Đàm Vĩnh Hưng có phạm luật khi tố mẹ của mình?

Trưa 14-12, Đàm Vĩnh Hưng đã livestream trên Facebook kể về chuyện mẹ anh đã mượn nợ của nhiều người và anh là người phải oằn lưng gánh trả.

“Đây là một động thái cũng được xem như là lời cảnh báo đến với mọi người vì Hưng không muốn bất cứ ai trở thành nạn nhân nữa đối với một người là thành viên của gia đình Hưng” - ca sĩ này nói.

Không muốn ai là nạn nhân kế tiếp

Có thể nói là trong 30 năm qua Hưng đối diện với việc này nó nhiều lắm rồi. Nó đã rất lâu và Hưng khẳng định là Hưng không còn chịu nổi nữa. Ai cũng biết má Hưng là bà TTT, bà đã gây rất nhiều nợ nần trong suốt nhiều năm qua và Hưng đã phải trả nhiều lần lắm, rất nhiều lần Hưng bị kiệt sức rồi…

Đàm Vĩnh Hưng có phạm luật khi tố mẹ của mình? - 1

Đàm Vĩnh Hưng đã livestream trên Facebook gây sốc

Việc bà mượn để làm gì thì chỉ mỗi mình bà có câu trả lời thôi. Hưng không có đồng lõa hay bao che việc làm này được nữa. Chính vì thế ngày hôm nay Hưng quyết định công bố sự thật này để cho mọi người nhớ rằng là không có trở thành nạn nhân nữa vì bất kỳ một người nào tới nhà Hưng đều trở thành nạn nhân. Bất kỳ người nào tới cũng đều lấy số điện thoại để mượn tiền…

Hưng đã nghĩ ra rất nhiều cách để giải quyết mà vẫn không có cách nào xử lý được cả. Rất là khó cho Hưng luôn, ở tâm trạng của Hưng. Đó là mẹ ruột của mình... Nhưng ngày hôm nay, Hưng thật sự mệt mỏi rồi, Hưng chịu đựng hết nổi rồi nên Hưng phải nói ra điều này thôi. Đây là giải pháp cho bản thân Hưng, cho gia đình Hưng, anh em của Hưng, cho những đứa con của Hưng và đó là lối thoát cho chính má Hưng…” - Đàm Vĩnh Hưng nói trong nước mắt.

Anh cho biết trong vòng 10 năm qua anh đã trả trên 20 tỉ đồng cho số nợ mà má mình gây ra từ việc mượn danh tiếng của anh để mượn nợ. Mỗi tháng anh phải trả nợ cho mẹ mình từ 500 triệu đến 600 triệu đồng. Nhiều thông tin trên mạng cho rằng người mẹ của Hưng nợ nần vì dính vào cờ bạc.

Anh tự chịu trách nhiệm trước việc làm của mình: “Tôi sẽ nói bằng giọng của mình, khuôn mặt của mình! Để không trốn tránh hay hoảng sợ rồi đổ lỗi cho trợ lý hay người thân quá bức xúc giùm tôi mà viết ra. Không! Không ai khác! Chính tôi!”.

Nhiều đồng cảm

Từ chuyện này, có người cho rằng Đàm Vĩnh Hưng vạch áo cho người xem lưng là không nên, dù gì đó cũng là đấng sinh thành. Tuy nhiên, nhiều người ủng hộ Đàm Vĩnh Hưng khi phải nói ra sự thật đau lòng này với mong muốn không ai trở thành nạn nhân tiếp theo của mẹ nữa và đó cũng là lối thoát cho mẹ mình. Anh đã rất có hiếu khi phải đi làm vất vả để trả nợ cho mẹ nhiều năm qua. Rất nhiều người cũng chia sẻ rằng họ cũng đang đồng cảnh với Đàm Vĩnh Hưng, phải cày trả nợ cho người nhà dính vào nợ nần, cờ bạc.

Đàm Vĩnh Hưng có phạm luật khi tố mẹ của mình? - 2

Đàm Vĩnh Hưng cho biết anh chịu đựng hết nổi nên mới phải nói ra việc mẹ mình mượn nợ.

Nhiều chuyên gia pháp luật nhận định luật pháp quy định nếu sự thật là những gì như Đàm Vĩnh Hưng nói ra thì anh không vi phạm pháp luật gì cả, vì đó không phải là hành vi ngược đãi, hành hạ, xúc phạm cha mẹ mà luật pháp nghiêm cấm.

“Hành vi quay clip rồi đưa lên Facebook của Đàm Vĩnh Hưng không vi phạm pháp luật, cũng đừng nặng nề cho rằng bất hiếu. Vì Đàm Vĩnh Hưng cũng chỉ đang cảnh báo những người khác đừng cho mẹ anh vay tiền, tránh những hệ lụy xấu là tranh chấp, nợ nần sau này. Tuy nhiên, ở góc độ văn hóa ứng xử của người Á Đông nặng về chữ hiếu thì có vẻ hơi kỳ, vậy thôi” - luật sư Hoàng Cao Sang (Đoàn Luật sư TP.HCM) nói.

Chúng tôi đã liên lạc với Đàm Vĩnh Hưng nhưng anh xin phép không muốn chia sẻ thêm bất cứ điều gì vào thời điểm này.

Đừng vội phán xét về chữ hiếu

Chúng ta đều là người ngoài cuộc, cái chúng ta thấy chỉ là lát cắt. Nói về đạo đức và hiếu đễ thì có một ngàn lẻ một cách hiểu, cách thể hiện chứ không phải chỉ có một cách duy nhất. Không thể căn cứ vào một hành vi mà có thể nói người này có hiếu, người kia bất hiếu được. Với những người con đã trưởng thành, có cá tính mạnh mẽ, họ dễ phản đối cha mẹ khi cha mẹ họ cố chấp hoặc làm điều sai trái. Lúc đó, người con dễ bị người đời chê cười bất hiếu. Tôi thì không nghĩ vậy, chúng ta với văn hóa Á Đông quen với sự áp đặt từ người lớn xuống người nhỏ, hễ khác đi được gọi là hư hỗn.

Hiếu hay không ở tấm lòng họ đối đãi với nhau, họ hiểu với nhau. Nên hiểu rằng chữ hiếu ngày nay không còn nặng hình thức và quy ước như thời phong kiến nữa.

Ông TRƯƠNG CHÍ THÔNG, bác sĩ tâm lý

________________________________

Nghĩa vụ và quyền của con

Con có bổn phận yêu quý, kính trọng, biết ơn, hiếu thảo với cha mẹ, lắng nghe những lời khuyên bảo đúng đắn của cha mẹ, giữ gìn danh dự, truyền thống tốt đẹp của gia đình.

Con có nghĩa vụ và quyền chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ.

Nghiêm cấm con có hành vi ngược đãi, hành hạ, xúc phạm cha mẹ.

(Trích Điều 35 Luật Hôn nhân và Gia đình)

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hồng Minh - Thanh Tuyền ([Tên nguồn])
Đàm Vĩnh Hưng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN