Bát nháo sách tham khảo

Sách tham khảo, đặc biệt là sách dành cho trẻ, liên tiếp gặp nhiều sai sót nghiêm trọng đã khiến dư luận bức xúc vì cách làm cẩu thả của những người làm sách cũng như sự buông lỏng quản lý của cơ quan chức năng.

Theo đánh giá của một chuyên gia, những sai sót nghiêm trọng đối với sách tham khảo (STK) dành cho trẻ lại không được các cơ quan chức năng phát hiện, xử lý. Nói như GS Nguyễn Minh Thuyết, nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, khi chia sẻ với báo chí là thị trường STK hiện nay hết sức bát nháo. Phần lớn STK hiện nay chỉ “nhái” sách giáo khoa mà lại làm méo mó nó đi.

Sai kinh khủng!

Chỉ trong một thời gian ngắn, báo chí và các phụ huynh, học sinh liên tiếp phát hiện nhiều STK dành cho trẻ mắc những lỗi nghiêm trọng. Đầu tiên là cờ Trung Quốc được in trong sách Phát triển toàn diện trí thông minh cho trẻ do NXB Dân Trí và nhà sách Hương Thủy ấn hành. Tiếp theo là cuốn Bé làm quen với chữ cái (hành trang cho bé chuẩn bị vào lớp 1) của tác giả Nguyễn Thị Thúy Hà, NXB Đại học Sư phạm. Mới đây, bộ sách Tiếng Hoa dành cho trẻ em của NXB Tổng hợp TPHCM và Công ty CP Giáo dục và Công nghệ Thế giới Thông minh cũng bị phát hiện in bản đồ có hình đường lưỡi bò…

Chưa hết, trong Vở luyện từ và câu lớp 3, tập 2 của NXB Hà Nội do nhóm tác giả Lê Ngọc Điệp (chủ biên), Lê Hữu Tỉnh, Xuân Thị Nguyệt Hà, Nguyễn Trí Dũng và Mai Nhị Hà biên soạn lại có những câu sai lầm nghiêm trọng về lịch sử. Ví dụ, “Quân Nam Hán đưa một đạo quân rất đông sang đánh nước ta. Lý Thường Kiệt dùng kế chôn cọc gỗ đầu bịt sắt nhọn dưới sông Bạch Đằng. Quân Nam Hán đến cửa sông vào lúc thủy triều lên che lấp các cọc nhọn.

Bát nháo sách tham khảo - 1

Sách tham khảo dành cho trẻ có in cờ Trung Quốc bị thu giữ - Ảnh: Thế Dũng

Lý Thường Kiệt cho thuyền nhẹ bơi ra khiêu chiến, vừa đánh vừa rút lui nhử cho giặc vào nơi quân ta mai phục. Vừa lúc ấy, thủy triều xuống, quân mai phục hai bên bờ sông đổ ra đánh rất mạnh. Giặc hốt hoảng quay thuyền chạy thì bị va vào cọc, thuyền bị đâm thủng hàng loạt. Cuộc xâm lược của địch hoàn toàn thất bại. Mùa xuân năm 939, Lý Thường Kiệt lên ngôi vua...”. Một chuyên gia giáo dục chua xót nói rằng đến các “thầy” viết sách còn sai lịch sử nghiêm trọng như vậy thì làm sao học sinh có thể thích sử để rành về sử ta.

“Rõ ràng ở đây những người làm sách quá ẩu, chỉ chạy theo lợi nhuận. Một cơ quan lớn như Cục Xuất bản một thời gian dài không phát hiện sai phạm nghiêm trọng này là điều quá ngạc nhiên. Thay vì để phụ huynh, học sinh, báo chí phát hiện sai phạm, Cục Xuất bản phải làm nhiệm vụ này chứ không phải để con cháu mình học sách sai dài dài như hiện nay?”- một chuyên gia giáo dục bức xúc.

Ai thẩm định?

Theo quy định hiện hành của Bộ GD-ĐT, căn cứ nội dung chương trình giáo dục phổ thông, Bộ GD-ĐT chỉ ban hành sách giáo khoa để sử dụng cho việc giảng dạy của giáo viên, học tập của học sinh. Riêng với STK, hiệu trưởng trường phổ thông có trách nhiệm giao cho các tổ chuyên môn xem xét nội dung các STK đang lưu hành trong trường.

Nếu phát hiện STK chưa chính xác hoặc không phù hợp với tính chất giáo dục phổ thông thì cần lưu ý học sinh trong việc sử dụng; nếu phát hiện STK có sai sót lớn, ảnh hưởng đến dạy và học thì cần kịp thời báo cáo với cơ quan quản lý giáo dục. Các cơ quan quản lý giáo dục và các trường phổ thông không bắt buộc học sinh mua STK.

Tuy nhiên, trên thực tế, STK, kể cả những sách có sai sót nghiêm trọng như trên đều được đưa vào trường học rất dễ dàng mà không cần qua sự thẩm định của các hội đồng chuyên môn. GS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng là cơ quan quản lý Nhà nước về giáo dục, Bộ GD-ĐT phải chịu trách nhiệm về việc những cuốn STK được đưa vào dạy trong nhà trường. Theo GS Nguyễn Minh Thuyết, sách muốn đưa vào nhà trường phải qua một hội đồng thẩm định của Bộ GD-ĐT.

“Nếu đưa sách không hề được hội đồng chuyên môn có uy tín, có tư cách pháp nhân thẩm định thì chẳng khác nào cho trẻ em uống thuốc chưa được Bộ Y tế cho phép lưu hành ở Việt Nam” - GS Thuyết chia sẻ. Ông cũng cho rằng “giải pháp tốt nhất là Bộ GD-ĐT phải ra quy định cho tất cả các trường, chỉ quyển STK nào được hội đồng thẩm định của bộ thông qua mới được đưa vào nhà trường. Và đưa cũng phải có liều lượng chứ không phải tràn lan như hiện nay khiến tăng tải chương trình của học sinh”.

Những sai sót nghiêm trọng như vậy nhưng vì sao Cục Xuất bản lại không phát hiện được?

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Yến Anh (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN