Chàng trai trẻ bảo vệ đồ án tốt nghiệp khi đang điều trị ung thư hạch giai đoạn muộn

Sự kiện: Ung thư máu

Chàng trai trẻ không muốn tin vào sự thật và tự hỏi rất nhiều lần: “Mình còn quá trẻ, mình luôn sinh hoạt điều độ, tích cực tập gym, sao mình mắc ung thư được?”

Mắc ung thư hạch khi mới 21 tuổi, đã có lúc Nguyễn Văn Đoàn (quê ở Bắc Giang) định dừng điều trị và chấp nhận từ bỏ tất cả ở tuổi thanh niên tươi đẹp. Tuy nhiên, sau một thời gian điều trị tại Viện Huyết học – Truyền máu TW, chàng sinh viên ấy đã tìm lại được hy vọng và nhận ra: “Ung thư không phải dấu chấm hết mà là sự bắt đầu cho một cuộc chiến và chúng ta có thể chiến thắng được nó!”

Chàng trai trẻ bảo vệ đồ án tốt nghiệp khi đang điều trị ung thư hạch giai đoạn muộn - 1

Bỗng dung phát hiện nhiều hạch ở cổ

Khoảng cuối năm 2021, Đoàn phát hiện ở cổ có nhiều hạch nên đã đi khám và được kê đơn thuốc về nhà uống. Sau 3 ngày, hạch không những không giảm mà còn chèn vào cổ khiến Đoàn khó thở.

Đoàn quyết định ra Hà Nội khám và bàng hoàng khi nhận kết quả mắc ung thư hạch (bệnh u lympho Hodgkin). Chàng trai trẻ không muốn tin vào sự thật và tự hỏi rất nhiều lần: “Mình còn quá trẻ, mình luôn sinh hoạt điều độ, tích cực tập gym, sao mình mắc ung thư được?”

Khi gọi điện báo tin cho bố, Đoàn nói dối rằng bệnh của mình không nặng lắm, nhưng thực tế tình trạng của anh đã ở giai đoạn khá nguy hiểm. Đứng bên hành lang bệnh viện, nói chuyện với bố mà nước mắt của chàng trai trẻ đã rơi từ khi nào không biết. Đoàn cũng không dám chia sẻ với bạn bè và cứ thế một mình âm thầm chịu đựng.

Nhưng đến khi bước vào quá trình điều trị tại Khoa Bệnh máu tổng hợp, Viện Huyết học – Truyền máu TW, chàng trai trẻ đã không thể giấu người thân hơn được nữa.

Chàng trai trẻ bảo vệ đồ án tốt nghiệp khi đang điều trị ung thư hạch giai đoạn muộn - 2

Đoàn nhớ lại: “Có lẽ suốt đời mình không bao giờ quên khoảnh khắc khi mẹ ký vào cam kết để hóa trị gấp, vì bệnh của mình đang tiến triển rất nhanh. Ẩn sâu trong đôi mắt của mẹ là nỗi lo lắng và niềm hy vọng phép màu có thể đến với đứa con của mình. Tay mẹ run lên với những nét ký nguệch ngoạc trên giấy. Lúc đó, mình đã phải gồng mình lên, không cho phép bản thân yếu đuối để mẹ bớt lo lắng.”

Nhờ những lời động viên từ gia đình, Đoàn bắt đầu chấp nhận sự thật và coi đó như là một thử thách đầu đời cần phải cố gắng hết mình để vượt qua.

Ngay từ những đợt hóa trị đầu tiên, Đoàn đã cảm nhận được tác dụng phụ khủng khiếp của hóa chất. Trong một đêm cảm thấy kiệt quệ về cả tinh thần và thể xác, Đoàn đã ôm mẹ và nói: “Mẹ ơi con mệt lắm, hay là cho con về, đến đâu thì đến…” Cả đêm hôm đó, mẹ đã động viên Đoàn rất nhiều. Đoàn đã có suy nghĩ tích cực hơn, tập trung nghĩ về gia đình và lấy đó làm động lực để tiếp tục chiến đấu.

Vừa điều trị vừa bảo vệ đồ án tốt nghiệp

Khi phát hiện bệnh, Đoàn đang học năm thứ 3 cao đẳng. Anh phải đứng trước một lựa chọn khó khăn: tạm dừng học và bảo lưu kết quả để điều trị. Nhưng không muốn lãng phí bao công sức học tập, Đoàn quyết định vừa đi viện, vừa đi học để ra trường đúng hạn. Dù mệt mỏi, chàng sinh viên vẫn tranh thủ thời gian giữa những đợt truyền hóa chất để học các môn còn thiếu.

Những quyết tâm, cố gắng của Đoàn đã được đền đáp. Với mái đầu rụng hết tóc sau hóa trị, Đoàn đã bảo vệ thành công đồ án tốt nghiệp và được ra trường ngay khi đang điều trị ung thư.

Chàng trai trẻ bảo vệ đồ án tốt nghiệp khi đang điều trị ung thư hạch giai đoạn muộn - 3

Đoàn chia sẻ thêm về quá trình điều trị: Suốt thời gian nằm viện, mẹ luôn ở bên cạnh chăm lo. Đoàn được bác sĩ và các anh chị điều dưỡng quan tâm, chăm sóc chu đáo, tạo cho mình cảm giác gần gũi, không hề xa cách. Ngay cả khi không ở viện mà gặp vấn đề về sức khoẻ, mình gọi điện ngoài giờ làm việc cũng được các bác trả lời một cách nhiệt tình.

Và sau gần 7 tháng chiến đấu, cũng đến một ngày bác sĩ thông báo: Mình đã lui bệnh. Mình cảm thấy như được sinh ra thêm một lần nữa. Ngày đó có lẽ là ngày vui nhất trong cuộc đời mình!”

BS. Lưu Thu Hương, Khoa Bệnh máu tổng hợp, Viện Huyết học – Truyền máu TW, người trực tiếp điều trị cho Đoàn cho biết: “Điều tôi ấn tượng nhất về Đoàn là em tuy ít tuổi nhưng rất kiên cường. Mặc dù phác đồ điều trị rất mạnh, nhiều tác dụng phụ, em vẫn không kêu than, luôn vui vẻ, tích cực. Đoàn còn nằm viện trong đúng giai đoạn dịch bệnh căng thẳng nhất và bị nhiễm COVID-19 nên quá trình điều trị bị gián đoạn. Nhờ luôn lạc quan, tuân thủ điều trị nên chỉ sau 2 chu kỳ, em đã đạt đáp ứng tới 90%.”

Đến nay, Đoàn đã lui bệnh được 1 năm, không phải dùng thuốc và chỉ cần đi khám định kì 3 tháng/ lần. Đoàn muốn nhắn gửi đến những người bệnh ung thư: “Hãy tin tưởng vào bác sĩ và giữ tinh thần lạc quan để chiến đấu với bệnh tật. Ung thư không phải dấu chấm hết mà là sự bắt đầu cho một cuộc chiến và chúng ta có thể chiến thắng được nó”.

Chàng trai trẻ bảo vệ đồ án tốt nghiệp khi đang điều trị ung thư hạch giai đoạn muộn - 4

Đánh giá về khả năng điều trị ung thư hạch (u lympho), TS.BS. Vũ Đức Bình, Phó Viện trưởng Viện Huyết học – Truyền máu TW, Trưởng khoa Bệnh máu tổng hợp (khoa điều trị ung thư hạch) cho biết, hiện nay, với nhiều phương pháp điều trị hiện đại và nhiều loại thuốc mới ra đời, tỷ lệ lui bệnh trong điều trị ung thư hạch khá cao.

Riêng với u lympho Hodgkin tiên lượng điều trị khá tốt. Tỉ lệ sống sau 5 năm lên tới 87%, ở giai đoạn bệnh khu trú tỉ lệ này có thể đạt đến 92%.

Vì vậy, khi phát hiện bệnh, người bệnh không nên bi quan mà hãy suy nghĩ tích cực, tuân thủ các chỉ định điều trị của bác sĩ, ăn uống đủ chất và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm để đạt hiệu quả điều trị tốt nhất.

Nguồn: [Link nguồn]

Người phụ nữ 20 năm vượt qua căn bệnh ung thư máu nhờ cái nắm tay của bác sĩ

Bà Yến có vóc dáng nhỏ bé, mảnh khảnh có nghị lực kiên cường và ý chí mạnh mẽ quyết tâm rất lớn để vượt qua căn bệnh ung thư máu suốt 20 năm.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trương Hằng ([Tên nguồn])
Ung thư máu Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN