 bài phụ huynh chưa quen nên phản ứng. Nhiều cha mẹ cũng đặt câu hỏi nội dung ấy đưa vào giảng dạy cho các em có sớm không, bà Nga đã trả lời là không. Bởi cách viết đó mang tính sư phạm và phù hợp với lứa tuổi của học sinh.
Bà Nga cho biết thêm, khi viết cuốn sách đều xuất phát từ quyền lợi của học sinh. Trước những năm 1995 đến 1997, khi viết sách bà Nga đã có điều tra rất kỹ. Bà đã đi nhiều tỉnh trong nước, hỏi người dân ở khu vực nông thôn, miền núi để khảo sát. Kết quả, bà Nga thấy nhiều gia đình coi thường tính mạng của phụ nữ, đặc biệt là người phụ mang thai. Thậm chí, có gia đình vợ chửa vượt mặt nhưng chồng vẫn đi uống rượu, không quan tâm.
“Vì vậy, tôi thấy nội dung “phụ nữ có thai nên làm gì” hoàn toàn phù hợp với học sinh lớp 5, có ý nghĩa giáo dục, mang tính nhân văn. Nội dung này nằm trong môn Khoa học mà môn khoa học được xây dựng theo quan điểm tích hợp, không những cung cấp kiến thức khoa học mà còn hình thành kỹ năng sống, giúp cho học sinh biết quan tâm hơn”, bà Nga nói.
Về việc thầy cô bắt các em học thuộc nội dung trên khiến nhiều phụ huynh phản ứng. Bà Nga cho hay, nếu thầy cô bắt các em học thuộc lòng thì máy móc và không lặp lại điều này.
“Vấn đề là ở phương pháp dạy làm sao cho học sinh hiểu. Trong cuốn sách hướng dẫn giáo viên giảng bài tôi có nêu rõ cách truyền đạt nội dung này cho học sinh. Kể cả trong yêu cầu của Bộ GD-ĐT cũng quy định rõ, thầy cô chỉ yêu cầu học sinh nêu nên hay không nên chăm sóc người mẹ. Như vậy, nội dung câu hỏi có hai vế nhưng mục đích cuối cùng vẫn là yêu cầu học sinh biết cách chăm sóc người mẹ”, bà Nga nói.
Theo bà Nga, nội dung trong bài 5 không dài, nội bài giảng chỉ gói gọn trong 4 bức tranh. Bức tranh thứ nhất nêu phụ nữ có thai cần ăn đủ chất; tranh thứ 2 nói phụ nữ cần tránh không dùng chất kích thích; tranh 3 nói phụ nữ nên đi khám thai định kỳ; tranh 4, phụ nữ không nên làm việc nặng.
Bà Nga giải thích thêm, khi đưa nội dung trên vào sách giáo khoa lớp 5, bà đã dựa trên quan điểm khoa học (đã có nghiên cứu trước); tính sư phạm; quan tâm đổi mới phương pháp. Với mục đích học sinh nhìn vào 4 bức tranh và phát hiện ra kiến thức cần học.
Cấu trúc của bài 5 có hai phần, một phần là cần làm gì để bảo vệ bà mẹ và trẻ em, trong đó phần này có hai nội dung: bản thân bà mẹ thì phải biết tự bảo vệ mình và sau đó những người xung quanh phải hỗ trợ người mẹ. Nhưng mà ẩn ý xa xôi nhất vẫn hướng đền quyền trẻ em.
Thêm nữa, Việt Nam đã ký quyền công ước trẻ em từ lâu và là nước ký sớm trên thế giới. Trong đó có 4 nhóm quyền, nhóm quyền bảo vệ; nhóm quyền sống còn; quyền phát triển; quyền được tham gia.
“Trong bài 5, việc tích hợp quyền của trẻ em rất rõ, nếu bà mẹ mang thai được chăm sóc, bảo vệ thì ngay từ lúc trẻ ở trong bụng mẹ đã có quyền được sống. Còn nếu trẻ ở trong bụng mẹ mà mẹ nghiện ma túy hoặc làm việc nặng, thì trẻ dễ bị đe dọa đến tính mạng. Như vậy, trước hết bà mẹ phải tự bảo vệ mình, sau đó đến những người xung quanh. Mà những người xung quanh ở đây là gia đình và các thành viên ở trong gia đình”, bà Nga nói.