Chàng sinh viên “chim cánh cụt” không đầu hàng số phận

Sự kiện: Giáo dục

Vụ tai nạn cướp đi đôi tay của chàng trai trẻ chỉ cách ngày thi đại học 1 tuần.

Chàng sinh viên “chim cánh cụt” không đầu hàng số phận - 1

Dù đôi tay không lành lặn, Phúc vẫn hoàn thành các bài tập, thực hành việc học như bao bạn cùng lớp

Những tưởng cánh cửa tương lai đã khép lại với Dương Hữu Phúc (22 tuổi, quê ở Lạng Sơn). Thế nhưng, bằng nghị lực bản thân, sự hỗ trợ của người mẹ tảo tần, Phúc đã nỗ lực thi đỗ đại học, từng bước thực hiện ước mơ của mình.

Tai nạn trước ngày thi đại học

Hồ Gươm đêm đông cuối tuần hun hút gió, Phúc dang đôi tay chỉ còn phần ống tay mà không có bàn tay tươi cười mời du khách mua giúp mình những vòng hoa đội đầu xinh xắn, lấp lánh ánh điện.

“Cuối tuần, em đều bán vòng hoa ở đây. Nguyên vật liệu làm vòng hoa này được shipper giao tận nơi, sau đó, em tự tay tết, mỗi vòng hoa bán 40 nghìn đồng. Trung bình mỗi cuối tuần, em bán được 10 - 15 chiếc. Số tiền ấy, em phụ mẹ trang trải cuộc sống, đóng học phí cho em và viện phí cho mẹ”, Phúc kể.

Nhà Phúc nghèo, bố bỏ đi khi em mới 5 tuổi, để lại người mẹ bệnh tật gồng mình nuôi hai chị em Phúc. Bà Hoàng Thị Phượng, mẹ Phúc mang trong mình bệnh bướu cổ, suy tim, suy thận, vẫn vật lộn đủ nghề nuôi hai con nhỏ. Thương mẹ, Phúc xin làm thuê ở xưởng cơ khí, vừa học vừa nỗ lực ôn thi đại học.

"Tết này, em và mẹ sẽ đón năm mới ở Hà Nội bên những người hàng xóm hiền lành, tốt tính ở xóm trọ dưới bãi sông Hồng. Em không giận bố, thỉnh thoảng, em cũng về Hải Dương thăm bố. Em nghĩ rằng, chỉ cần mình vui vẻ rồi mọi chuyện buồn cũng sẽ qua."

Dương Hữu Phúc vui vẻ nói

7h sáng 21/5/2014, cách kỳ thi đại học 1 tuần, trong khi bạn bè nô nức chuẩn bị đồ đạc lên Hà Nội thi thì Phúc vẫn miệt mài tại xưởng cơ khí. Đang làm thì bất ngờ bình oxy phát nổ khiến đôi tay em bị bỏng rát, rã xuống, chảy nhiều máu. Quá bất ngờ, em la hét kêu cứu và được mọi người đưa đi cấp cứu ở bệnh viện tỉnh. Nhưng vết thương quá nặng, sau khi tiêm thuốc giảm đau, bệnh viện đã chuyển em lên Hà Nội điều trị.

Sau quá trình phẫu thuật, 9h sáng hôm sau, Phúc mới dần tỉnh. Toàn thân đau nhức, không thấy ai bên cạnh, em đưa tay lên nhìn thì chỉ thấy bông băng quấn kín, cánh tay bị cắt cụt chỉ còn 2/3. Phúc bật khóc, mẹ và chị gái ngoài hành lang chạy vào, 3 mẹ con cứ thế ôm nhau khóc nức nở.

Thời gian điều trị tại bệnh viện, mọi sinh hoạt cá nhân của Phúc đều phụ thuộc vào mẹ, nhiều bạn bè cùng lớp cũng đến thăm, báo tin đỗ đại học, Phúc vừa mừng cho bạn lại thêm oán hận cuộc đời bất công.

Số phận trớ trêu chưa dừng lại, vết thương của Phúc tiếp tục bị nhiễm trùng, phải mổ lại nhiều lần. Cho đến 7 tháng sau, đôi tay mới lành lặn, cũng là lúc mọi tài sản trong nhà đã bán hết để lo viện phí cho em và nợ lại chồng nợ.

Phúc rơi vào trạng thái chán nản, cảm thấy bản thân vô dụng và bất lực, có lúc từng nghĩ những điều dại dột nhưng nhìn mẹ tảo tần sớm hôm lo cho mình, em không đành.

Rồi em lấy lại cân bằng, để mẹ đỡ vất vả, em tự tập luyện những sinh hoạt cá nhân, bắt đầu từ việc tập xúc cơm với đôi tay giả. “Thời gian đầu rất khó khăn, đôi tay không chịu theo sự điều khiển, cầm một lúc là mỏi nhừ, cơm vung vãi khắp nơi. Em thấy việc mang tay giả không khả thi nên dừng lại. Sau đó, một anh cùng làm ở xưởng cơ khí trước kia đã chế cho em một đôi tay giả khác làm từ chai nước lọc gắn với một chiếc thìa”, Phúc kể và cho biết, đến giờ, với đôi tay ấy, em có thể tự lo những sinh hoạt cá nhân “ngon lành” từ đánh răng, rửa mặt, ăn uống, thay quần áo, thậm chí là nấu ăn.

Chàng sinh viên “chim cánh cụt” không đầu hàng số phận - 2

Vượt lên số phận với đôi tay không lành lặn sau khi gặp tai nạn lao động, giờ đây, Phúc đã sử dụng thành thạo máy tính để làm đồ họa

Viết tương lai từ đôi tay không lành lặn

Khi cuộc sống dần đi vào ổn định, mẹ có thể đi làm, chị gái cũng đi lấy chồng, Phúc bắt đầu ấp ủ ý tưởng đi học trở lại, để có thể lo cho mẹ khi về già và vực dậy tương lai tưởng chừng đã vụt tắt của mình.

Thế nhưng, khi bắt tay vào viết chữ không phải chuyện đơn giản. Những ngày đầu, Phúc đã loay hoay đủ tư thế nhưng cứ viết được một chữ, bút lại lệch khỏi khuỷu tay và rơi xuống. Khó khăn không làm nhụt chí cậu trò nổi tiếng ham học, thương mẹ. Cuối cùng, em đã chọn được cách kẹp cây bút giữa hai đầu cánh tay, tập viết thật chậm từ tên của mình. Cứ thế, ngày qua ngày, em chuyên tâm tập viết cho đến khi chuyện viết chữ trở nên thành thạo với tốc độ tương đương thời đi học, em quyết định thưa với mẹ chuyện trở lại trường, chuẩn bị cho kỳ thi đại học.

Bà Hoàng Thị Phượng (mẹ Phúc) nghẹn ngào chia sẻ: “Nghe con quyết tâm, tôi mừng lắm. Mỗi sáng, tôi đều dậy chuẩn bị cơm trưa cho con rồi đưa con đi học, chiều lại đón về. Kiến thức bị đứt đoạn suốt 1 năm điều trị nên Phúc chăm chỉ lắm, ngày học trên trường, tối về lại cặm cụi đèn sách học đến khuya mới nghỉ. Nhờ vậy, năm 2015, Phúc thi đỗ Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, Khoa Kiến trúc”, bà Phượng nhìn con trai, tự hào nói.

Phúc kể, năm đầu tiên đi học, em phải thực hiện các bài vẽ bằng tay giống các bạn nhưng vì thao tác chậm nên bài hoàn thành muộn hơn. Sau này, được thày cô, bạn bè tạo điều kiện, các bài tập về đồ họa, Phúc được phép làm trên máy tính, nhờ đó, em hoàn thành tốt hơn.

Chàng sinh viên “chim cánh cụt” không đầu hàng số phận - 3

Những khi rảnh rỗi, Phúc cùng mẹ tết vòng hoa đội đầu để bán ở phố đi bộ những tối cuối tuần

Ngày con đỗ đại học, bà Phượng khăn gói theo con xuống Hà Nội, xin làm công việc dọn dẹp trong trường để mẹ con tiện bề chăm sóc. Căn phòng trọ nhỏ chừng 10m² nằm dưới chân đê sông Hồng, chỉ kê vừa chiếc giường nhỏ và bàn học của Phúc được ngăn cách bằng tấm gỗ ép nhặt được, nhưng rất ngăn nắp, sạch sẽ.

Dọc xóm trọ nghèo bãi sông Hồng, ai nấy đều biết và quý mến, nể phục mẹ con bà Phượng. Dù đôi tay không lành lặn, Phúc vẫn phụ mẹ việc nhà, dùng máy tính và sử dụng thành thạo các phần mềm hỗ trợ giúp em hoàn thành việc học.

Sáng sáng, người ta thấy bà Phượng đi làm, Phúc đi học, chiều tối hai mẹ con cùng nhau nấu ăn rồi kê một bàn trà đá trên mặt đê kiếm thêm đồng ra đồng vào. Những lúc vắng khách, họ lại tết vòng hoa để Phúc bán vào những ngày cuối tuần. Khung cảnh giản dị nhưng chứa chan tình thương.

Đưa đôi tay chỉ còn 2/3 choàng qua cổ mẹ, Phúc tâm sự, em thấy những mất mát của mình là bình thường, em từng chứng kiến nhiều bạn thiệt thòi hơn mình khi bị cắt hết khuỷu tay, thậm chí cả cánh tay.

“Em vẫn còn may mắn, còn có mẹ. Bởi vậy, thay vì buồn bã cũng chẳng giúp ích gì được, tại sao không vui vẻ đón nhận và vượt lên. Em chọn học kiến trúc vì muốn sau này có thể xây cho mẹ một căn nhà 2 tầng ưng ý. Nhưng đó là sau này, còn giờ em sẽ cố gắng học để ra trường xin một công việc ổn định trong công ty nào đó và kiếm thêm tiền dành dụm lo cho mẹ khi về già”, Phúc chia sẻ.

Vượt khó, anh em sinh ba cùng thi đỗ vào trường quân đội

Sinh cùng ngày, tháng, năm, ba anh em trong một gia đình nghèo ở huyện Thanh Chương, Nghệ An đã cùng lúc thi đỗ vào trường...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Yến Chi ([Tên nguồn])
Giáo dục Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN