Gần một thế kỷ AI xuất hiện trên phim

00:00 / 0:00
Chuẩn
Tốc độ đọc

Với trí tưởng tượng phong phú và nỗi băn khoăn về sự phát triển kỹ thuật, các nhà làm phim phương Tây đưa công nghệ AI trở thành 'nhân vật' trong nhiều tác phẩm gần 100 năm qua.

AI được nghiên cứu từ những năm 1940-1950 và có những bước phát triển vượt bậc những năm gần đây. Trong điện ảnh, AI đã tồn tại ngay cả trước khi công nghệ này được khám phá và luôn là đề tài rộng cho các nhà làm phim thỏa sức sáng tạo, truyền tải nhiều thông điệp cuộc sống.

Metropolis (1927)

Với bối cảnh là một thành phố hiện đại trong tương lai, Metropolis được xem là một trong những tác phẩm quan trọng nhất lịch sử điện ảnh Đức khi tiên phong khai thác chủ đề AI, ngay từ thời điểm thế giới vẫn còn mơ hồ với khái niệm này. Metropolis là phim câm, kể về cuộc sống và tranh đấu địa vị của những kẻ cầm quyền ở tương lai xa.

Maria là người máy được tạo dựng giống nguyên mẫu của một nhân vật cùng tên trong phim, có ngoại hình quyến rũ và dễ dàng qua mặt con người. Maria đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy câu chuyện phát triển, đồng thời làm rõ thông điệp về những ẩn khuất chính trị và sự phân chia giai cấp trong xã hội giai đoạn đó.

Vào thời điểm ra mắt, tác phẩm của đạo diễn Fritz Lang mất hơn 17 tháng ghi hình, trở thành bộ phim có kinh phí đầu tư đắt đỏ bậc nhất thế giới. Metropolis là nguồn cảm hứng cho các tác phẩm về AI sau này và đặt nền móng hình thành nhiều khuôn mẫu cho dòng phim viễn tưởng, nơi tồn tại một thế giới với công nghệ vượt tầm kiểm soát của con người.

Ảnh: Kino International

Ảnh: Kino International

2001: A Space Odyssey (1968)

2001: A Space Odyssey của đạo diễn Stanley Kubrick là cột mốc đáng nhớ của lịch sử điện ảnh thế giới. Với lối kể chuyện phi tuyến tính, ít thoại và chú trọng vào đặc tả hình ảnh để truyền đi thông điệp, tác phẩm mở ra phong cách làm phim mới, không chỉ về kỹ thuật mà còn về câu chuyện đậm tính triết học.

HAL-9000 là siêu máy tính được tạo ra nhằm hỗ trợ nhóm phi hành gia trong hành trình khám phá Sao Mộc. HAL-9000 có khả năng trò chuyện, suy nghĩ thông minh giống con người và trở thành trợ thủ đắc lực cho tàu vũ trụ. Song dần dà, siêu máy tính chiếm quyền kiểm soát, ưu tiên hoàn thành nhiệm vụ cá nhân hơn tất cả. 2001: A Space Odyssey nêu bật vấn đề xung đột lợi ích giữa máy móc và con người, cũng như khám phá vị trí của mỗi cá nhân trong vũ trụ.

Ảnh: Warner Bros

Ảnh: Warner Bros

Blade Runner (1982)

Xoay quanh câu chuyện về người nhân bản (Replicant), Blade Runner thể hiện hình ảnh robot có hình dáng và hành vi giống con người nhưng được thiết kế đảm nhận những công việc nguy hiểm giúp nhân loại. Với tuổi thọ ngắn ngủi bốn năm, các Replicant tìm mọi cách để tồn tại sau khi hoàn thành nhiệm vụ. Qua đó, phim đặt ra câu hỏi đạo đức: liệu AI chỉ là một công cụ hay một thực thể có cảm xúc và cũng có quyền được sống.

Blade Runner khai mở những góc nhìn khác biệt về AI, đồng thời thúc đẩy nhiều cuộc thảo luận về vị trí của công nghệ này trong tương lai. Qua thời gian, tác phẩm liên tục vào danh sách những bộ phim viễn tưởng hay nhất mọi thời đại của các tổ chức và tạp chí uy tín.

Ảnh: Warner Bros

Ảnh: Warner Bros

The Matrix (1999)

Vẽ nên viễn cảnh thế giới bị AI thống trị, The Matrix theo chân nhân vật Neo trên hành trình chống lại những cỗ máy nổi loạn và phá hủy thế giới giả lập do người máy tạo ra. Ở thế giới trong phim, công nghệ đã giành được kiểm soát. "The Matrix" được AI lập nên để giữ con người sinh hoạt bên trong. Do đó, họ sẽ không biết được thế giới bên ngoài thực sự ra sao.

The Matrix bàn về sự thao túng của công nghệ trong xã hội, đặt con người vào thế tiến thoái lưỡng nan khi trở thành nạn nhân của các hệ thống bản thân đã tạo ra. Với kinh phí 63 triệu USD, bộ phim thu về hơn 467 triệu USD và mở đường cho một thương hiệu điện ảnh có độ nhận diện cao trong nền văn hóa đại chúng cuối thế kỷ 20, đầu thế kỷ 21.

Ảnh: Warner Bros

Ảnh: Warner Bros

A.I. Artificial Intelligence (2001)

Dùng tên AI làm tựa phim, tác phẩm điện ảnh của đạo diễn Steven Spielberg khai thác trực diện câu chuyện tương lai, qua góc nhìn của cậu bé người máy mang tên David - được tạo ra để trở thành con nuôi cho các cặp vợ chồng hiếm muộn hoặc mất con. David được trang bị khả năng yêu thương và bày tỏ cảm xúc.

Qua hành trình thích nghi với gia đình mới của David, thông điệp về nhân tính và nỗi khát khao được yêu thương của các cỗ máy được bộc lộ. AI trong cuốn phim không chỉ được khắc họa qua hình tượng người máy, mà còn nằm sâu trong các thiết kế kiến trúc ấn tượng của tương lai. Ở kỳ Oscar lần thứ 74, A.I. Artificial Intelligence nhận về hai đề cử cho hạng mục kỹ xảo và nhạc nền.

Ảnh: Warner Bros

Ảnh: Warner Bros

Her (2013)

Khác với các tác phẩm thường thể hiện hình ảnh công nghệ AI đe dọa nhân loại, Her khai thác khía cạnh khác của công nghệ này. Samantha là hệ điều hành có khả năng thấu hiểu và hồi đáp cảm xúc con người, được tạo nên trên nền tảng của trí tuệ nhân tạo. Hệ điều hành hiện hữu với chất giọng phụ nữ (Scarlett Johansson lồng tiếng).

Theodore là một gã cô đơn, đang trong quá trình ly hôn. Anh tìm thấy Samantha ngay lúc mỏi mệt nhất và dần hình thành mối quan hệ tình cảm với hệ điều hành này.

Ảnh: Warner Bros

Ảnh: Warner Bros

Xoay quanh nỗi cô đơn của con người trong thời đại kỹ thuật số, bộ phim phản ánh cách AI có thể gắn kết nhân loại lại gần nhau nhưng cũng có thể tạo nên khoảng cách giữa các mối quan hệ. Her là một tác phẩm tinh tế, nhẹ nhàng và hàm chứa nhiều ý nghĩa sâu sắc về bản chất của con người và công nghệ trong giai đoạn phát triển kỹ thuật.

Trích đoạn phim Her

The Creator (2023)

The Creator đặt bối cảnh phim vào năm 2070 khi máy móc và con người chung sống với nhau. Joshua là một đặc vụ được cử đi tìm kiếm và tiêu diệt "siêu vũ khí AI". Qua quá trình khám phá, Joshua phát hiện ra "siêu vũ khí" đó chính là cô bé 6 tuổi Alfie. Joshua gắn bó cùng Alfie từ đó, và nhận ra mối liên hệ giữa cô bé và quá khứ bi thương của mình.

Ảnh: 20 Century Studios

Ảnh: 20 Century Studios

Với khán giả Việt Nam, The Creator gây chú ý không chỉ bởi nội dung hiện đại và phần nghe nhìn đặc sắc mà còn bởi vai diễn mới lạ của Ngô Thanh Vân trong một tác phẩm hành động Hollywood. Đả nữ Việt hóa thân thành người máy Kami dễ thương, có tính cách ôn hòa, nhận nhiệm vụ chăm sóc Alfie để Joshua bàn bạc công việc với cộng sự.

Nguồn: [Link nguồn]

TRUNG QUỐC - Trương Hồng Giai, ca sĩ nổi tiếng mạng xã hội qua đời vì bị bạn trai sát hại.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đỗ Hoàng ([Tên nguồn])
Hậu trường phim Hollywood Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN