“Cánh tay robot” của nam sinh từng bị từ chối cấp visa đạt giải ba tại Mỹ
Cánh tay robot cho người khuyết tật của Phạm Huy, học sinh Trường THPT thị xã Quảng Trị, sau hai lần bị từ chối cấp visa đi Mỹ dự thi, thì nay đã xuất sắc dành giải ba cuộc thi Khoa học - Kỹ thuật quốc tế tại Califonia (Mỹ).
Nam sinh Phạm Huy với tác phẩm cánh tay robot dành cho người khuyết tật. Ảnh: Hưng Thơ.
Được biết, giải thưởng mà Phạm Huy nhận được là giải cao nhất trong 5 giải của đoàn Việt Nam được Ban Tổ chức cuộc thi Khoa học Kỹ thuật quốc tế trao.
Ý tưởng thiết kế cánh tay robot dành cho người khuyết tật được điều khiển từ bộ cảm ứng lắp đặt ở giày và cổ chân người khuyết tật. Trong đó, 4 ngón chân điều khiển 4 nút ở đầu mũi giày, tương ứng với cử động co duỗi 5 ngón tay. Cảm ứng chuyển động và cảm ứng nghiêng lắp ở cổ chân điều khiển cánh tay co duỗi hay xoay tròn. Với sản phẩm này Huy hy vọng được ứng dụng trong cuộc sống, giúp đỡ nhiều người khuyết tật.
Nhận được thông tin này, bà Lê Thị Hương - Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Trị không giấu nổi sự xúc động: “Tôi chỉ muốn nói một điều: Chúng tôi tự hào về em Phạm Huy. Thành tích mà em nhận được hôm nay hoàn toàn xứng đáng với những nỗ lực của em trong thời gian qua”.
Trước đó, Báo Infonet đã đưa tin, Phạm Huy là cậu bé có đam mê sáng tạo từ nhỏ và em đã chế tạo “Cánh tay robot dành cho người khuyết tật” với hi vọng giúp những người kém may mắn cầm nắm được các đồ vật như những người bình thường khác.
Sau 4 năm miệt mài, Phạm Huy đã chế tạo cánh tay robot cho người khuyết tật với 31 cử chỉ riêng biệt, có thể cầm nắm đồ vật. Sản phẩm của em là một trong 5 dự án giành giải nhất cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia khu vực phía Bắc năm học 2016-2017.
Với sản phẩm đầy sáng tạo này, Phạm Huy đã được Bộ Giáo dục & Đào tạo cử đi tham dự cuộc thi Intel ISEF 2017 tại Mỹ.
Intel ISEF là cuộc thi khoa học lớn nhất thế giới dành cho học sinh phổ thông từ lớp 9 đến lớp 12. Cuộc thi tạo cơ hội cho những nhà khoa học trẻ xuất sắc nhất trên khắp thế giới được chia sẻ ý tưởng, trình bày các dự án khoa học tiên tiến, và thi tài để dành được các giải thưởng, học bổng, trợ cấp học phí, thiết bị khoa học và các chuyến tham quan khoa học với tổng trị giá hơn 4 triệu đô la Mỹ. Hàng năm, Cuộc thi quy tụ trên 1.500 học sinh ưu tú đại diện cho hàng triệu học sinh của hơn 500 hội thi thành viên từ 70 quốc gia/vùng lãnh thổ trên thế giới, các nhà khoa học đoạt giải Nobel, các nhà khoa học và nghiên cứu hàng đầu thế giới. Ngoài ra còn có hơn 1.200 giám khảo, quan chức và đại diện các trường đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp… Cuộc thi gồm 17 lĩnh vực nghiên cứu khoa học (Khoa học động vật; Khoa học xã hội & hành vi; Hóa sinh; Sinh học tế bào & phân tử; Hóa học; Công nghệ thông tin; Khoa học trái đất; Kỹ thuật: Vật liệu & công nghệ sinh học; Kỹ thuật: Kỹ thuật điện & cơ khí; Năng lượng & vận tải; Phân tích môi trường; Quản lý môi trường; Toán học; Y khoa và khoa học sức khỏe; Vi trùng học; Vật lý và thiên văn học; Khoa học thực vật). |
Chính sách đặt người dân Mỹ lên hàng đầu của tổng thống Donald Trump có thể ảnh hưởng nhiều đến du học sinh tại...