Thắp sáng gương hiếu học vùng cao

Có những gia đình cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc nhưng hàng ngày vẫn động viên con em mình vượt núi, băng rừng đi tìm con chữ. Có những dòng họ người dân tộc thiểu số dù khó khăn vẫn quyết tâm “nói không” với thất học...

Đó là những tấm gương hiếu học điển hình đến từ các tỉnh miền núi vừa được T.Ư Hội khuyến học Việt Nam vinh danh.

Gói mèn mén cho con tới trường

Nhắc tới những ngày tháng đầu tiên cho con đi học, ông Nông Văn Lẻng (dân tộc Giáy) ở thôn Cóc 2, xã Tả Phời, TP.Lào Cai không khỏi ngậm ngùi: “Gia đình có nhiều tháng ròng chỉ có ăn ngô với sắn nhưng vợ chồng tôi lúc nào cũng tâm niệm khó mấy cũng phải cho con đi học. Năm đó toàn xã duy nhất có cháu nhà tôi đi học cấp 3, các năm tiếp theo một số cháu học theo”. Đến nay, con lớn của ông Lẻng học xong bậc đại học về ngành dược, hiện đang công tác tại huyện Mường Khương, người con thứ 2 học tại Học viện Kỹ thuật Quân sự. “Nhìn con cái tôi thành đạt, nhiều gia đình cũng nhận thức được tầm quan trọng của việc học hơn. Có người còn nói với tôi: Nhà ông Lẻng khó khăn như thế con cái học hành giỏi, thành đạt thì gia đình mình dứt khoát phải làm theo”- ông Lẻng cười.

Thắp sáng gương hiếu học vùng cao - 1

Dù khó khăn nhưng nhiều gia đình, dòng họ người dân tộc thiểu số vẫn quyết tâm không để con thất học (ảnh minh họa).

Còn gia đình ông Chảo Phủ Páo (dân tộc Dao) thôn Sùng Hoảng, xã Phìn Ngan (Bát Xát, Lào Cai) cũng đã trải qua những ngày giáp hạt, cơm không đủ ăn, bọn trẻ đòi nghỉ học vì đói, nhưng vợ chồng ông vẫn cố động viên con, gói ghém mèn mén cho con vượt núi đến trường. “Bố mẹ ít chữ đã khổ, các con phải học lấy nhiều cái chữ để thoát nghèo. Đó là tâm niệm của gia đình tôi. Giờ cả 3 con tôi đã học xong đại học, có việc làm” – ông Páo nói. Ngoài ra, gia đình ông còn đóng góp 1.200m2 đất để xã xây dựng trường học cho trẻ con trong xã.

Gia đình ông Ksor Ký, dân tộc Jrai ở huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai lại “nổi tiếng” khắp vùng với thành tích học tập rất đáng nể của các con ông. Ông có 9 người con (5 trai và 4 gái), 4 người trong số đó đều đã đỗ ĐH Y Dược TP. Hồ Chí Minh, 2 người con khác học đại học ngành sư phạm tại địa phương, tất cả đã có công ăn việc làm ổn định. Còn người con trai thứ 5 của ông đang học ngành Tin học tại Trường Đại học Tây Nguyên, hai người con út còn lại đều học hết phổ thông và làm việc tại địa phương. Ông Ksor Ký tâm sự: “Nhiều người thắc mắc tôi nuôi đến 7 đứa con ăn học thì xoay xở bằng cách nào? Ngoài nguồn vốn vay hỗ trợ của Nhà nước, vợ chồng tôi đã phải làm việc rất cật lực. Tuy vất vả, nhưng nhìn những thành quả hôm nay, tôi cảm thấy rất tự hào”.

Những dòng họ quyết không thất học

Dòng họ Tao có 132 hộ với tổng số khẩu là 671 sinh sống ở 8 bản thuộc khu vực Ba Chà, là những xã biên giới giáp với nước bạn Lào cách trung tâm thị trấn Mường Chà (Điện Biên) 70km là một trong những dòng họ như thế. Dù điều kiện đi lại rất khó khăn nhưng gần chục năm nay, dòng họ này không để bất kỳ một con cháu nào thất học, bỏ học giữa chừng. Đại diện dòng họ, ông Tao Văn Kẻo cho biết: “Hàng năm, dòng họ tổ chức họp họ một lần vào dịp đầu năm học mới, các bản cung cấp số liệu về con cháu đến tuổi đi học ở các cấp, từ đó trưởng họ giao nhiệm vụ cụ thể cho tổ trưởng dòng họ của các bản phụ trách vận động các hộ gia đình trong dòng họ có con, cháu đến tuổi đi học đến trường lớp học. Vì vậy, hàng năm 100% các cháu đúng độ tuổi ở các cấp học đều được ra lớp học”.

"Hàng năm, có rất nhiều học sinh vùng cao không được đến trường hoặc phải bỏ học vì khó khăn. Chính vì vậy, những gia đình, dòng họ hiếu học vùng cao là những tấm gương vô cùng đáng quý. Họ là những tác nhân đầu tiên và động lực mạnh nhất để sự học vùng khó có thể vươn lên”.

Ông Phạm Tất Dong
Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam

Dòng họ Tống ở xã Mường Tè, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu cũng có tới 80% trong tổng số 180 hộ (144 hộ) gia đình trong dòng họ Tống đã đăng ký phấn đấu “Gia đình hiếu học”. Năm 2012, 100% con cháu dòng họ trong độ tuổi đến trường học, không có học sinh bỏ học hoặc lưu ban. Con em không chỉ học đại học, mà còn đi học trung cấp, học nghề để có công ăn việc làm ổn định. Ông Tống Văn Lùng- phụ trách khuyến học của dòng họ cho biết: “Tất cả các gia đình trong dòng họ đều có chung một suy nghĩ: “Cho con nhiều bạc, nhiều tiền không bằng cho bút, cho nghiên đến trường. Chính vì vậy họ không ngại chắt chiu, dành dụm từng đồng tiền, hạt gạo, lam lũ làm thêm nhiều việc để có tiền nuôi con ăn học”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Tùng Anh (Dân Việt)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN