Cô gái Việt kể chuyện du học Iran: Khi người ta ngủ thì mình thức

Sự kiện: Giáo dục

“Khi người ta ngủ thì mình vẫn thức để làm việc, mình đã nỗ lực rất nhiều để trở thành phiên bản tốt hơn so với ngày hôm qua”, Đỗ Lệnh Hoài Anh tự hào chia sẻ.

Đỗ Lệnh Hoài Anh (SN 1993), sinh ra và lớn lên tại Tp. HCM cô từng gây xôn xao mạng xã hội bởi câu chuyện “khởi nghiệp từ 2 triệu đồng” để kinh doanh sản phẩm làm đẹp. Cô cũng là một trong những người Việt Nam đầu tiên mang “vàng đỏ” (Saffron) về nước và đạt mức thu nhập lên đến hàng nghìn đô mỗi tháng.

Tuy nhiên, ít ai biết rằng, không chỉ kinh doanh giỏi, cô còn có thành tích học tập đáng ngưỡng mộ. Hoài Anh từng nhận học bổng toàn phần của chính phủ Iran tại trường Đại học Islamic Azad University of Science and Research of Tehran. Sau khi lấy bằng cử nhân ngành biên phiên dịch tiếng Ba Tư tại Iran, cô học lên chương trình Thạc sĩ và tốt nghiệp cao học chuyên ngành biên phiên dịch Tiếng Anh - Tiếng Ba Tư .

Sinh sống và học tập tại một đất nước thuộc vùng Trung Đông khác biệt quá lớn về văn hóa đôi lúc Hoài Anh cảm thấy “ngạt thở”.

Đang “Gap-Year” bỗng quyết định đi du học “chơi chơi”

Hoài Anh sinh ra và lớn lên tại Tp. HCM, trong một gia đình có bố mẹ làm nghề giáo. Sau khi tốt nghiệp Đại học Ngoại ngữ - Tin học Tp.HCM (HUFLIT), cô quyết định “gap-year” để tìm kiếm con đường phù hợp nhất với bản thân. Tuy nhiên, nhờ sự động viên của gia đình, cô đã quyết định trở lại sự nghiệp học hành và may mắn giành được suất đi du học. 

Hoài Anh chia sẻ, cô phải học tiếng Ba Tư trong vòng 6 tháng và trải qua 3 kỳ thi đầy cam go.

Hoài Anh chia sẻ, cô phải học tiếng Ba Tư trong vòng 6 tháng và trải qua 3 kỳ thi đầy cam go.

Trước khi nhập học, Hoài Anh phải học tiếng Ba Tư trong vòng 6 tháng và trải qua 3 kỳ thi cam go. Cùng theo học với cô thời điểm ấy có 3 người Việt Nam khác. Tuy nhiên, sau khi kết thúc chương trình học tiếng, cô không được sống cùng những người bạn ấy vì họ được phân vào những trường Đại học khác nhau. Cuộc sống du học sinh khi ấy mới thật sự bắt đầu với bao thử thách.

Hoài Anh theo học chuyên ngành Văn học Ba Tư với gói học bổng toàn phần của Chính phủ Iran. Cô được miễn phí 100% tiền học, tiền ký túc xá và tiền ăn. Tuy nhiên sau một năm, cô tức tốc chuyển sang chuyên ngành Biên – phiên dịch tiếng Anh- tiếng Ba Tư, vì cảm thấy Văn học Ba Tư không phù hợp với bản thân.

Dù đã có 6 tháng học tiếng, trải qua 3 kỳ thi khác nhau nhưng khi chính thức vào đại học, Hoài Anh vẫn “sốc” toàn tập bởi học tiếng… khó quá. Cô cho biết, tiếng Ba Tư có hệ chữ giống tiếng Ả Rập, nằm trong top những ngôn ngữ khó nhất trên thế giới. Chữ Iran lại là chữ tượng hình, gồm nhiều nét phức tạp được móc nối với nhau nên để học tập là điều không hề dễ dàng. Riêng bảng chữ cái, Hoài Anh mất tới 3 tháng mới có thể đọc và viết thuần thục.

Để rèn luyện kỹ năng nghe và nói, cứ hết giờ học là Hoài Anh chạy ngay ra chợ để đi mua đồ, tập trả giá, hỏi chuyện người bản địa. Chỉ có cách ép bản thân giao tiếp mới có thể phát triển 2 kỹ năng này. Ngoài ra, cô còn dành nhiều thời gian nghe nhạc, xem phim bằng tiếng Ba Tư. Nhờ vậy, chỉ sau một thời gian ngắn, kỹ năng nghe và nói của cô tiến bộ rõ rệt.

“Đọc nhiều thì mới quen mắt, viết nhiều thì mới quen tay. Nếu tiếng Việt gồm vài chữ cái ghép lại thì tiếng Ba Tư cũng vậy. Thời gian đầu chưa quen, mình phải trố mắt ra để nhìn, để đọc rồi ghép lại trong đầu”, Hoài Anh nhớ lại.

Biết học xa nhà khó khăn, Hoài Anh ngày càng nỗ lực nhiều hơn nữa để có thể theo kịp các bạn.

Biết học xa nhà khó khăn, Hoài Anh ngày càng nỗ lực nhiều hơn nữa để có thể theo kịp các bạn.

Trường Đại học chỉ có duy nhất cô là người Việt Nam. Vì thế, giáo viên và bạn bè luôn giúp đỡ cô hết mình để có thể sớm thích nghi. Thời gian đầu, vì không nghe kịp giáo viên giảng và chưa quen mặt chữ nên cô luôn được các bạn giúp chép bài khi vẫn còn chậm nhịp. Nhưng về sau, cô nhủ với bản thân rằng mình không thể ỷ lại, trông cậy vào sự giúp đỡ của người khác như vậy được. Vì thế, Hoài Anh càng nỗ lực nhiều hơn nữa để có thể theo kịp các bạn.

Cô phiên dịch viên cực ngầu

Trong quá trình học Đại học, Hoài Anh chăm chỉ làm thêm phiên dịch để trau dồi kiến thức xã hội, nâng cao khả năng ngôn ngữ và mở rộng mối quan hệ. Hoài Anh nhớ như in ngày đầu tiên đi làm, cô được giao nhiệm vụ dịch cabin, nghĩa là người dịch phải ngồi trong phòng riêng, tách biệt với sự kiện đang diễn ra. Đây còn được gọi là “dịch sống”, là kiểu dịch khó nhất.

Dần dà, nhờ sự hướng dẫn chỉ bảo của cấp trên và sự hỗ trợ nhiệt tình từ bạn bè, Hoài Anh dần quen với công việc và kiếm được kha khá tiền từ công việc làm thêm.

“Từ ngày chuyển ngành, bố mẹ cũng đã cắt trợ cấp tiền ăn uống của mình. Bố mẹ muốn mình nỗ lực và trưởng thành hơn, mình hiểu điều đó. Không phụ lòng mong mỏi và kỳ vọng của bố mẹ, mình luôn cố gắng. Cuối cùng hy vọng đã đến, mình hiểu rằng “nếu không chiến đấu là thất bại” và mình đã dần thích nghi được”, cô gái trẻ cho biết thêm.

Không chỉ đi làm sớm để phát triển bản thân, Hoài Anh còn bắt đầu kinh doanh Saffron (nhụy hoa nghệ tây), một sản phẩm có nhiều công dụng đối với sức khỏe con người. Sản phẩm được cô giới thiệu về Việt Nam được đông đảo mọi người ủng hộ. Có thời điểm, cô gái trẻ “bỏ túi” cả nghìn đô la nhờ việc kinh doanh thuận lợi. Điều này khiến Hoài Anh càng phấn khởi, có động lực làm việc và quyết tâm theo đuổi con đường kinh doanh, mặc dù có nhiều lúc cô phải rất vất vả để làm các thủ tục xuất nhập và giấy tờ hợp pháp cho sản phẩm.

Hoài Anh sở hữu nhan sắc xinh xắn, được nhiều người khen ngợi.

Hoài Anh sở hữu nhan sắc xinh xắn, được nhiều người khen ngợi.

Thời gian tới, Hoài Anh sẽ về Việt Nam làm việc cho một công ty về công nghệ với vị trí là PMO Manager (Giám đốc Quản lý dự án). Cô bật mí đây là một công việc thú vị, mở ra nhiều cơ hội giúp cô phát triển bản thân. Sở dĩ cô từ chối làm việc tại Đại sứ quán Iran bởi muốn về Việt Nam ở gần và chăm sóc bố mẹ.

“Cuối cùng mọi thứ sẽ ổn. Nếu nó không ổn, thì chưa phải là cuối cùng” là câu nói truyền động lực giúp Hoài Anh vững vàng trước mọi sóng gió. Cô gái trẻ đã miệt mài học tập và làm việc, gần như chẳng có thời gian để nghỉ ngơi. "Có rất nhiều người giỏi, mình chưa được giỏi thì phải cố gắng hơn nữa, người ta ngủ thì mình vẫn thức để làm việc, mình đã nỗ lực rất nhiều chỉ để trở thành phiên bản tốt hơn so với chính mình ngày hôm qua”, Hoài Anh khiêm tốn chia sẻ.

Hoài Anh cũng gửi lời khuyên tới các bạn trẻ đang có ý định đi du học.” Đã quyết định ra nước ngoài học tập thì ở bất cứ ở quốc gia nào cũng phải nỗ lực không ngừng. Bạn phải sớm xác định mục tiêu cho bản thân. Có mục tiêu rõ ràng sẽ sớm định hình được những việc cần thực hiện. Còn khi không có mục tiêu thì dù nỗ lực cũng sẽ khó thành công. Điều này không chỉ áp dụng trong mọi việc, không riêng gì chuyện học tập".

Nguồn: [Link nguồn]

Chân dung nữ sinh được đối thoại trực tiếp với Tổng Thư ký Liên hợp quốc

Tổng Thư ký Liên hợp quốc António Guterres đã có cuộc gặp và nói chuyện với đại diện thanh niên, sinh viên Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn chủ trì.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Hà Chi ([Tên nguồn])
Giáo dục Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN