Con chữ hạ nhiệt "điểm nóng" vùng cao

Hai xã Chà Nưa và Si Pa Phìn là “điểm nóng” về ma túy, trộm cắp của vùng cao nguyên Si Pa Phìn. Những điểm nóng này đã hạ nhiệt nhờ con chữ đã dạy dân bản những điều hay...

Đây là 2 xã biên giới của huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên. Mấy năm trở lại đây miền cao nguyên đầy nắng và gió này đã không còn yên ả. Ma túy đã bắt đầu “leo thang” lên Si Pa Phìn. Những bản như Đề Bua, Đệ Tinh, Sân Bay, Nậm Chim 2, Van Hồ... đã trở thành điểm nóng về ma tuý.

Theo con số mà Đồn Biên phòng Si Pa Phìn cung cấp thì ở cả 2 xã trên hiện có khoảng trên 100 đối tượng nghiện, tập trung ở độ tuổi từ 15 đến 45. Ngoài ma túy, thời gian gần đây, số vụ trộm cắp trâu bò và tài sản công dân bị các chiến sĩ biên phòng phát hiện và xử lý ngày một tăng.

Con chữ hạ nhiệt "điểm nóng" vùng cao - 1

Học sinh Trường Tiểu học Tân Phong (Si Pa Phìn) trong giờ lao động

Người trăn trở nhiều nhất về tệ nạn ma tuý ở Si Pa Phìn có lẽ là Trưởng Đồn biên phòng Si Pa Phìn, trung tá Quách Mạn Cảnh. Anh cho biết: “Các đối tượng nghiện hoặc phạm tội mà chúng tôi kiểm soát được đại đa số là những kẻ ít học, kém hiểu biết và hám lợi. Muốn thay đổi tình hình hiện thời theo tôi, giải pháp tốt nhất là đẩy mạnh công tác giáo dục kết hợp với việc vận động bà con thực hiện nếp sống mới”.

"Dân trí có được nâng lên thì đời sống kinh tế xã hội mới phát triển được và các tệ nạn xã hội mới suy giảm”.

Trung tá Quách Mạn Cảnh

Ở thời điểm hiện tại, Si Pa Phìn là xã khó khăn nhất huyện Mường Chà. Xã có 8.000 dân với trên 60% là đồng bào Mông, trong đó hơn 1/3 vẫn đang thuộc diện đói nghèo. Hai bản Huổi Quang và Huổi Hạ là đói nhất.

Tuy nhiên, chiến sĩ Tiến - người dẫn đường cho chúng tôi xuống bản, lại khoe: “Kinh tế thì thiếu thốn vậy thôi chứ đồng bào rất quan tâm đến việc học hành của con cái họ...”. Quả đúng vậy, dù khó khăn đến mấy họ cũng tạo điều kiện để bọn trẻ đến lớp. Gần chục năm về trước, khi mạng lưới trường lớp chưa phát triển thì việc học của bọn trẻ ở đây phải trông chờ cả vào sự nhiệt tình của các thầy giáo quân hàm xanh - bộ đội biên phòng.

Nhưng bây giờ thì 100% các bản ở đây đã có điểm trường về tận nơi. Xã Chà Nưa đã có Trường THCS Chà Nưa và Tiểu học Chà Nưa. Còn xã Si Pa Phìn cùng với Trường THCS Tân Phong thì còn có tới 3 trường tiểu học là Tân Phong, Si Pa Phìn 1 và 2.

“Vai trò của giáo dục vốn đã quan trọng và lại càng có ý nghĩa quan trọng đối với những địa bàn vùng biên như Si Pa Phìn...” - Đồn trưởng Cảnh khẳng định. Cũng theo Đồn trưởng Cảnh, nhờ con chữ, nhận thức của người trẻ đã tăng lên, họ biết tìm điều hay lẽ phải trong cuộc sống, cũng như đã nhận rõ tác hại của ma túy, của trộm cắp để tránh xa. Chính con chữ đã hạ nhiệt điểm nóng ở vùng cao biên giới này.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Văn Trương Minh (Dân Việt)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN