Có nên chỉ trích việc “bức tử” Thánh Gióng?

Khác biệt giữa truyền thuyết với bài viết của nhà văn Nguyễn Đình Thi là theo truyền thuyết Thánh Gióng bay về trời, còn Nguyễn Đình Thi cho là tráng sĩ đã hy sinh trên đất mẹ.

Có nên chỉ trích việc “bức tử” Thánh Gióng? - 1

Đoạn văn được cho là "lạ" với chi tiết "Thánh Gióng tắm ở hồ Tây" đang khiến dư luận xôn xao

Sản phẩm của trí tưởng tượng

Những ngày qua dư luận cả nước đã xôn xao về việc sách giáo khoa tiếng Việt lớp 5 và sách Hướng dẫn học Tiếng Việt lớp 5 tập 2A (sách thử nghiệm) đưa chi tiết: Phù Đổng Thiên Vương (tức Thánh Gióng) sau khi đánh tan giặc đã “ăn một bữa cơm rồi nhảy xuống Hồ Tây tắm, xong mới ôm vết thương lên ngựa đi tìm một rừng cây âm u nào, giấu kín nỗi đau của mình mà chết”.

Chi tiết này gây ra nhiều tranh cãi, thắc mắc bởi nó khác xa với câu chuyện về một trong bốn vị tứ bất tử của dân tộc Việt Nam mà nhiều người vẫn quen thuộc: Phù Đổng Thiên Vương sau khi đánh tan giặc đã lên đỉnh núi cưỡi ngựa bay về trời.

Liên quan đến sự việc này, ngày 17/3, Phó tổng biên tập Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, ông Nguyễn Văn Tùng, đã có thông tin phản hồi chính thức.

Cụ thể, nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam và GS Nguyễn Minh Thuyết (chủ biên sách giáo khoa Tiếng Việt 5) cho biết, trích đoạn nằm trong cuốn Hướng dẫn học Tiếng Việt lớp 5 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, được lấy lại từ cuốn Tiếng Việt 5, tập 2 (Nhà xuất bản Giáo dục, 2010, trang 86).

Đoạn văn trong bài tập trích từ bài viết nổi tiếng của nhà văn Nguyễn Đình Thi – “Sức sống của dân Việt Nam trong ca dao và cổ tích” (Nguyễn Đình Thi toàn tập, tập IV, NXB Văn học, 2009, trang 148), thể hiện trí tưởng tượng phong phú và độc đáo của nhà văn. Ngay ở câu mở đoạn, Nguyễn Đình Thi đã nói rõ là ông tưởng tượng ra một kết cục khác của câu chuyện: "Nghe truyện Phù Đổng Thiên Vương, tôi thường tưởng tượng đến một trang nam nhi...”.

“Bức tử” một trong bốn vị Tứ bất tử

"Mục tiêu của bài tập là rèn luyện cho học sinh kỹ năng liên kết các câu trong đoạn, qua đó học hỏi cách sử dụng từ ngữ linh hoạt của nhà văn", lãnh đạo Nhà xuất bản Giáo dục cho biết. Tuy vậy, phần lớn các chi tiết trong đoạn văn đều là chi tiết có trong các truyền thuyết về Thánh Gióng.

Theo cuốn Hội Gióng ở đền Phù Đổng và đền Sóc, Nhà xuất bản Thế giới, Hà Nội, 2010 (trang153-154) thì truyền thuyết dân gian trong vùng và bản thần tích Phù Đổng Thiên Vương hiện lưu trong đền Gióng ở làng Xuân Tảo (làng Cáo), xã Xuân Đỉnh, huyện Nam Từ Liêm, Hà Nội, kể rằng:

“Vào ngày đầu tháng tư âm lịch, trên đường đi đánh giặc Ân về, Thánh Gióng đã dừng chân, buộc ngựa vào cây đa đầu làng, ngồi nghỉ trên một phiến đá, sau đó nhảy xuống hồ tắm mát, rồi quay lên tắm lại bằng nước giếng của làng ở chân gò Con Phượng. Dân làng bảo nhau mang cơm, cà ra dâng Thánh ăn trưa. Lúc vội vàng phi ngựa lên đỉnh Sóc Sơn để bay về trời, Đức Thánh bỏ quên thanh roi sắt bên phiến đá. Để ghi nhớ công ơn Thánh Gióng, dân làng cùng nhau lập miếu thờ”.

Như vậy, chỉ có khác biệt giữa truyền thuyết với bài viết của nhà văn Nguyễn Đình Thi là theo truyền thuyết Thánh Gióng bay về trời, còn Nguyễn Đình Thi cho là tráng sĩ đã hy sinh trên đất mẹ.

Nhà xuất bản Giáo dục cũng khẳng định, đoạn văn của Nguyễn Đình Thi có thể gợi cho học sinh những suy nghĩ vượt ra ngoài khuôn khổ câu chuyện dân gian các em vẫn nghe, từ đó kích thích trí tưởng tượng và tiềm năng sáng tạo của các em - một trong những nội dung nằm trong mục tiêu giáo dục của môn Ngữ văn, kể từ cấp Tiểu học.

Có đáng bị trỉ trích nặng nề?

Trước đó nhiều giáo viên và phụ huynh ở huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa) thắc mắc chi tiết “dị bản” viết về nhân vật dân gian Thánh Gióng trong sáchTiếng Việt lớp 5, tập 2 và cuốn Hướng dẫn học Tiếng Việt lớp 5, tập 2A. Cả hai cuốn đều do Nhà xuất bản Giáo dục ấn hành. Phụ huynh cho rằng chi tiết trong phần kết đoạn văn viết về nhân vật truyền thuyết Thánh Gióng đã bị xuyên tạc, suy diễn.

Tuy nhiên, trên trang cá nhân của mình nhà nghiên cứu lịch sử văn hoá Trần Quang Đức lại cho rằng không nên chỉ trích nặng nề vấn đề này.

Bởi lẽ các câu chuyện dân gian không có đúng sai,và luôn có dị bản. Câu chuyện mọi người tiếp nhận là sản phẩm sau khi đã được Bộ giáo dục lựa chọn, biên tập, thay vì cung cấp những thông tin khác nhau để người học tự cảm nhận (với tác phẩm văn chương) và tự phê phán (đối với cứ liệu lịch sử).

nhà nghiên cứu Trần Quang Đức giải thích thêm: “Tương tự trường hợp dị bản của sự tích Hồ Gươm, phản ứng của nhiều người cho thấy họ đã quá quen với những câu chuyện một chiều, và lẫn lộn giữa truyền thuyết, huyền thoại, sự tích với lịch sử. Đặc biệt, do thiếu tư duy sử học, người ta rất dễ nâng cao quan điểm, cảm xúc, trước những thông tin khác với vốn hiểu biết của mình”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Mai Anh (Báo Giao thông)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN