Việt Trinh: 'Catse 30 cây vàng khiến tôi chết vì ngạo mạn'

Sự kiện: Sao nói thật

"Lúc đó tôi ngông cuồng, không coi ai ra gì, người ta nhắc ý thức kém tôi cũng không thèm sửa".

Việt Trinh là một trong những tên tuổi nổi tiếng nhất của làng phim Việt những năm 90 của thế kỉ trước. Sở hữu nhan sắc xinh đẹp cùng những vai diễn hào nhoáng, Việt Trinh cùng Lý Hùng, Y Phụng, Lê Tuấn Anh.. được coi là những ngôi sao hạng A của dòng phim “mì ăn liền” những năm 93, 94 (khi đó cô chỉ mới hơn 20 tuổi).

Trong chương trình Lần đầu tôi kể tuần này, Việt Trinh đã trải lòng về sự hâm mộ của khán giả dành cho mình, về cát-sê 30 cây vàng/phim và sự ngạo mạn đã giết “chết” cô khi đang trên đỉnh vinh quang.

Việt Trinh: 'Catse 30 cây vàng khiến tôi chết vì ngạo mạn' - 1

Việt Trinh từng rất ngạo mạn khi nổi tiếng.

- Lúc đứng trên đỉnh cao của sự nổi tiếng, khán giả hâm mộ cái tên Việt Trinh đến thế nào?

Tôi vẫn nhớ đợt đi diễn với nhóm hài Tuổi Đôi Mươi có anh Nhật Cường, Hoàng Sơn, Phước Sang,… tôi và anh Lê Tuấn Anh bị khán giả vây quá trời. Lúc đó, anh Nhật Cường tỏ ra cứng rắn và bảo: “Em với Lê Tuấn Anh ở giữa đi, tụi anh ở vòng ngoài, sợ gì”.

Dù được các anh trong nhóm và lực lượng bảo vệ đứng vòng quanh, nhưng khi tôi và Lê Tuấn Anh mở cửa nhà nghỉ và bước ra thì khán giả ồ đến, anh Nhật Cường văng một bên, anh Hoàng Sơn văng một bên.

Tôi và anh Lê Tuấn Anh bị khán giả xô mỗi người một góc, cảm giác khi đó giống như Ngưu Lang – Chức Nữ.  Trước tình hình như vậy, ông bầu phải gọi điện cho lực lượng công an xã xuống can thiệp thêm.

Khán giả khi đó rất cuồng nhiệt, tôi còn có những bé còn rất nhỏ, chỉ mong tôi đưa tay ra để được nắm lấy. Hôm đó, tôi và anh Lê Tuấn Anh mặc bộ đồ trắng để diễn và hát lại cảnh trong phim Người về từ nghìn trùng, đến khi hai anh em vượt được vòng vây khán giả thì quần áo đã te tua, rách tả tơi.

Cuối cùng, hai anh em quyết định mặc đồ rách lên sân khấu vì không còn cách nào khác nhưng rất may, chúng tôi vẫn được khán giả chấp nhận và ủng hộ. Tôi còn nhớ, anh Lê Tuấn Anh hát không vào được nhạc, phải có sự hỗ trợ rất buồn cười từ phía ban nhạc nhưng vẫn được khán giả ủng hộ quá trời, hát tới 5,6 bài. Khán giả họ yêu thương đến mức vậy đó.

- Theo chị, khán giả ngày trước và bây giờ khác nhau ra sao?

Tôi chia sẻ thật thế này, dù có thể làm mất lòng nhiều người. Khán giả ngày xưa, khi anh đóng phim hay họ yêu anh, đến khi anh đóng phim dở họ vẫn yêu anh. Hôm nay anh là một người hoàn hảo nhưng lỡ ngày mai anh có chuyện gì đó, họ vẫn yêu anh. Còn khán giả ngày nay, hôm nay anh đóng phim hay mà ngày mai anh đóng phim dở, họ quay lưng liền.

Hay như chuyện trên Facebook thôi, chỉ cần tôi chưa kịp trả lời tin nhắn của họ vì bận thì họ có thể nói thế này: Tôi không thích Việt Trinh đâu, tôi thích cô kia hơn, Việt Trinh chảnh lắm, tôi nhắn tin không thèm trả lời. Ngày hôm sau họ chụp với nghệ sĩ khác, rồi ba bốn ngày sau lại chụp với nghệ sĩ khác nữa. Tôi không có ý so sánh nhưng tình cảm của khán giả và nghệ sĩ bây giờ đến với nhau quá nhanh và không có sự bền lâu.

Tôi còn nhớ có phim tôi đóng không thành công vì mập quá, có khán giả họ viết thư cho tôi và bảo, “Phim này Việt Trinh đóng không hay nhưng chị vẫn yêu quý em, hi vọng em có những phim sau tốt hơn”. Khán giả ngày trước họ yêu mình là vậy, dù có chuyện gì họ vẫn yêu mình, không dễ quay lưng.

- Đến khi nào thì chị ý thức được sự nổi tiếng của mình, và nghe nói hồi đó, chị ngạo mạn khủng khiếp?

Khi tôi ý thức được mình giá trị khi được nhiều nhà sản xuất cùng lúc trả cát sê cao mời tôi đóng phim, tôi thậm chí được chọn diễn viên đóng chung nữa. Từ đó, tôi thấy mình cao giá.

Tôi nhìn vào những người cùng lứa thì thấy mình giỏi hơn họ rất nhiều. Tôi bắt đầu tự cao tự đại, không coi ai ra gì. Ngay cả đạo diễn cũng ngại mắng vì sợ tôi giận, không quay nữa thì nhà sản xuất sẽ phê bình đạo diễn. Chính những điều đó đã nuôi dưỡng sự sân si và sự ngạo mạn lớn dần lên trong tôi, thậm chí lớn theo cấp số nhân.

Việt Trinh: 'Catse 30 cây vàng khiến tôi chết vì ngạo mạn' - 2

Theo Việt Trinh, sự ngông cuồng khi trẻ là do cô lớn lên trong một gia đình khổ cực.

- Ngoài sự thành công đến nhanh thì thái độ ngạo mạn đó bắt nguồn từ đâu, theo chị?

Tôi đi đâu cũng được tung hô, cát-sê ngày càng cao, tôi được chọn diễn viên đóng chung. Tôi đi trễ về sớm đạo diễn cũng chẳng dám mắng. Đó chính là điều khiến tôi trở nên ngạo mạn.

- Liệu có thể coi đó là ý thức kém?

Ngoài ý thức kém thì còn nhiều thứ khác lắm. Ý thức kém thì còn đỡ, ý thức kém thì người nhắc lẽ ra tôi phải sửa nhưng đây người ta nhắc, tôi cũng chẳng thèm sửa.

Tôi sinh trưởng trong một gia đình đông con và đã chứng kiến cảnh mẹ phải rất cực khổ để nuôi anh em tôi nên từ bé, trong tiềm thức tôi đã nghĩ mình phải giàu có, phải có tiền để mẹ đỡ khổ. Tôi còn nhớ, khi đó nhà tôi nghèo đến mức con búp bê cũng không có để xài. Đến khi có tiền, mọi thứ bộc phát ra, nhân lên gấp bội. Khi đó tôi nghĩ, hồi nhỏ tôi không có gì thì bây giờ phải có bằng. Chẳng ai khuyên được tôi ngoài mẹ. Chính vì thế nó mới kinh khủng.

Nếu gọi là con ngựa bất kham thì hơi quá nhưng có thể khẳng định đó là sự ngông cuồng.

- Thời điểm dòng phim thị trường thoái trào, chị bị khán giả quay lưng như thế nào?

Đó là lúc tôi nhận phim nhiều. Sau thời của phim nhựa, ở Việt Nam khi đó bùng nổ trào lưu phim video. Dòng phim này làm rất nhanh, không lâu như phim nhựa, chỉ cần nửa tháng là xong một phim nhưng cát-sê lại rất cao.

Lúc đó tôi nhận được cát-sê 30 triệu đồng/phim, còn vàng thì chỉ 1 triệu/cây, có nghĩa tôi được nhận 30 cây vàng. Lúc đó, tôi cũng đã qua thời làm vì ham mê nổi tiếng mà chỉ còn đơn thuần là làm để kiếm tiền. Nhưng cũng chính vì điều này mà tôi đã nhận ra là làm nghệ thuật có tổ nghiệp. Nếu bạn làm hết mình, bỏ hết tâm sức vì đam mê thì tổ nghiệp sẽ không bao giờ phụ. Còn nếu làm vì tiền thì sẽ không thể bền được.

Thời điểm đó, có ngày tôi chạy hai ba phim, một tháng đóng hai ba phim, vẫn gương mặt đó, mái tóc đó đóng phim từ sáng đến chiều, chẳng có thời gian mà nghiên cứu kịch bản. Rồi đến khi dòng phim này chết, tôi cũng “chết” theo luôn.

- Khi khán giả đã hết mặn mà với cái tên Việt Trinh, cảm giác của chị ra sao?

Lúc đó, khán giả không chỉ quay lưng với tôi mà quay lưng cả với dòng phim thị trường. Càng về sau kịch bản phim càng ẩu, biên tập, hậu kì cũng ẩu. Một diễn viên đóng hai, ba vai một tháng thì làm sao phim hay được. Từ năm 1996 đến khoảng hơn năm sau, không có ai mời tôi đóng phim nào.

Lúc đó cũng chẳng ai dám làm phim nhựa nữa, làm ra là chết vì kinh phí của nó quá cao còn phim video người ta quay có mấy ngày, thị hiếu của khán giả cũng thay đổi, họ không ra rạp nữa mà mua băng về xem. Cũng chính vì thế mà người ta gọi những diễn viên như tôi là diễn viên của dòng phim “mì ăn liền”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Kiều Thuận (lược ghi) ([Tên nguồn])
Sao nói thật Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN