Bỏ miễn học phí sư phạm: Sinh viên lo vừa thất nghiệp vừa “cõng” nợ

Sự kiện: Giáo dục

Trong khi sinh viên lo lắng trước viễn cảnh vừa thất nghiệp, vừa phải tìm cách trả nợ ngân hàng khi ra trường, một số ý kiến chuyên gia lại cho rằng, bỏ quy định miễn học phí cho sinh viên sư phạm là cần thiết và phù hợp.

Một trong những nội dung quan trọng trong Tờ trình số 45 /TTr-CP về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục được trình bày tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 12/3 có liên quan đến chính sách học phí của sinh viên các trường sư phạm.

Theo đó, Chính phủ cho rằng cần thiết sửa đổi, bổ sung quy định về học phí của học sinh, sinh viên sư phạm theo hướng thực hiện việc đóng học phí như sinh viên các ngành khác.

Hiện nay, do nhu cầu của thị trường lao động đã có sự thay đổi, số sinh viên sư phạm trên cả nước ra trường chưa có việc làm hoặc làm không đúng ngành sư phạm còn nhiều, có tình trạng đi làm trái ngành, nghề gây lãng phí rất lớn nguồn nhân lực sư phạm. Vì vậy, dự thảo không quy định miễn học phí đối với học sinh, sinh viên sư phạm mà thay bằng chính sách vay tín dụng sư phạm.

Thông tin sinh viên sư phạm sẽ không được miễn học phí khiến nhiều sinh viên đang học sư phạm cảm thấy hụt hẫng, lo lắng vì có thể vay mượn để vừa đóng học phí, trang trải chi phí sinh hoạt... “Học sư phạm có cái lợi là được miễn học phí, nhưng giờ không còn ưu đãi này không biết có mấy ai còn theo đuổi được ngành nghề này không, vì ra trường rất khó xin việc, mà lại có một khoản vay lớn tiền vay cho mấy năm học” - N.V. Hoàng, sinh viên năm thứ hai một trường sư phạm ở Hà Nội chia sẻ.

Bỏ miễn học phí sư phạm: Sinh viên lo vừa thất nghiệp vừa “cõng” nợ - 1

Nhiều sinh viên lo lắng về dự kiến bỏ quy định miễn học phí sư phạm. Ảnh minh họa: Q.A

Nhiều sinh viên lo lắng về dự kiến bỏ quy định miễn học phí sư phạm. Ảnh minh họa: Q.ATrên thực tế, trong những năm gần đây, nhiều sinh viên sư phạm dù muốn gắn bó với nghề nhưng ra trường nhiều năm vẫn không tìm được công việc đúng ngành, vì hiện nay tình trạng dư thừa giáo viên ở mức lớn. Trong hoàn cảnh đó, nếu giờ để bỏ khoản tiền lớn nộp học phí mà ra trường bấp bênh xin việc sẽ khó thu hút sinh viên, đặc biệt là những thí sinh giỏi.

Trước đề xuất về bỏ quy định miễn học phí cho sinh viên sư phạm, PGS.TS Lê Kim Long - nguyên Hiệu trưởng ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội) lại có quan điểm đồng tình vì chính sách này kéo dài quá lâu, không phù hợp với chủ trương đổi mới giáo dục. Theo ông, chính sách miễn học phí cho sinh viên sư phạm được bắt đầu từ năm 1996 - thời điểm các trường đào tạo giáo viên rất khó tuyển sinh, nhưng đến nay đã không còn phù hợp.

Cũng theo PGS Long, ông hoàn toàn nhất trí bỏ chế độ miễn học phí cho sinh viên sư phạm bởi vẫn là cơ chế “xin - cho” và chưa đúng với chủ trương đổi mới giáo dục. Đổi mới giáo dục làm cho sinh viên tự chủ, chủ động, tự trọng, tự giác trong học tập. Bỏ miễn học phí cho sinh viên sư phạm cần được làm ngay để khuyến khích người học chủ động trong học tập.

Chính sách cho sinh viên vay tiền ngân hàng lãi suất thấp để đóng học phí, theo PGS Lê Kim Long, chính sách này giờ sinh viên không tha thiết vì không chắc chắn tốt nghiệp có tìm được việc làm để trả nợ. Nên chính sách cho vay tín dụng được áp dụng giống nhau với mọi đối tượng và không có sự phân biệt giữa sinh viên sư phạm và các ngành khác; chỉ nên quy định mức vay tối thiểu và tối đa.

“Để thực hiện chính sách ưu đãi, theo quan điểm của tôi, khi sinh viên sư phạm tốt nghiệp ra làm nghề, sẽ được ưu tiên về lương. Cách làm khả thi nhất là rút ngắn thời gian lên lương cho giáo viên dạy bậc thấp (mầm non, tiểu học) 2 năm/thêm một bậc, thay vì quy định 3 năm.

Bên cạnh đó, trong 5 năm đầu làm nghề, mỗi năm giáo viên sẽ được Nhà nước trừ nợ một năm số tiền tín dụng họ đã vay. Như thế, trong 5 năm, họ sẽ trả được hết số tiền đã vay đóng học phí. Đối với những người không vay tín dụng sẽ được hỗ trợ số tiền tương đương với những người đã vay ngân hàng và cũng được hưởng chính sách này trong 5 năm đầu đi dạy học” – PGS. TS Lê Kim Long đề xuất giải pháp.

Học lực loại giỏi mới được xét tuyển vào sư phạm?

Việc Bộ GD&ĐT đưa ra quy định “cứng” học sinh có học lực loại giỏi mới được xét tuyển vào đại học sư phạm;...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Quang Anh (Gia Đình & Xã Hội)
Giáo dục Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN