5 sự kiện giáo dục nổi bật năm 2013
Cộng điểm cho bà mẹ Việt Nam anh hùng, được mang thiết bị ghi âm, ghi hình vào phòng thi, học sinh Việt Nam giỏi hơn Anh, Mỹ…là những sự kiện nổi bật năm 2013 theo bình chọn của Khampha.vn.
1. Thí sinh được mang thiết bị ghi âm, ghi hình vào phòng thi
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2013, Bộ GD cho phép thi sinh mang máy ghi âm, ghi hình vào phòng thi. Các vật dụng thí sinh được phép mang vào phòng thi gồm cả các loại máy ghi âm và ghi hình chỉ có chức năng ghi thông tin mà không truyền được thông tin và không nhận được tín hiệu âm thanh, hình ảnh trực tiếp nếu không có thiết bị hỗ trợ khác. Với quy định này, lần đầu tiên Bộ chính thức thừa nhận tính hợp pháp thiết bị này trong phòng thi dù trên thực tế từ kỳ thi năm 2012 nó đã xuất hiện trong vụ bê bối thi cử Đồi Ngô.
Ngày 5/6/2012, kỳ thi tốt nghiệp THPT ở hội đồng thi trường Đồi Ngô, một học sinh đã dùng bút gắn camera ghi cảnh gian lận thi cử trong phòng thi ở cả 6 môn thi. Video được công bố đã gây chấn động trong ngành giáo dục và dư luận cả nước bởi vì từ trước đến nay chưa từng có vụ gian lận thi cử nào “trắng trợn” đến thế. Sau sự việc, 42 cán bộ, giáo viên, nhân viên bị kỷ luật.
Thí sinh được mang thiết bị ghi âm ghi hình vào phòng thi
2. Cộng điểm cho bà mẹ Việt Nam anh hùng
Vào đầu tháng 7, Bộ GD-ĐT ban hành thông tư sửa đổi bổ sung nhóm đối tượng hưởng chính sách ưu tiên trong tuyển sinh đại học. Một trong điểm đặc biệt của thông tư này chính là việc cộng điểm cho bà mẹ Việt Nam anh hùng đi dự thi đại học. Ngay sau, đó dư luận đã tranh luận “gay gắt” về nhóm đối tượng được Bộ GD cộng điểm. Nhiều người cho rằng, bà Việt Nam anh hùng đều ở độ tuổi 80, 90. Ở độ tuổi “gần đất xa trời” ít có trường hợp nào đi dự thi đại học, việc cộng điểm này không khả thi.
Giải thích cho việc cộng điểm này, Bộ GD lý giải rằng anh hùng trước đây mà ngay bây giờ, người mẹ có con hy sinh được xác nhận liệt sĩ cũng được gọi là bà mẹ Việt Nam anh hùng. Như vậy, 40 tuổi, 50 tuổi, 60 tuổi, thậm chí là nhiều hơn nhưng người ta muốn đi học thì không ai ngăn cấm được vì là học tập suốt đời. Bên cạnh đó, quy định này thể hiện nghĩa tình xã hội đối với những người hy sinh vì đất nước, vì độc lập dân tộc.
Sau đó gần 1 tuần, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT lại ra thông tư bãi bỏ đối tượng ưu tiên bà mẹ Việt Nam anh hùng được cộng điểm thi đại học với lý do quy định này không phù hợp với thực tế.
3. Bỏ chấm điểm cho học sinh lớp 1
Bộ giáo dục cho biết, bắt đầu từ năm học 2014, đối với lớp 1, giáo viên sẽ không chấm điểm trong suốt kỳ học mà chỉ nhận xét năng lực học tập của học sinh. Nếu chấm điểm, giáo viên không nên thông báo điểm số cho gia đình học sinh. Giáo viên tuyệt đối không có biểu hiện so sánh giữa các học sinh, chê trách học sinh trong bất kỳ hoàn cảnh nào, với bất kỳ động cơ nào.
Ngoài ra, các trường đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới kiểm tra, đánh giá học sinh. Thực hiện đánh giá học sinh theo hướng động viên, khuyến khích, ghi nhận sự tiến bộ hằng ngày của từng học sinh, giúp học sinh cảm thấy tự tin và vui thích với các hoạt động học tập.
Năm học 2014, Bộ giáo dục có văn bản gửi tới các trường bỏ
quy định chấm điểm đối với học sinh lớp 1
Bộ GD cho rằng, ở lứa tuổi của các học sinh không nên đặt nặng vấn đề điểm trác lên hàng đầu mà phải tạo cho học sinh phấn khởi mỗi khi đến trường lớp. Việc bỏ quy định cũng nhằm giảm áp lực cho học sinh về điểm số.
4. Thông qua “đề án đổi mới toàn diện giáo dục”
Ngày 4/11, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành nghị quyết Hội nghị lần thứ 8, Ban chấp hành Trung ương khóa XI thông qua “Đề án đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Một trong những điểm nhấn của đề án này là sẽ tiến tới giao cho các trường tự chủ tuyển sinh, xây dựng phương án tuyển sinh riêng để thúc đẩy quá trình đổi mới phương pháp dạy và học bậc phổ thông. Trong đề án đổi mới toàn diện giáo dục cũng xác định rõ chuyển từ cung cấp kiến thức cho học sinh sang phát triển năng lực cho học sinh.
Trong dự kiến đổi mới, việc áp dụng phương pháp dạy tích hợp sẽ khiến số môn học giảm đi, nội dung được xem xét chu đáo, không chồng chéo. Thiết kế chương trình theo hướng phân hóa sẽ phát huy năng lực riêng từng học sinh. Những điều này sẽ khắc phục tình trạng quá tải như hiện nay. Sau năm 2015, sách giáo khoa cũng có sự thay đổi để giảm bớt gánh nặng cho học sinh, chương trình, dự kiến chương trình sẽ giảm mạnh đầu các môn học để mỗi học kỳ học sinh không học quá 8 môn học.
5. Học sinh Việt Nam giỏi hơn Anh, Mỹ!
Theo kết quả đánh giá học sinh quốc tế PISA (Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế 0ECD) được công bố ngày 3/12, trình độ Toán học của học sinh Việt Nam đứng thứ 17 thế giới, cao hơn nhiều nước phát triển như Anh, Pháp, Mỹ.
Việt Nam xếp thứ 8 về Khoa học (528 điểm), thứ 17 về Toán (511 điểm) và thứ 19 về Đọc hiểu (508 điểm). Riêng khu vực Đông Nam Á có 5 nước tham gia gồm Việt Nam, Singapore, Thái Lan, Malaysia và Indonesia thì Việt Nam đứng thứ 2 sau Singapore.
Kết quả đánh giá học sinh quốc tế PISA (Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế 0ECD)
được công bố ngày 3/12
Nhiều người tỏ ra bất ngờ bởi kết quả này. Họ cho rằng, nền giáo dục của Việt Nam còn thấp, môn Khoa học không được đưa vào chương trình học nên khó có thể có được một kết quả khả quan như vậy.
Tiến sĩ Lê Thị Mỹ Hà, Giám đốc Quốc gia PISA Việt Nam cho hay, kết quả PISA cao là một sự bất ngờ. Có nhiều yếu tố để ảnh hưởng tới kết quả, chẳng hạn học sinh mệt không thích làm bài thì nền giáo dục nước đó tốt đến mấy thì kết quả cũng ở mức độ vừa phải kể cả các nước có nền giáo dục tiên tiến như Anh, Mỹ.
Báo cáo trên công bố 3 năm/lần dựa theo các cuộc khảo sát trên hơn 500.000 học sinh ở độ tuổi 15 tại 65 quốc gia, khu vực và vùng lãnh thổ trên thế giới.