Tương lai nào cho phim khoa học viễn tưởng Việt Nam?

Sự kiện: Phim Việt Nam hay

Dòng phim khoa học viễn tưởng Việt Nam như nàng công chúa trên tòa tháp, vẫn đang chờ một hiệp sĩ đủ tài giỏi để đưa nàng đến với thế giới bên ngoài.

Trong thời đại mà công nghệ hiện hữu mọi nơi và càng ngày càng là một phần quan trọng của cuộc sống, thì dòng phim khoa học viễn tưởng (science fiction hay thường được viết tắt là sci-fi) cũng theo đó phát triển mạnh mẽ hơn. Việt Nam đương nhiên không nằm ngoài dòng chảy phát triển này. Rạp phim Việt từng chứng kiến rất nhiều cuộc đổ bộ của các bom tấn khoa học viễn tưởng. Điển hình có thể kể đến các siêu anh hùng đình đám nhà Marvel, D.C; những loạt phim như Thế giới khủng long (Jurassic World), Godzilla, Giải mã mê cung (The Maze runner), Đấu trường sinh tử (The Hunger games)...

Những phim này đều thành công về doanh thu tại Việt Nam. Có thể nói, người Việt không hề thờ ơ với phim viễn tưởng. Khán giả tiếp cận được rất nhiều nền giải trí trên thế giới; kiến thức và trải nghiệm về các tác phẩm khoa học viễn tưởng của người Việt Nam cũng rất phong phú. Nhưng đáng tiếc, đại diện phim khoa học viễn tưởng (hay nói chính xác hơn là phim có yếu tố khoa học viễn tưởng) duy nhất của Việt Nam thời gian gần đây là Maika – Cô bé đến từ hành tinh khác, lại đang thất bại về doanh thu. Điều này chắc chắn sẽ khiến nhà làm phim Việt chùn bước với các dự án khoa học viễn tưởng. Ai sẽ giúp Việt Nam xây nền móng ở thể loại này trong lĩnh vực điện ảnh?

Hành trình mười năm của một đạo diễn Việt kiều

Viên gạch đầu tiên cho thể loại viễn tưởng ở Việt Nam thực ra đã xuất hiện. Phải quay ngược lại năm 2004, hoặc xa hơn thế, khi Nguyễn Võ Nghiêm Minh “phải lòng” vùng đất miền Tây Nam Bộ qua tập truyện ngắn Hương rừng Cà Mau của nhà văn Sơn Nam. Và ông đã làm một bộ phim về miền nước nổi đó. Mùa len trâu ra mắt năm 2004, kể về câu chuyện “len trâu” – đưa trâu đến vùng đất cao hơn vào mùa nước lũ của người dân miền Tây năm 1930. Mối liên hệ chặt chẽ của con người với “nước”, triết lý về sự sống và cái chết, sự tiếp nối của các thế hệ trong gia đình hiển hiện trên mỗi khung hình của Mùa len trâu. Cảnh cả trăm con trâu nối nhau đi về vùng đất cao hơn, hay cảnh nước ngập mênh mông cô đơn vô tận đều gây ấn tượng mạnh mẽ với ban giám khảo ở các liên hoan phim quốc tế. Bên cạnh các giải trong nước, phim đã giành nhiều giải thưởng quốc tế, trong đó có thể kể đến Đạo diễn xuất sắc nhất tại Liên hoan phim Chicago (Mĩ), giải Grand Prix (giải cao nhất dành cho phim truyện nhựa) tại Liên hoan phim Amiens (Pháp).

Tương lai nào cho phim khoa học viễn tưởng Việt Nam? - 1

Góc máy trên cao đầy ấn tượng của "Mùa len trâu"

Đương nhiên Mùa len trâu không thuộc dòng khoa học viễn tưởng. Nhưng nó là nền móng để đúng mười năm sau, Nguyễn Võ Nghiêm Minh tiếp tục duyên nợ với “nước” bằng bộ phim Nước 2030. Vẫn là vùng Nam Bộ, vẫn là nước lũ mênh mang ngập trắng, vẫn là triết lý sống – chết trong mối quan hệ của con người với nước, đạo diễn Việt kiều kể tiếp câu chuyện 100 năm sau của Mùa len trâu. Phim kể về năm 2030 biến đổi khí hậu khiến vùng ven Sài Gòn chìm trong nước. Một công ty lớn dùng công nghệ để sản xuất rau sạch, đồng thời thâu tóm quyền lực. Giữa bối cảnh đó, một cặp vợ chồng phải tìm kế sinh nhai trên con thuyền mỏng manh giữa biển nước mênh mông.

Một cảnh trong Nước 2030. Trong bộ phim này, "nước" cũng trở thành một nhân vật

Một cảnh trong Nước 2030. Trong bộ phim này, "nước" cũng trở thành một nhân vật

Nguyễn Võ Nghiêm Minh đã dùng một thủ pháp thường thấy ở dòng phim khoa học viễn tưởng: Phóng đại một sự việc vốn đang hiện hữu, dùng yếu tố viễn tưởng về một tương lai gần để cảnh tỉnh hiện tại. Phim được trình chiếu tại Liên hoan phim Berlin và Liên hoan phim Busan. Phim cũng đoạt giải Phim hay nhất tại Liên hoan phim San Pedro (Mĩ), một liên hoan dành cho phim độc lập, phim tài liệu và phim ngắn. Nhưng nội dung phim hơi dàn trải, khó hiểu, nhiều tình tiết bị số đông đánh giá vừa thừa vừa thiếu khiến phim chưa được lòng khán giả đại chúng.

Thay vì nội dung chính, cảnh nóng trong Nước 2030 bỗng trở thành đề tài được bàn tán

Thay vì nội dung chính, cảnh nóng trong Nước 2030 bỗng trở thành đề tài được bàn tán

Nước 2030 như một dấu chấm lẻ loi cô độc và cũng chưa đủ xuất sắc để “một mình một lối” nổi bật lên trong làng điện ảnh Việt Nam. 

Các ông lớn còn chùn tay, có phải do thiếu tiền?

Năm 2019, cuộc thi Nhà biên kịch tài năng do CGV Việt Nam tổ chức đã viết rõ trong thể lệ: “Không nhận kịch bản phim khoa học viễn tưởng”. Tại Việt Nam, chưa có một cuộc thi nào dành cho thể loại này, ngoại trừ phim ngắn. Cuộc thi phim ngắn rầm rộ năm 2013 là Project: Sci-Fi chưa thể tạo được sự đột phá trong thị trường phim ảnh Việt Nam. Bởi chưa có dự án nào được phát triển thành phim điện ảnh để đến gần hơn với công chúng.

Một câu hỏi luôn được đặt ra là: Tại sao chúng ta không làm được phim khoa học viễn tưởng? Chúng ta thiếu tiền, thiếu tài hay thiếu cả hai?

Tiền chắc chắn là vấn đề lớn, nếu chúng ta mặc định rằng phim khoa học viễn tưởng phải có kĩ xảo hoành tráng, phải có siêu nhân bay lượn đánh bại nhà khoa học điên, những chủng tộc ngoài hành tinh tràn đến hủy diệt thế giới, hay một biệt đội siêu anh hùng báo thù liên minh để chống lại kẻ bạo chúa như Thanos. “Khoa học viễn tưởng” không chỉ có thế, nó gần gũi với đời sống của chúng ta chứ không xa vời như hành tinh Titan, quê hương của Thanos. 

Rất nhiều phim khoa học viễn tưởng đã được thực hiện với kinh phí thấp. Một Trái Đất khác (Another Earth) ra đời bằng một trăm ngàn đô la. Hãy xem câu chuyện sau: Một ngày những người trên Trái Đất phát hiện có một Trái Đất khác trên bầu trời, việc đó đã thay đổi cuộc sống của họ (Another Earth – 2011). Hay câu chuyện hài này: Một ông cụ trước kia là kẻ trộm đá quý. Một ngày, đứa con trai của ông gửi đến một robot với hi vọng nó sẽ thay mình chăm lo cuộc sống của ông. Rất nhanh, ông cụ phát hiện con robot này là một đồng minh tuyệt vời để quay lại nghề cũ (Robot and Frank - 2012)

Hoặc một nội dung đậm chất khoa học viễn tưởng hơn: Bốn người bạn là những nhà phát minh tay mơ. Một ngày nọ, một trong số họ tình cờ tạo ra một chiếc máy du hành thời gian (Primer - 2007). Bộ phim độc lập này có tổng chi phí 7.000 đôla, tương đương 162 triệu Việt Nam đồng và thu về hơn nửa triệu đô.

Tương lai nào cho phim khoa học viễn tưởng Việt Nam? - 4

"Một Trái Đất khác" bắt đầu với việc con người phát hiện một Trái Đất khác trên bầu trời

Có thể thấy, tiền là vấn đề nhưng không phải vấn đề lớn nhất. Nếu có một kịch bản phù hợp, chúng ta vẫn có thể làm phim khoa học viễn tưởng với kinh phí hạn chế.

Nền tảng của Điện ảnh

Ra đời muộn, điện ảnh nghiễm nhiên phát triển dựa trên những bộ môn nghệ thuật đi trước như Văn học, Sân khấu. Rất nhiều bộ phim được làm từ các tác phẩm văn chương hay kịch sân khấu. Bởi vậy có thể nói, ở mỗi nền văn hóa, văn học và sân khấu mạnh ở mảng nào thì điện ảnh cũng sẽ có xu hướng phát triển mạnh ở mảng đó.

Dòng văn chương viễn tưởng ở Việt Nam còn nhiều hạn chế. Thậm chí rất nhiều người còn nhầm lần giữa yếu tố kỳ ảo (fantasy) với khoa học viễn tưởng (science fiction). Tác phẩm khoc học viễn tưởng chính hiệu thời gian gần đây có thể kể đến như Máu hiếm (NXB Kim Đồng), Hiện thân (NXB Trẻ) đều của Phan Hồn Nhiên, Aftermath (Nam Thanh – NXB Nhã Nam)…

Có những truyện còn bị chê vì thiếu tính đột phá, thiếu chặt chẽ, lan man. Nhưng văn học Việt Nam cần phải có những tác phẩm như vậy. Không có nền văn chương khoa học viễn tưởng nào xuất sắc ngay từ đầu.

Muốn phim khoa học viễn tưởng phát triển, trước hết cần khuyến khích việc tạo ra những câu chuyện có yếu tố khoa học viễn tưởng phù hợp với xã hội Việt Nam. Rất khó để khán giả cảm thấy hợp lý với việc một tỉ phú Việt Nam mặc áo giáp như Iron Man bay lượn phía trên Landmark 81. Nhưng nếu nhân vật chính là sinh viên năm nhất thì sao? Cậu ta mua một chiếc điện thoại cũ ở cửa hàng cầm đồ, rồi sau đó phát hiện trong chiếc điện thoại có một app với công nghệ vượt thời đại. Nó có thể giúp cậu ta điều gì? Ném cậu ta vào những rắc rối nào? Đâu là điều một sinh viên năm nhất ở Việt Nam mong muốn nhất? Hãy cứ đặt giả thiết và câu hỏi, vì mọi câu chuyện hay đều bắt đầu từ đó.

Có lẽ các nhà làm phim Việt, bên cạnh đam mê và kiến thức với thể loại này, đang cần một cú huých mạnh từ cảm hứng thời đại và cơ hội thể hiện. Các cuộc thi văn học, cuộc thi phim ngắn thể loại khoa học viễn tưởng, các hội thảo về đề tài này cũng rất cần thiết. Đó là cách trang bị kiến thức và tìm nguyên liệu cho phim điện ảnh. Mảnh đất khoa học viễn tưởng ở Việt Nam vẫn còn rất sơ khai, nhiều thử thách đồng nghĩa với nhiều cơ hội.

Nguồn: [Link nguồn]

Em và Trịnh: Chưa đủ ”Trịnh Công Sơn”

Sau tất cả, âm nhạc của Trịnh Công Sơn vẫn là điều ấn tượng nhất còn đọng lại.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đào Hằng ([Tên nguồn])
Phim Việt Nam hay Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN