Chuyện chưa kể về lớp học trường huyện có 6 em trên 27 điểm

Người thầy chẳng bao giờ hỏi tiền học phí để các em học trò có thể yên tâm học; Mẹ rán quả trứng bồi bổ cho con nhưng chẳng bao giờ cậu học trò ăn hết, cậu chỉ ăn một nửa, còn một nửa để lại cho em....

Trong tổng số 40 em học sinh của lớp, có 33 em chọn thi những môn khối A, đạt điểm trung bình 25,39 điểm. Trong đó, có 6 em đạt trên 27 điểm. Đó là kết quả của tập thể lớp 12A K52 trường THPT Thanh Chương 1 (Huyện Thanh Chương, Tỉnh Nghệ An) do thầy Trần Đình Hùng làm chủ nhiệm. 

“Thầy chẳng bao giờ hỏi tiền học phí”

Chuyện chưa kể về lớp học trường huyện có 6 em trên 27 điểm - 1

 Cậu học trò Hồ Quang Trung (thứ 2 từ phải sang) trong lễ sơ kết học kì I

Những ngày này, căn nhà nhỏ của chị Trần Thị Xuân (xóm 2, xã Thanh Văn, Huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An) luôn tràn ngập tiếng cười.

Cái tin Hồ Quang Trung, con trai đầu của chị có kết quả xét tuyển Đại học khối A cao nhất trường THPT Thanh Chương I, đã lan khắp vùng, người đến chúc mừng chật cả nhà. Trung đạt 27,80 khối A và 26 điểm khối B chưa tính điểm cộng (cụ thể: Toán: 9, Lý:9,4; Hóa:9,4, Sinh: 7,6).

Chị Xuân kể chuyện: hai vợ chồng đều làm ruộng, chồng chị có thêm nghề phụ hồ, ki cóp cũng có đồng ra đồng vào nuôi các con ăn học. Trung là con đầu, sau còn có em gái đang học lớp 9.  Ngày con ôn thi, tối đến chị mua mì tôm và bánh mì thay đổi để bồi bổ cho con. Mì tôm chị mua ở hàng tạp hóa cạnh nhà, mỗi bận tầm chục gói. Hỏi sao không mua cả thùng cho rẻ chị cười hiền khô bảo “ tiền mỗi thứ chia ra một chút, mì tôm để con ăn, lỡ mua nhiều ai không biết lại mang ra nấu canh thì tốn lắm”. Còn bánh mì chị đạp xe lên chợ Rạng cách nhà tầm cây số mua. Chị bảo mua cả bánh mì với mì tôm thay phiên nhau để con không bị ngán.

Vườn nhà chật, nhưng chị cũng cố nuôi mấy con gà. Trứng gà trước chị đem ra chợ bán, đổi thêm lọ mắm, lọ muối, ít thịt…nhưng từ ngày con phải tập trung ôn thi cuối cấp, chị không bán nữa, để dành bồi bổ cho con.

“Thương con một ngày đi về mấy lượt, trời thì nắng, tôi bảo trưa con cứ ở lại trường ăn, bố mẹ cho 10-15.000, nhưng con không chịu bảo muốn về ăn cùng gia đình. Con gầy mà lười ăn sáng, nên bố mẹ phải ép ăn, ăn mới có sức đi học. Buổi sáng thì có gì con ăn nấy: cơm vừng, trứng gà hôm luộc dằm với mắm, hôm rán. Nhưng con chẳng bao giờ ăn hết cả quả, mà để lại nửa quả cho em!”

Đầu năm họp phụ huynh, thường gia đình chị cũng cố gắng nộp cho mỗi đứa một ít. “Chỉ có năm rồi họp là không có, vì bố đi làm nhưng chưa được trả công, đàn lợn chưa đủ cân nên chưa bán được. Họp xong, thấy người ta lên nộp tiền cho con tôi cũng ngại. Tôi về trước định bụng nói con khất thầy, bao giờ bán được lợn thì nộp tiền. Hôm sau về, cứ nghĩ thầy nhắc con nên tôi có hỏi, con bảo cũng chẳng thấy thầy nói gì. Ba năm học, cũng có nhiều lần chưa kịp đóng tiền nhưng chưa một lần thầy nhắc nhở con chuyện này nên con mới yên tâm học”, chị Xuân xúc động nhớ lại.

“Thầy chẳng mấy khi kiểm tra bài tập”

Chuyện chưa kể về lớp học trường huyện có 6 em trên 27 điểm - 2

 Nữ sinh lớp 12A K52 trường THPT Thanh Chương 1 

Hồ Quang Trung chia sẻ, thầy Hùng chẳng mấy khi kiểm tra bài tập về nhà xem học trò có làm đầy đủ không. “Ai cũng tự làm bài tập, không làm hôm sau kiểm tra thấp là lộ hết. Thầy bảo: bài kiểm tra để tự đánh giá bản thân, nhìn bài đánh giá làm gì nữa. Thầy coi thi nghiêm khắc là một phần nhưng thầy giúp chúng em hiểu: tự giác làm bài là vì bản thân mình sau này. Chúng em nghiêm túc trong thi cử là vì bản thân và vì kính trọng thầy!”.

“Trên lớp bài không hiểu thì chúng em hỏi lại thầy giảng kĩ luôn. Nếu cần thầy xuống tận bàn chỉ cho học sinh. Cũng có trường hợp về nhà không làm được, bí quá thì nhắn tin thầy gọi lại, giảng luôn qua điện thoại. Với những lần kiểm tra đột xuất, bạn nào chưa làm đủ bài tập, phải ra ngoài hành lang làm cho xong rồi vào học tiếp. Làm chưa xong thì vào tiết học hỏi bạn, bao giờ làm xong thì vào học. Xấu hổ nên chẳng bạn nào dám quên làm bài tập”, Võ Thị Ngọc hài hước nhớ lại.

Trong kì thi thử thi thử THPT Quốc gia lần 1 tại trường THPT Thanh Chương I, Hồ Quang Trung cũng chính là thủ khoa khối A, em đạt 27,15 điểm. Kì thi thử không chỉ có sự tham gia của học sinh trong trường mà còn thu hút nhiều học sinh từ các trường lân cận tham gia như trường THPT Đặng Thúc Hứa, Trường THPT Thanh Chương III, … vì độ uy tín và chất lượng kì thi của trường qua các năm học.

Nhiều lần thi thử đạt điểm cao là vậy nhưng khi chuẩn bị bước vào kì thi chính thức, em không khỏi lo lắng.  "Khi học và cả trước ngày thi, thầy cười bảo chúng em là: cứ bĩnh tĩnh, yên tâm, các em học hành như thế nào, cố gắng như thế nào, thầy và các bạn đều rõ, thi cử chỉ là khẳng định lại ....Nhớ lại lời thầy, khi vào phòng thi tâm lý em cũng thoải mái hơn”, Trung kể chuyện.

Một lớp có 6 em trên 27 điểm

Chuyện chưa kể về lớp học trường huyện có 6 em trên 27 điểm - 3

Lớp 12A K52 có 28/40 em đạt tổng 3 môn xét tuyển Đại học từ 24 điểm trở lên.

Trong đó có 6 em thi khối A đạt trên 27 điểm gồm: Nguyễn Thế Đạt (27,60 điểm), Trần Mạnh Hiếu (27,25 điểm), Võ Thị Liên (27,45 điểm), Võ Thị Ngọc (27,40 điểm), Tô Thị Nhung (27,60 điểm) và Hồ Quang Trung (27,80 điểm).

Có nhiều em đạt điểm cao cả hai khối thi như: Hồ Quang Trung, Võ Thị Ngọc, Lê Việt Hoàng…

Thầy Trần Đình Hùng vừa là giáo viên chủ nhiệm vừa là giáo viên dạy môn Vật Lý của lớp từ khi các em vừa bước vào lớp 10. Thầy luôn tâm niệm sách giáo khoa luôn là nền tảng. Học sách giáo khoa cho chắc rồi muốn học đâu thì học.

Đề thi: Toán, Lý, Hóa năm nay được đánh giá là khó hơn những năm trước. Thầy Hùng cho biết nếu so với các năm, số lượng 6 em trên 27 điểm của lớp A1 chưa bằng những năm trước nhưng so với tính chất đề thi năm nay, thầy hài lòng với kết quả này.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Trà (Pháp Luật TPHCM)
Kỳ thi tốt nghiệp THPT Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN