Cho con đi học sớm: Cứ tưởng là hay

Cho con đi học lớp 1 sớm trước tuổi đã từng diễn ra và chấm dứt trước quy định của Bộ GD-ĐT về độ tuổi vào lớp 1. Mới đây khi Bộ GD-ĐT đưa ra dự thảo sửa đổi điều lệ trường tiểu học thì nhiều người lại lầm tưởng sẽ được quyền cho con đi học sớm, thay vì đúng 6 tuổi được vào lớp 1 như hiện nay.

Nhu cầu có thật

“Lứa tuổi mầm non đến tiểu học, trẻ có nhiều mức phát triển rất khác nhau và không đồng đều. Cũng chính vì điều này, mà thế hệ trước, rất nhiều học sinh đi học tiểu học trước 6 tuổi và đều đáp ứng tốt yêu cầu bậc học” - TS. Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội cho biết.

Cũng theo TS. Nguyễn Tùng Lâm, nhiều trường hợp trẻ có những năng lực vượt trội, nếu cứ theo học đúng lứa tuổi thì rất lãng phí, không phát huy hết khả năng của các em và tệ hơn là dẫn đến thui chột tài năng. “Tôi hoàn toàn ủng hộ việc trẻ có thể học trước, vượt cấp nếu có đủ thể lực và trí tuệ vượt trội” – TS. Nguyễn Tùng Lâm chia sẻ.

Cho con đi học sớm: Cứ tưởng là hay - 1

Trẻ đi học đúng tuổi sẽ phát triển toàn diện hơn (Ảnh minh họa)

Tuy nhiên trước việc Bộ GD-ĐT có quy định cụ thể về độ tuổi học lớp 1 là 6 tuổi, kèm theo là những thủ tục có phần phức tạp đối với những trường hợp học trước tuổi khi thi hết cấp THCS vào THPT thì việc cho trẻ đi học sớm trước tuổi gần như đã chấm dứt. Với một số gia đình, việc con biết đọc, thậm chí biết viết và làm toán sớm thì quy định này đã hạn chế khả năng cho con em họ tiếp cận sớm với giáo dục để phát huy sở trường của mình. Nhu cầu này lại càng bùng lên trước thông tin đầu tháng 9-2012 Bộ GD-ĐT sẽ bãi bỏ quy định trẻ 6 tuổi vào lớp 1. Theo đó, có thể hiểu, học sinh có quyền học lớp 1 trước 6 tuổi cũng như có thể chờ đến 7, 8 tuổi mới đi học nếu gia đình có nhu cầu.

Nếu quá tải dễ sang chấn tâm lý

Mặc dù việc học trước tuổi là nhu cầu thực tế với một số trường hợp trẻ có năng lực vượt trội thì các chuyên gia giáo dục lại đưa ra cảnh báo về tình trạng những “thần đồng” này sẽ dễ rơi vào khả năng tụt hậu khi học vượt trước tuổi, bởi yêu cầu ngang bằng với trẻ hơn tuổi ở tất cả các bộ môn.

Theo cô N.N.A, giáo viên trường Tiểu học Vạn Phúc, sẽ không dễ dàng cho những học sinh học vượt lớp, trước tuổi bởi năng khiếu chỉ thể hiện ở một môn như Toán hay Ngoại ngữ... Thực tế, hệ thống giáo dục hiện nay vẫn yêu cầu đánh giá học sinh đồng đều ở tất cả các môn học. Trẻ sẽ bị “hổng” những kiến thức ở những môn được gọi là môn phụ khi nhảy lớp, học trước.

TS. Nguyễn Tùng Lâm cho rằng sẽ rất nguy hiểm nếu phụ huynh không thực sự đánh giá đúng năng lực của con mình khi quyết định cho con học sớm, vượt cấp. “Vì sĩ diện, muốn con mình hơn con người khác, dù thực tế con mình có vượt trội nhưng chưa đến mức để học sớm thì trong lĩnh vực tâm lý, quá tải sẽ dẫn đến sang chấn tâm lý cho trẻ, một tình trạng rất nguy hiểm” – TS. Nguyễn Tùng Lâm cho biết.

Phụ huynh hiểu sai nội dung

Trước thông tin về việc trẻ có thể đi học trước 6 tuổi, ông Lê Tiến Thành, Vụ trưởng Vụ Tiểu học Bộ GD-ĐT cho biết, đây là do phụ huynh hiểu sai nội dung dự thảo sửa đổi điều lệ trường tiểu học trong khi Bộ đang lấy ý kiến. “Quan điểm của Bộ vẫn là trẻ phải đủ 6 tuổi (tính theo năm sinh) mới được vào lớp 1. Ở tiểu học, chúng tôi nhiều lần giải thích với phụ huynh là, trẻ em 5 tuổi học mầm non, 6 tuổi vào lớp 1, nguyên tắc đó cố gắng giữ gìn vì trẻ cần được chơi, cần được phát triển, không học sớm, không học nhiều” – ông Thành cho biết.

Cũng theo ông Lê Tiến Thành, quy định trong Luật Giáo dục, trẻ 6 tuổi vào lớp 1 là bất di bất dịch, nhưng luật cũng có điều kiện mở với học sinh phát triển hơn về thể chất, tinh thần có thể học sớm hơn, học vượt lớp trong phạm vi cấp học. Theo đó, cha mẹ hoặc người đỡ đầu cần có đơn đề nghị với nhà trường. Hiệu trưởng nhà trường thành lập hội đồng khảo sát, tư vấn, gồm: các đại diện của ban giám hiệu và ban đại diện cha mẹ học sinh của trường; giáo viên dạy lớp học sinh đang học, giáo viên dạy lớp trên, nhân viên y tế, tổng phụ trách Đội. Căn cứ kết quả khảo sát của hội đồng tư vấn, hiệu trưởng xem xét quyết định.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Bảo Anh (An ninh thủ đô)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN