Đào tạo nguồn lực: Cần một cuộc đại phẫu

Bẵng đi một thời gian, gần đây câu chuyện "thừa thầy, thiếu thợ” lại rộ lên. Người ta nhận thấy rằng đây là "khối u ác tính” khó trị, đang làm hại đất nước và cần cấp cứu, hội chẩn ngay để tìm bằng được cách chữa trị.

Hướng nghiệp và đào tạo nguồn nhân lực

Đào tạo nguồn nhân lực theo nguyện vọng người học là một hướng đi thoát ly nhu cầu xã hội, đại lãng phí là tất yếu.

Có thể nói nhiều năm qua ta đã thả nổi đào tạo nguồn nhân lực: các trường đào tạo theo khả năng mình có, tuy có chút điều chỉnh theo thị trường nhưng nhìn chung là xa, cách rất xa nhu cầu thật của nền kinh tế -xã hội nên tất yếu luôn đào tạo thừa và thiếu theo nhu cầu. Người học (bản thân và gia đình) cũng có tâm lý, nguyện vọng cá nhân, làm sao biết được thông tin học xong làm gì, làm ở đâu. Do không biết được như vậy nên tất yếu có xu hướng chen chân vào cao đẳng, đại học rồi xem xét sau, nghĩa là khi học cũng không có hướng sẽ làm gì, làm ở đâu thì làm sao mà yên tâm, nỗ lực học tập rèn nghề được. Từ tâm lý này lại tạo điều kiện cho phát triển lệch hướng theo: Cho thi cao đẳng, đại học nhiều nguyện vọng, biến nhiều trường nghề, trung học chuyên nghiệp thành cao đẳng nghề, nhiều trường cao đẳng thành đại học, làm suy yếu cả hệ thống đẫn đến thừa thầy, thiếu thợ là tất yếu như đang diễn ra.

Công tác hướng nghiệp ở các trường phổ thông cũng biến tướng trở thành hình thức, gọi là có học nghề để lấy điểm chống trượt, nghĩa là điểm đó được cộng vào điểm thi tốt nghiệp THPT nên nhiều người nói là hướng nghiệp theo kiểu "cưỡi ngựa xem hoa” ít bổ ích, lãng phí vì đại bộ phận vẫn lo học thêm để thi vào cao đẳng, đại học nào cho "dễ ăn” mà thôi.

Đào tạo xong không có việc làm, lại phải "ra hội chợ việc làm” để tìm việc như là "bán hàng ế” rồi lại bị đơn vị tuyển dụng đứng ngoài đào tạo chê chất lượng kém, tạm tuyển để đào tạo lại!?

Cần một cuộc "đại phẫu thuật”

Nghị quyết trung ương về GD-ĐT có nhấn mạnh phải "đổi mới căn bản và toàn diện về đào tạo”, có thể hiểu phải đổi mới căn bản và toàn diện về hướng nghiệp và đào tạo nguồn nhân lực thực cần cho xã hội, phải "đại phẫu thuật” "khối u ác tính đặc biệt này”. Xin có vài suy nghĩ đề nghị:

Trước hết phải đại phẫu thuật về "tư duy đào tạo nguồn nhân lực thực cần cho đất nước”. Buộc phải tìm mọi cách nắm được tương đối thông tin nhu cầu nhân lực cho các vùng, các ngành nghề mà xã hội cần, sẽ cần mới có cơ sở mà làm công tác hướng nghiệp, chuyển hướng học gì, ngành nghề gì, làm gì, làm ở đâu. Từ đó lại phải nghĩ đến có loại học xong THCS phải chuyển ngay sang học nghề cụ thể để sau này sẽ hành nghề đó, có loại chủ yếu học nghề, tinh giản học văn hóa để phục vụ học nghề cho tinh, thiết thực như kiểu trung học chuyên nghiệp trước đây chỉ học 2 - 3 năm có tay nghề, có kiến thức đủ tiếp thu nghề và cũng đủ để học lên đại học cùng ngành nghề khi cần. Như vậy lại phải nghĩ đến việc đưa dạy nghề vào hệ thống GD-ĐT thành thể thống nhất, hỗ trợ nhau thiết thực, không tách rời thuộc 2 bộ, 2 sở khác nhau như hiện nay.

Muốn biết rõ nhu cầu thật về nguồn nhân lực thì buộc phải tìm mọi cách để chính các đơn vị có nhu cầu nguồn nhân lực phải thực sự coi giáo dục là quốc sách hàng đầu của chính mình, rồi chủ động có kế hoạch, quy hoạch đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực thực cần cho chính mình, không thể đứng ngoài cuộc như hiện nay rồi ra "hội chợ việc làm” để tuyển chọn kiểu ăn sẵn thường không đáp ứng về trình độ, tay nghề.

Đào tạo nguồn lực: Cần một cuộc đại phẫu - 1

Thế hệ trẻ - tương lai của đất nước - Ảnh: T.L

Chính ngành GD-ĐT - ngành dễ tính toán nhu cầu các loại giáo viên nhất nhưng cũng đào tạo theo chỉ tiêu áng chừng nên đa số học xong SV sư phạm khó tìm việc, luôn vừa thừa, vừa thiếu.

Tóm lại chừng nào còn thả nổi đào tạo theo nguyện vọng cá nhân, theo khả năng của nhà trường mà các nơi có nhu cầu nguồn nhân lực lại đứng ngoài cuộc chưa coi đào tạo là quốc sách của chính mình thì chừng đó còn đại lãng phí trong đào tạo cho mọi gia đình, cho mọi người, chất lượng đào tạo càng xa yêu cầu của sản xuất, xã hội thực cần. Ai chịu trách nhiệm để sự nghiệp giáo dục và đào tạo trượt dài, đại lãng phí nhiều năm nay như thế này? Hãy giải phẫu, cắt cái khối u này trước thì mới có điều kiện đổi mới căn bản và toàn diện về đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cho đất nước.

Kiến nghị

Phương thức đào tạo nguồn nhân lực buộc phải tuân thủ quy trình cơ bản sau:

- Phải từ thực tế cuộc sống, từ nhu cầu thật mà xác định nhu cầu, số lượng thời gian đào tạo theo từng ngành nghề rất cụ thể. Nhà nước trung ương, các địa phương phải làm bằng được việc này. Đây là trách nhiệm trước dân, trước kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Thời trước ta đã làm tương đối tốt việc này. Bây giờ có khó hơn nhưng buộc phải làm, phải tìm mọi cách để làm bằng được.

- Các nơi có nhu cầu tuyển dụng, sẽ tuyển dụng buộc phải xây dựng kế hoạch đào tạo này, coi giáo dục và đào tạo thực sự là quốc sách hàng đầu của chính mình, coi đây là điều kiện rất cần thiết cho chất lượng sản xuất, kinh doanh của mình. Các đơn vị này có thể tuyển sinh gửi đào tạo mà nhà trường phải tìm cách đáp ứng; trong quá trình đào tạo lại đón học sinh học nghề đến đơn vị của mình thực hành, thực tập, kể cả thi thực hành tốt nghiệp, trên cơ sở này mà xét tuyển chọn, nghĩa là người học sẽ ham học, phấn đấu học tốt để được ưu tiên tuyển dụng vừa không lãng phí trong đào tạo, lại có chất lượng sát thực tế. Khó đấy nhưng bắt buộc phải làm như vậy mới đào tạo không thừa, không thiếu lại có chất lượng cao hơn nhiều.

- Nhà nước cần có cơ chế để buộc các nơi có nhu cầu phải thực sự tham gia vào tuyển sinh, tham gia vào đào tạo từ đầu đến khi thi tốt nghiệp. Việc này khó đấy nhưng thế giới, nhiều nước đã làm được việc này, hãy tìm hiểu mà vận dụng cho phù hợp với các bước đi với đa dạng các thành phần kinh tế. Không được thả nổi việc này như đã từng diễn ra.

Đúng như nghị quyết trung ương về GD-ĐT: Hãy đổi mới căn bản và toàn diện vấn đề đào tạo nguồn nhân lực như đề nghị trên để không thừa thầy, thiếu thợ, đại lãng phí, chất lượng lại kém như đang diễn ra.

NGƯT Nguyễn Đức Thuần

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Đại đoàn kết
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN