Vì sao "Về nhà đi con" được coi là "bộ phim quốc dân" màn ảnh Việt?

Sự kiện: Về nhà đi con

"Về nhà đi con" đã đi được 2/3 chặng đường và vẫn đang là bộ phim truyền hình gây "sốt" nhất hiện nay. Đặc biệt, nhiều người còn cho rằng đây chính là "bộ phim quốc dân" của màn ảnh Việt.

Đề tài gia đình chân thật và gần gũi

Theo nhóm biên kịch của “Về nhà đi con”, bộ phim được lấy cảm hứng từ phim “Khi người đàn ông góa vợ bật khóc” từng gây chú ý trên sóng VTV6 cách đây vài năm của đạo diễn Vũ Trường Khoa; Tuy nhiên, kịch bản phim có nhiều điểm mới. Đặc biệt, để câu chuyện không nhàm chán, đạo diễn Danh Dũng cho biết êkíp đã dồn sức sáng tạo từ kịch bản, cách thể hiện của diễn viên cho đến từng cảnh phim. Do đó, phim chỉ giữ lại ý tưởng về người đàn ông góa nuôi ba con gái rồi khai thác, xử lý câu chuyện theo hướng khác.

Vì sao "Về nhà đi con" được coi là "bộ phim quốc dân" màn ảnh Việt? - 1

Nội dung phim kể về câu chuyện “gà trống nuôi con” của một người đàn ông lặng lẽ, ít nói tên Sơn (NSƯT Trung Anh). Không chỉ vất vả chăm 3 cô con gái Huệ (Thu Quỳnh), Thư (Bảo Thanh) và Dương (Bảo Hân) từ bé; Ông Sơn còn phải chật vật giúp đỡ các con khi họ gặp những rắc rối lúc trưởng thành.

Nhiều khán giả nhận xét, tuy là bộ phim được làm lại, nhiều chi tiết đã được biết trước nhưng "Về nhà đi con" vẫn có sức hấp dẫn riêng biệt nhờ kịch bản tươi mới, thêm nhiều chi tiết mang tính thời đại. Bên cạnh đó, mặc dù “Về nhà đi con” không có yếu tố giật gân, câu khách nhưng lại thu hút người xem bởi những câu chuyện giản dị có thể xảy ra ở mọi gia đình. Thậm chí, trên fanpage chính thức của phim, nhiều người yêu phim chia sẻ tập nào lên sóng họ cũng khóc và thừa nhận rằng nhờ "Về nhà đi con" mà họ quay trở lại xem phim Việt Nam.

Dàn diễn viên gạo cội, hot và mới lạ

Ngay thời điểm ra mắt, “Về nhà đi con” đã tạo được sự chú ý nhờ việc quy tụ dàn diễn viên gạo cội của làng giải trí Việt. Đó chính là NSƯT Trung Anh, diễn viên đóng vai Lương Bổng" trong "Người phán xử. Hình ảnh người cha hết mực hy sinh, nghiêm khắc nhưng ngập tình thương con được Trung Anh khắc họa thành công trên màn ảnh gần gũi và giản dị đến mức nhiều khán giả nói ông Sơn khiến họ nhớ đến người cha của mình. Bên cạnh đó, bộ phim còn có sự tham gia của NSND Hoàng Dũng, vai ông Luật (bố của Vũ), người từng gây sốt với vai ông trùm trong “Người phán xử”.

Vì sao "Về nhà đi con" được coi là "bộ phim quốc dân" màn ảnh Việt? - 2

Bộ phim cũng vô cùng thành công khi chọn được những tên tuổi đang “hot” trên màn ảnh như Thu Quỳnh (vai Huệ), Bảo Thanh (vai Thư), Quốc Trường (vai Vũ). Với vai chị cả Huệ, Thu Quỳnh thay đổi 180 độ so với hình tượng My “sói” đình đám trong bộ phim “Quỳnh búp bê” trước đó; Cô trở lại với một vai hiền lành, nhu nhược, chịu nhiều đau khổ vì lấy phải một gã chồng ham cờ bạc. Bảo Thanh, nữ diễn viên nổi đình đám 2 năm trước với vai Minh Vân trong "Sống chung với mẹ chồng" cũng thể hiện thành công vai một cô nàng đanh đá, thảo mai, thực dụng nhưng vô cùng yêu thương bố. Quốc Trường vai Vũ “sở khanh” được mệnh danh là “ngôi sao phim truyền hình phía nam” và nổi tiếng là một diễn viên thực lực khi để lại dấu ấn trong hàng loạt bộ phim nổi tiếng như “Cung đường tội lỗi”, “Chuyện tình rừng ngập mặn”, “Ngày hôm qua”, “Vàng”, “Oan nghiệt”, “Vườn yêu”, “Nếu còn có ngày mai”,”Gạo nếp gạo tẻ”,…

Vì sao "Về nhà đi con" được coi là "bộ phim quốc dân" màn ảnh Việt? - 3

Đặc biệt, dàn diễn viên mới và trẻ trong phim cũng nhận được nhiều sự chú ý của người xem. Trong đó phải kể đến Bảo Hân (vai Ánh Dương). Dù là vai diễn đầu tiên trên màn ảnh nhưng Bảo Hân, cô gái 19 tuổi không hề tỏ ra khớp trước diễn xuất của dàn diễn viên tên tuổi như Trung Anh, Bảo Thanh, Thu Quỳnh và thậm chí còn tạo màu sắc riêng cho nhân vật của mình nhờ diễn xuất tự nhiên và cảm xúc. Ánh Dương là mẫu nhân vật thiếu vắng trên màn ảnh lâu nay, một cô nàng có tính cách mạnh mẽ, vẻ ngoài nam tính, sống thẳng, không thể im lặng trước cái sai và luôn sẵn sàng bảo vệ người thân của mình. Hay như Quang Anh (sinh năm 2000), người đóng vai Bảo trong phim cũng là một gương mặt mới, lạ và đầy triển vọng trong phim.

Vì sao "Về nhà đi con" được coi là "bộ phim quốc dân" màn ảnh Việt? - 4

Ngoài ra, những vai diễn phụ như anh rể Khải (Trọng Hùng), cô em bên chồng Liễu (Thủy Tiên) hay ông bố xì tin hết phần thiên hạ Bảo (Tuấn Tú) đều rất được lòng cộng đồng mạng. Dù được yêu, dù bị ghét nhưng khả năng vào vai của họ là điều đáng ghi nhận.

Kết hợp diễn xuất Bắc - Nam

Vì sao "Về nhà đi con" được coi là "bộ phim quốc dân" màn ảnh Việt? - 5

“Về nhà đi con” tạo được dấu ấn mới mẻ khi có sự kết hợp lối diễn xuất của nghệ sĩ hai miền Bắc – nam. Bởi giữa một dàn diễn viên tên tuổi của màn ảnh phía Bắc là sự xuất hiện của hai nghệ sĩ quen thuộc của màn ảnh phía Nam, nghệ sĩ Ngân Quỳnh (vợ ông Luật, mẹ Vũ) và Quốc Trường (vai Vũ). Có thể thấy, hai diễn viên miền Nam lần đầu ra Bắc đóng phim với giọng nói đặc trưng khiến đã khiến nhiều khán giả tò mò.

Đồng thời nhờ lối diễn xuất tự nhiên, sự bắt nhịp nhanh với mạch phim và ăn ý với bạn diễn nên khán giả nhanh chóng dành cảm tình với họ, đặc biệt là với vai Vũ của Quốc Trường.

Thời lượng phim ngắn 

Thời gian đầu khi phim mới phát sóng, có thể thấy sau khi mỗi tập phim vừa kết thúc, trên fanpage chính thức của bộ phim, bên cạnh những bình luận về phim thì xuất hiện vô số ý kiến bày tỏ sự khó chịu vì thời lượng phát sóng mỗi tập phim quá nhỏ giọt và ngắn. Theo đó, thông thường, mỗi tập phim truyền hình phát sóng trên VTV sẽ có thời lượng khoảng 45 - 50 (bao gồm cả quảng cáo) nhưng mỗi tập “Về nhà đi con” chỉ khoảng 28 phút bao gồm cả quảng cáo. Thậm chí có những tập chỉ vỏn vẹn có hai cảnh quay đã kết thúc làm cho nhiều khán giả vô cùng ức chế.

Sau đó, đạo diễn Nguyễn Danh Dũng cho biết, theo khung sóng cũ của Đài, mỗi tập phim truyền hình sẽ có thời lượng khoảng 45 – 50 phút. Tuy nhiên, theo khung sóng mới, mỗi tập chỉ được giới hạn trong thời lượng 25 phút. Bộ phim “Về nhà đi con” là phim truyền hình đầu tiên sản xuất và công chiếu theo khung sóng mới này.

Điều này từng khiến cho nhiều khán giả ức chế đòi "tẩy chay" phim vì cách chia tập "lắt nhắt" như thế. Tuy nhiên, cũng không thể phủ nhận rằng việc thời lượng phim quá ngắn như vậy lại khiến nhiều người mong chờ phim hơn.

Lời thoại gây “sốt”

Không thể phủ nhận rằng, bên cạnh đề tài gần gũi, nội dung sâu sắc, diễn viên diễn xuất tốt thì những câu thoại trong “Về nhà đi con”chính là yếu tố gây được ấn tượng rất lớn với người xem.

Vì sao "Về nhà đi con" được coi là "bộ phim quốc dân" màn ảnh Việt? - 6

Ông Sơn, người bố già tuy có phần nghiêm khắc nhưng luôn yêu thương và chăm sóc các cô con gái với tình yêu thương tận tụy, đầy trách nhiệm. Lời thoại của ông có phần răn dạy, triết lý nhưng rất thực tế đúng với phẩm chất của một người bố luôn quan tâm, chăm lo cho con cái. Bất kì người con nào khi nghe được những câu răn dạy trong phim của ông Sơn sẽ chẳng thề cầm nổi nước mắt, bởi cho dù chúng ta có lớn lên và trở thành người như thế nào đi chăng nữa, có phạm phải lỗi lầm lớn đến thế nào thì nhà và cha mẹ vẫn luôn luôn ở đó, đợi ta trở về.

Vì sao "Về nhà đi con" được coi là "bộ phim quốc dân" màn ảnh Việt? - 7

Nhân vật Liễu, em chồng của Huệ thì khiến khán giả “tức anh ách” vì thường xuyên có những lời lẽ xúc phạm, hành động hỗn láo với chị dâu. Thậm chí sau mỗi tập có nhân vật Liễu lên sóng, cô nàng này còn bị nhiều khán giả chửi bới, dọa nạt và nói sẵn sàng cho cô ăn tát nếu gặp bên ngoài.

Đồng thời phải kể đến những  câu nói của Ánh Dương, cô em út thực sự là điểm hút fan của phim bởi mỗi cử chỉ, hành động và lời thoại ngẫu hứng của Dương đều trở thành hot trend trên mạng xã hội sau mỗi tập phim.

Vì sao "Về nhà đi con" được coi là "bộ phim quốc dân" màn ảnh Việt? - 8

Không chỉ thế, ê kíp “Về nhà đi con” còn được khen ngợi biết thu hút khán giả khi liên tục đăng những clip hé lộ tình tiết phim mới để lôi cuốn. Cùng với đó, những clip hậu trường làm phim rất thú vị cũng được hé lộ: Hậu trường quay cảnh nóng; hậu trường quay cảnh tát; hoặc là những hình ảnh hé lộ nội dung phim chưa phát sóng... khiến khán giả thích thú…

Tiết lộ về căn nhà rộng 230m2 trị giá hàng chục tỷ đồng trong 'Về Nhà Đi Con'

Cứ ngỡ ngôi nhà của bố con ông Sơn là nhà cấp 4 đơn sơ giản dị, không ngờ lại có giá trị lên đến hàng chục tỷ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Lộc Liên ([Tên nguồn])
Về nhà đi con Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN