Bỏ ghi hình thức, xếp loại bằng đại học: Làm quốc tế, nhưng chất lượng theo kịp?

Sự kiện: Giáo dục

Theo Bộ GD&ĐT, bỏ ghi một số thông tin hình thức đào tạo, xếp loại học lực trên văn bằng đại học là theo thông lệ quốc tế. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, đây chỉ là hình thức, còn chất lượng còn nhiều bất cập.

Bộ GD&ĐT vừa công bố Dự thảo Thông tư quy định nội dung chính ghi trên văn bằng giáo dục đại học, trong đó không quy định ghi hình thức đào tạo, xếp loại. Dự thảo sau công bố đã nhận được nhiều góp ý của các chuyên gia, nhà quản lý giáo dục trên phạm vi cả nước. Nhều ý kiến đồng tình, song cũng không ít ý kiến lo ngại liệu "vàng, thau" có lẫn lộn, khó kiểm soát chất lượng là điều dư luận nghi ngại.

Theo Bộ GD&ĐT, việc bỏ xếp loại trên bằng tốt nghiệp đại học là phù hợp với xu thế phát triển của thế giới, và kết quả xếp loại này vẫn được ghi nhận tại Phụ lục văn bằng theo quy định của Luật Giáo dục đại học. Quy định trong Dự thảo phù hợp với thông lệ của nhiều nước trên thế giới, đảm bảo sự hội nhập của giáo dục đại học Việt Nam với giáo dục đại học của các nước. Không ghi một số thông tin trên văn bằng, nhưng các thông tin khác quy định phải ghi trên phụ lục văn bằng và được cấp đồng thời với văn bằng.

Hiện tại, nhiều quốc gia trên thế giới bỏ ghi loại hình đào tạo lên văn bằng. Ảnh: TL

Hiện tại, nhiều quốc gia trên thế giới bỏ ghi loại hình đào tạo lên văn bằng. Ảnh: TL

Giải thích của Bộ GD&ĐT được đánh giá là hợp lý, nhưng chỉ về… lý thuyết, bởi trên thực tế việc ghi nội dung văn bằng cũng chỉ mang tính hình thức phân biệt loại hình đào tạo và học lực, các thông tin chi tiết sẽ có trên phụ lục văn bằng (bảng điểm).

Tuy nhiên, chất lượng đào tạo giữa các loại hình hiện nay: chính quy, tại chức, liên kết… còn nhiều bất cập, chưa thể ngang bằng nhau, khiến nhà tuyển dụng gặp chút khó khăn, chất lượng bằng cấp "vàng thau lẫn lộn". Làm theo quốc tế, nhưng chất lượng lại quá nhiều bất cập, dĩ nhiên so sánh với các nước khác lại là một sự khập khiễng, bởi chênh lệch với nước ta.

Chỉ tính riêng đào tạo văn bằng hai, hệ tại chức, liên kết, trong thời gian qua Bộ GD&ĐT cũng đã chỉ ra thực tế chất lượng còn nhiều bất cập. Bản thân Bộ GD&ĐT liên tục ra các văn bản nhằm siết chặt tình trạng vi phạm quy chế tuyển sinh của các trường, thậm chí không ít trường bị xử phạt, dừng tuyển sinh.

Theo ghi nhận, nhiều sinh viên các trường đại học hiện nay cho rằng, việc không ghi loại hình đào tạo, xếp loại học lực lên văn bằng khiến sinh viên thiếu động lực phấn đấu học tập, bởi bằng cấp sẽ là giống nhau. Nếu đã không còn phân biệt, học tại chức, liên kết sẽ dễ dàng hơn ở thi đầu vào và quá trình học sẽ "nhàn" hơn, ít tốn kém hơn so với học hệ chính quy.

Chỉ ra thực tế nếu văn bằng không nêu rõ thông tin quan trọng của người học sẽ gây chút khó khăn cho đơn vị tuyển dụng, ông Nguyễn Văn Tuấn, chuyên viên một công ty về nhân sự tại Hà Nội cho biết, các doanh nghiệp hiện nay đều muốn tuyển dụng nguồn nhân lực có chất lượng, họ không quá nặng nề về chuyện bằng cấp, nhưng vẫn ưu tiên các ứng viên qua đào tạo đại học chính quy, tốt nghiệp các trường đại học uy tín.

"Khi tuyển dụng, những ứng viên bằng tại chức, hệ liên thông, liên kết… thông thường sẽ được kiểm tra kỹ hơn và qua quá trình phỏng vấn, thử việc rồi mới nhận chính thức. Thậm chí, đã có nhiều nơi chỉ định công việc này phải có bằng chính quy, sau đó mới qua phỏng vấn. Việc thiếu thông tin trên văn bằng, hồ sơ sẽ gây khó khăn cho quá trình tuyển dụng, nhất là khâu phân loại hồ sơ ứng viên" - ông Tuấn cho hay.

Dù đồng tình với chủ trương bỏ ghi một số thông tin trên văn bằng đại học, song theo GS.TS Phạm Tất Dong - Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, thời điểm này chưa thích hợp để áp dụng, bởi chất lượng đào tạo hiện nay còn nhiều bất cập ngay cả hệ chính quy, chứ chưa nói đến các hệ đào tạo khác.

"Không thể quy kết chất lượng hệ tại chức, liên kết là kém, bởi cũng sẽ có những người học tốt và khuyến khích họ học tập nâng cao trình độ phù hợp với điều kiện của mình. Tuy nhiên, chất lượng đào tạo hiện nay có đáp ứng được với quy định trong dự thảo của Bộ GD&ĐT hay không cần phải nghiên cứu thật kỹ. Cần phải siết chặt chất lượng đào tạo, có như vậy việc không phân biệt loại hình đào tạo mới có giá trị" - GS.TS Phạm Tất Dong cho biết.

Làm gì để chấn chỉnh tình trạng dạy thêm, học thêm?

Để chấn chỉnh tình trạng dạy thêm, học thêm đang bị biến tướng ở một số trường, nhiều địa phương đã tạm ngưng...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Quang Anh ([Tên nguồn])
Giáo dục Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN