Chiếc xe lăn miệt mài “chở chữ" cho trò vùng cao

Bục giảng của thầy xoay đều theo những vòng quay của chiếc xe lăn. Tiền công thầy nhận chỉ là củ sắn, mớ rau, là mấy con cá của những người phụ huynh nghèo mang biếu. Dẫu biết cuộc sống của bản thân còn thiếu thốn trăm bề, hưng bằng tình yêu thương học trò, 5 năm qua, người thầy tật nguyền ấy vẫn âm thầm, tận tụy dạy dỗ những học trò trong làng với ước vọng, quê nghèo ngày mai sẽ đổi thay nhờ con chữ…

Liệt nửa người vì tấm lòng nghĩa hiệp

Cách thị trấn Đông Phú hơn 10 cấy, thôn Gia Hội thoạt nhìn trông như một thung lũng hoang sơ nằm lọt thỏm giữa những dãy núi cao đồ sộ. Nhưng để được vào trong làng, nơi có người sinh sống, chúng tôi phải băng qua những con đường đất khúc khuỷu, ngoằn ngoèo, ngập đầy bùn đất. Nghe chúng tôi hỏi nhà thầy Phạm Viết Trang (43 tuổi, ở thôn Gia Hội, xã Quế Phong, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam) ở đâu? Mọi người đều nở nụ cười rạng rỡ, nhiệt tình dẫn chúng tôi đến trong lúc thầy đang lúi húi nấu bữa cơm trưa. Gác việc bếp núc, thầy mở lòng trò chuyện. Mắt ngấn lệ khi nhắc lại chuyện cũ, thầy kể về cuộc đời kém may mắn của mình. Nhưng ánh mắt ấy thi thoảng toát lên vẻ hạnh phúc khi nhắc đến lớp học thêm 5 năm qua thầy cầm phấn… ngồi trên xe lăn giảng dạy.

“Trước đây tôi cũng chỉ tốt nghiệp lớp 12 xong rồi nghỉ chứ không học lên cao vì gia đình không có điều kiện. Mặc dù lúc đó “thèm” được đi học để sau ni làm thầy giáo lắm. Gác chuyện học hành, tôi bôn ba tứ xứ làm ăn, từ thợ hồ đến bốc vác thuê, việc gì người khác làm được tôi cũng đều xông pha thử qua. Nhưng ước mơ một ngày được đứng trên bục giảng để “truyền chữ” cho lớp thế hệ học trò sau vẫn không ngừng cháy, Hễ làm thì thôi chứ rảnh tay lại tưởng tượng cảnh mình cầm tay học trò nắn nót từng con chữ”, thầy Trang tâm sự về ước mơ thời trai trẻ.

Cật lực làm việc không kể ngày đêm mong một ngày hiện thực hóa giấc mơ thi đỗ đại học ngành sư phạm. Nhưng trớ trêu thay, giữa cái tuổi thanh xuân đầy đam mê, nhiệt huyết với biết bao dự định, hoài bão lớn lao về cuộc đời, bi kịch đã ập đến với chàng trai trẻ. Thầy kể, trong một lần giúp bà con trong thôn chặt cây chống bão, vì leo lên ngọn cây cao giữa lúc gió to, thầy bất cẩn để trượt chân té ngã từ trên cao xuống. Khi tỉnh dậy thấy hai chân đã hoàn toàn mất cảm giác, cố gắng mấy cũng không tài nào cử động được, lúc đó mới biết mình đã bị liệt nửa người.

Chiếc xe lăn miệt mài “chở chữ" cho trò vùng cao - 1

Người thầy trên chiếc xe lăn miệt mài “chở chữ” cho học trò nghèo vùng cao

Với thầy, tai ương đó chẳng khác nào ngọn lửa dập tắt ước mơ ấp ủ từ nhỏ. “Cuộc sống của tôi như bị bao phủ bởi một màu đen xám xịt. Đang là trụ cột gia đình bỗng thoáng chốc trở thành gánh nặng cho vợ con. Ngồi một đống trên chiếc xe lăn ngẫm nhiều lúc muốn tìn đến cái chết, nhưng vì sợ vợ con sống bơ vơ nên dành gạt nước mắt mà sống cuộc đời “nửa thực vật”. Đỡ đần vợ không được những việc nặng của người đàn ông thì chăm con gà, con lợn, lo ba bữa cho vợ ra ngoài làm ăn nuôi các con ăn học”, thầy bùi ngùi chia sẻ.

Bục giảng trên chiếc xe lăn

Tưởng rằng cuộc sống với thầy chẳng còn ý nghĩa gì, gia đình là động lực duy nhất giúp thầy tồn tại. nhưng trong một lần nghe những người trong làng có con đi học than thở vì không có điều kiện học thêm như những học trò làng khác, nên bọn trẻ trong làng mình tiếp thu bài trên lớp rất chậm, nhiều lúc không hiểu cũng chẳng biết hỏi ai. Từ đó thầy nảy ra ý định mở một lớp học thêm tại nhà, dạy cho những học trò nghèo trong làng. Và hơn 5 năm qua, bất kể ngày nắng hay mưa, ngày thường hay chủ nhật, lớp học của thầy vẫn rộn ràng tiếng đọc y tờ, tiếng hát ngân vang khắp xóm. “Do điều kiện không cho phép nên lớp học được tổ chức theo hình thức lớp ghép, có thể những em lớp 1 học chung với lớp 3, tùy vào thời khóa biểu ở trường của các em mà xếp lịch. Dạy thế tuy vất vả, nhiều buổi ngồi không nổi vì bệnh thần kinh tọa phải nằm để dạy, nhưng được cái các em đi học rất chuyên cần, tiến bộ từng ngày mình cũng thấy ưng cái bụng”, thầy vui vẻ kể.

Và theo những người trong làng cho biết, từ khi có lớp học của thầy Trang, con em của họ cũng học khá lên trông thấy, nhiều em từ một học sinh yếu, lười học cũng trở nên siêng năng, lực học ngày một tiến bộ như trường hợp của em Phạm Công Cường. Lúc mới vào học, em đang là học sinh lớp 3 nhưng đến chữ Đ em cũng viết lộn ngược. Nhờ được sự tận tình dạy bảo của thầy, trong suôt quãng thời gian từ lớp 4 đến lớp 6, em luôn nằm trong sanh sách học sinh giỏi của lớp. Không những dạy chữ, thầy còn “lăn bánh” đến những gia đình do không có điều kiện cho con đến trường nên phải nghỉ hoc. Được sự vận động, khuyên nhủ của thầy mà không ít những em nhỏ trong làng tưởng chừng như thất học lại có cơ hội cắp sách đến trường.

Điều đáng quý ở người thầy tật nguyền, nghèo khó ngày đêm với sự nghiệp trồng người này mà bà con trong vùng vẫn hay “truyền” tai nhau là thầy dạy mà chẳng bao giờ chịu nhận một đồng nào của ba mẹ học trò. Dôi lúc thầy còn cảm ơn những học trò của mình, vì đã cho thầy có cơ hội được thực hiện ước mơ dang dở thời trai trẻ.

Mớ rau, con cá trả ơn thầy

“Nhiều lúc ba mẹ các em thấy gia đình tôi túng thiếu cũng đánh tiếng, dù ít dù nhiều, nên nhận cho họ vui. Nhưng nghĩ đến việc bà con mình phải “dầm mưa dãi nắng”, bộn bề bao lo toan trong cuộc sống tôi lại không đành lòng nhận tiền. Mình có nghèo đói đến mấy cũng không thể làm điều trái với lòng”, thầy tự nhủ. Thầy cứ dạy không cho con mình, có khi đến khuya thầy vẫn miệt mài bên trang giáo án, ấy náy vì công sức thầy bỏ ra mà chẳng chịu nhận sự đền đáp, bà con trong xóm trả ơn bằng cách đỡ đần thầy những công việc nặng mà sức thầy không thể đảm đương. Ngày mùa thì ra đồng giúp thầy thu hoạch; đóng cái bàn, cái ghé, sửa cái đèn trong nhà hay chăm nom thầy lúc trái gió trở trời bị đau cột sống. Học trò của thầy thi thoảng có mớ rau, con cá ba mẹ gửi cũng mang sang biếu thầy cải thiện bữa ăn.

Và hạnh phúc hơn cả với thầy chính là việc sau mỗi buổi học ở trường, thầy lại được nghe những học trò nhỏ của mình khoe những bông hoa điểm 9, điềm 10 hay kết thúc năm học lại được cầm trên tay những tấm giấy khe tinh tươm. Dối với thầy Trang, bao nhiêu ấy thôi cũng đủ làm thầy ấm lòng. Trong suốt 5 năm “đứng lớp” của người thầy tật nguyền, không bằng cấp, những niềm vui nho nhỏ ấy cứ lớn dần, lớn dần trong thầy. Ước mơ được gọi hai tiếng “thầy ơi” nay đã trở thành sự thật. Thầy Trang luôn lạc quan, yêu đời bởi bên cạnh anh lúc nào cũng có một hậu phương vững chắc đó là gia đình.

Chị Tư (vợ thầy Trang) chia sẻ: “Được làm thầy giáo là ước mơ cả đời của anh. Thương anh nên tôi hiểu và trân trọng ước mơ đó. Vả lại, những em học sinh ở làng tôi rất ngoan. Mỗi tội làng còn nghèo nên chúng không được học hành đến nơi đến chốn. Tôi chỉ biết ủng hộ, khích lệ anh để anh tiếp tục bám lớp, giúp các em ở đây học tốt hơn”. Mỗi lần đến giờ dạy của chồng, chị lại sắp lại bàn ghế cho ngay ngắn, lau sạch tấm bảng đen cũ kỹ, pha thêm ấm trà cho chồng rồi lẳng lặng đứng từ xa nhìn bóng chồng “trên bục giảng”.

Ngày ngày trong căn nhà nhỏ của thầy vẫn không ngớt ê a tiếng trò tập đọc, chiếc xe lăn vẫn đều đều những vòng quay, vun đắp bao ước mơ học tập của những đứa tẻ ở vùng đất bán sơn cước nghèo khó này. Và cho dù thời gian có trôi đi, nhưng vòng xe ấy vẫn lăn đều đặn trên bục giảng của người thầy tật nguyền giàu lòng nhiệt huyết. Xe lăn bánh đồng nghĩa với ước mơ “truyền chữ” của người thầy tật nguyện ngày một gần hơn; những em học trò của quê nghèo cũng bước nhanh hơn trên con đường chinh phục tri thức. Tất cả hào cùng vòng quay ấy, để hiện thực ước mơ quê nghèo một ngày không xa sẽ đổi thay nhờ con chữ.

Người thầy đặc biệt

Ông Phạm Tám (Trưởng thôn Gia Hội, xã Quế Phong, huyện Quế Sơn) cho biết: “Thầy Trang là một người đặc biệt trên mảnh đất bán sơn cước này. Không chỉ mở lớp, dạy chữ miễn phí cho học trò trong thôn, thầy còn là tấm gương sáng trong phong trào “tàn nhưng không phế”. Sau những giờ lên lớp, thầy lại cùng với vợ nuôi hơn 500 con gà, vịt, chăm bón cho gần 100 trụ tiêu để đảm bảo kinh tế gia đình.Ngoài ra, anh còn làm nhang để phân phối cho các tiệm tạp hóa. Hai cô con gái nhỏ nhắn của anh ngoài giờ học cũng phụ ba xe nhang và đặc biệt cả hai em đều là học sinh xuất sắc của trường cấp 2 Quế Phong”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Bạch Hưng (Đời sống & Pháp luật)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN