Thái giám làm loạn chốn quan trường nhất lịch sử: Quyền lực ngang bằng hoàng đế
Hình tượng vị thái giám độc ác nhất lịch sử đã được nhiều nhà sản xuất khai thác trong các bộ phim truyền hình và điện ảnh.
Ngụy Trung Hiền được coi là hoạn quan nổi tiếng nhất trong lịch sử Trung Quốc với quyền lực sánh ngang hoàng đế. Những người dám chống lại ông đều nhận kết cục thảm khốc.
Hình tượng thái giám độc ác nhất trên màn ảnh
Nói đến Ngụy Trung Hiện, khán giả đều biết đây là tên thái giám lộng quyền nhất trong lịch sử nhà Minh. Do đó, trong nhiều bộ phim truyền hình và điện ảnh về giai đoạn này, các đạo diễn và biên kịch đã xây dựng hình tượng thái giám họ Ngụy đóng vai trò quan trọng ngang ngửa tuyến nhân vật chính.
Tạo hình vị thái giám Ngụy Trung Hiền do Kim Sỹ Liệt đóng trong bộ phim "Tú xuân đao".
Thái giám Ngụy Trung Hiền được khắc họa nổi bật trong bộ phim điện ảnh "Tú xuân đao" do Kim Sĩ Liệt thủ vai. Ngụy Trung Hiền được mệnh danh là một trong những đại hoạn quan nổi tiếng nhất và thâu tóm trong tay nhiều quyền lực nhất lịch sử Trung Quốc. Với dã tâm của mình, Ngụy Trung Hiền một tay khuấy đảo triều đình, đồng thời tiêu diệt tất cả những người không cùng phe cánh với mình một cách tàn ác nhất. Trong phim, Kim Sỹ Liệt đã diễn tả sự độc ác của tên thái giám họ Ngụy với biểu cảm ma quái và tiếng cười khó đoán.
Ở tác phẩm truyền hình "Thiên hạ", nhân vật phản diện Nguỵ Trung Hiền do diễn viên Vương Hội Xuân đóng cũng ghi dấu ấn sâu sắc trong lòng khán giả. Nam diễn viên đã chứng tỏ khả năng nhập vai "xuất thần" khi lột tả toàn bộ bản chất của Nguỵ Trung Hiền. Đó là một kẻ túc trí đa mưu, một gian thần nham hiểm, xảo trá, không từ thủ đoạn nhưng bề ngoài lại hết sức mềm mỏng, thu phục nhân tâm, gần gũi, chăm lo cho thuộc hạ dưới trướng và có nhiều quan niệm khác người. Mặc dù, Ngụy Trung Hiền được xem là một tên "ác ma" nhưng tâm trạng luôn giằng xé giữa thiện và ác.
Video: Thái giám Ngụy Trung Hiền (Vương Hội Xuân) bị hành thích trong phim "Thiên hạ".
Vương Hội Xuân đã phải đầu tư rất nhiều thời gian và công sức cho vai diễn này. Đặc biệt, nam diễn viên thường xuyên yêu cầu nhà sản xuất lồng tiếng nhiều lần cho đến khi cảm thấy hài lòng mới làm tiếp những tập sau. Trước đó, ông từng quen thuộc với khán giả Việt Nam qua vai diễn Bàng Thái Sư trong bộ phim "Thời niên thiếu của Bao Thanh Thiên".
Từ kẻ lưu manh, mù chữ đến "ông trùm thái giám", quyền lực ngang bằng vua
Ngụy Trung Hiền được xem là “ông trùm” trong giới thái giám vô lương thời nhà Minh. Tên hoạn quan này vốn xuất thân là kẻ lưu manh, mù chữ. Thời còn trẻ, Ngụy Trung Hiền nổi tiếng mê cờ bạc, tới lúc trắng tay phải sống cảnh chui lủi trốn tránh vì bị chủ nợ săn lùng.
Ở chốn hậu cung nhiều thị phi nhưng nhờ tài xu nịnh nên Ngụy Trung Hiền rất được Khách Thị, vú nuôi của vua Minh Hy Tông bấy giờ, thương yêu và nâng đỡ. Ngay từ khi Hy Tông mới chỉ là một hoàng tử còn nhỏ tuổi, Nguỵ Trung Hiền đã tận dụng chính mối quan hệ với Khách Thị. Sự kiện đánh dấu mốc trong cuộc đời ông chính là khi hoàng đế Minh Quang Tông đột ngột qua đời sau chưa đến 1 tháng lên ngôi.
Nhờ tài xu nịnh nên Ngụy Trung Hiền (Lý Lập Quần) rất được lòng vua Hy Tông.
Kể từ khi Ngụy Trung Hiên được vua Hy Tông tin tưởng giao cho việc trông coi Đông Xưởng, cơ quan đặc vụ của triều đình, thế lực của ông càng được củng cố và lớn mạnh. Ngụy Trung Hiền nắm mọi quyền lực trong triều bao gồm Đông Xưởng, Tây Xưởng, Nội Xưởng, khống chế việc triều chính, đưa người thân tín vào nắm các vị trí quan trọng trong nội các. Nhiều quan lại trong triều bái lạy ông để được thăng quan, thậm chí các quan lại tranh nhau nhận Ngụy Trung Hiền là cha, ông nội.
Nắm quyền lực trong tay, Ngụy Trung Hiền càng hách dịch, tàn nhẫn. Ông cài cắm mật vụ khắp nơi, tố cáo những người chống đối. Những quan lại không theo phe ông đều bị loại ra khỏi nội các, thậm chí bị sát hại. Ngụy Trung Hiền sử dụng thuộc hạ cướp bóc của dân cống nạp cho ông. Năm 1626, tuần phủ Chiết Giang là người đầu tiên xây đền thờ cho Ngụy Trung Hiền khi ông còn sống, khắp nơi dưới triều nhà Minh đều thờ tên thái giám này.
Ngụy Trung Hiền lộng quyền trong triều đình, nhưng các quan đều không dám chống đối lại.
Lúc bấy giờ, có duy nhất một nhóm các quan, nho sĩ thuộc phái Đông Lâm dám đứng ra chỉ trích bè lũ của hoạn quan Ngụy Trung Hiền. Những con người với tư tưởng tiến bộ này đã vạch 24 tội ác của tên thái giám trước triều đình, trong đó có tội giết người và bắt hoàng hậu phá thai. Tuy nhiên, với quyền lực ngang hàng hoàng đế, Ngụy Trung Hiền đã thẳng tay tiêu diệt những người phái Đông Lâm. Ông cho dùng nhục hình, tạo khẩu cung giả, tra tấn những người thuộc phái này cho tới chết. Nhiều người vô tội ủng hộ phái này cũng tên thái giám họ Ngụy cho giết không cần qua xét xử.
Năm 1627, Chu Do Kiểm lên ngôi. Ngụy Trung Hiền bị thất sủng. Các quan lại đứng lên tố cáo 10 trọng tội đòi xử tử Ngụy Trung Hiền. Tên thái giám bị phế truất, đày đến giữ mộ ở đất Phụng Dương. Sau khi đi được nửa đường, ông phải nhận lệnh bị truy bắt lại. Ngụy Trung Hiền sợ tội, thắt cổ chết, kết thúc tham vọng vương quyền của hoạn quan họ Ngụy, khiến người dân rơi vào cảnh tan nát, biệt ly.
Trong tác phẩm "Thiên Long Bát Bộ", Đoàn Dự là nhân vật sở hữu võ nghệ cao cường và thân thế ly kỳ. Vậy trong lịch sử liệu có từng tồn tại một “Đoàn Dự” thần...
Nguồn: [Link nguồn]