Đại gia tuần qua: Lãi khủng tỷ USD, lãnh đạo ngân hàng lớn nhất Việt Nam nhận lương bao nhiêu?
Vietcombank cũng là nhà băng duy nhất trong nhóm những ngân hàng ghi nhận lợi nhuận từ 20.000 tỷ đồng trở lên trong năm 2023 công bố chi tiết về thu nhập của đội ngũ lãnh đạo.
Lãnh đạo của ngân hàng báo lãi tỷ USD được trả lương bao nhiêu?
Cụ thể, trong năm 2023, Vietcombank chi hơn 61 tỷ đồng trả lương, thưởng, thù lao cho đội ngũ ban lãnh đạo, con số này tăng gần 57% so với con số chỉ hơn 39 tỷ đồng trong năm 2022.
Ông Trần Thành Nam và ông Colin Richard Dinn là hai nhân sự cấp cao có thu nhập cao nhất tại Vietcombank
Trong đó, Vietcombank đã chi hơn 16,78 tỷ đồng cho việc trả thù lao cho HĐQT. Nguyên Chủ tịch HĐQT Phạm Quang Dũng nhận 1,63 tỷ đồng, tương đương khoảng 136 triệu đồng/tháng. Cùng mức thu nhập với ông Dũng là ông Đỗ Việt Hùng (Thành viên HĐQT phụ trách hoạt động của HĐQT từ ngày 1/1) và ông Nguyễn Thanh Tùng, thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc. Các thành viên HĐQT khác nhận thù lao khoảng 2,3 – 2,5 tỷ đồng trong năm 2023.
Trong khi đó, mức chi cho lương, thưởng của Ban Điều hành lại tăng mạnh từ 14,69 tỷ đồng lên 39,55 tỷ đồng. Đáng chú ý nhất là ông Colin Richard Dinn, Giám đốc Khối công nghệ thông tin và chuyển đổi số kiêm Giám đốc Trung tâm ngân hàng số Vietcombank, nhận lương, thưởng lên đến 15,26 tỷ đồng trong năm 2023. Tính bình quân, thu nhập mỗi tháng của vị Giám đốc khối này lên đến 1,27 tỷ đồng. Đây cũng là nhân sự người nước ngoài duy nhất trong Ban Điều hành Vietcombank.
Ngoài ông Colin Richard Dinn, 1 Giám đốc khối khác cũng có mức thu nhập cao vượt trội là ông Trần Thành Nam với mức lương, thưởng được nhận trong năm 2023 là hơn 5 tỷ đồng, tương đương thu nhập mỗi tháng của ông Nam lên tới hơn 350 triệu đồng.
Nhân sự giảm một nửa, "đại gia nhựa" làm ăn ra sao?
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2023 được công bố cho thấy, Công ty CP Tập đoàn Nhựa Đông Á ghi nhận doanh thu thuần gần 31 tỷ đồng, giảm 94% so với cùng kỳ. Giá vốn hàng bán giảm 93% so với cùng kỳ, về còn hơn 32 tỷ đồng, qua đó, kéo giảm lợi nhuận gộp âm hơn 1,6 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi 32 tỷ đồng.
Sau khi khấu trừ thuế, phí, Nhựa Đông Á báo lỗ sau thuế hơn 22 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lãi 66 triệu đồng.
Theo giải trình, Nhựa Đông Á cho biết, doanh thu của công ty sụt giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái do tình hình kinh tế trong nước nói chung và thị trường các dự án bất động sản nói riêng khó khăn, giảm sút mạnh, làm cho Nhựa Đông Á và các công ty thành viên chuyên phân phối các sản phẩm về nhựa phục vụ trong lĩnh vực bất động sản bị ảnh hưởng.
Tính chung cả năm 2023, Nhựa Đông Á ghi nhận doanh thu thuần hợp nhất 1.204 tỷ đồng, giảm 47% so với năm trước. Kinh doanh dưới giá vốn khiến Nhựa Đông Á lỗ gộp 65 tỷ đồng. Nhựa Đông Á báo lỗ sau thuế hơn 257 tỷ đồng trong năm 2023, trong khi năm trước lãi hơn 7,3 tỷ đồng. Đây là mức lỗ đậm nhất từ trước đến nay của công ty.
Tính tới cuối năm 2023, số lượng nhân sự của Nhựa Đông Á giảm đáng kể, từ 290 nhân viên hồi đầu năm giảm xuống còn 150 nhân viên.
Cắt giảm gần 300 nhân sự, kì lân công nghệ VNG làm ăn ra sao?
theo báo cáo tài chính quý IV/2023, Công ty cổ phần VNG ghi nhận doanh thu thuần tăng trưởng 7% lên 2.177 tỷ đồng. Giá vốn tăng mạnh 22% khiến lợi nhuận gộp giảm 12% so với cùng kỳ, xuống còn 787 tỷ đồng.
Các chi phí hoạt động chung chiếm tỷ trọng cao so với lãi gộp, qua đó khiến VNG tiếp tục chịu lỗ sau thuế 291 tỷ đồng (cùng kỳ lỗ đến 766 tỷ đồng). Lỗ sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ gần 230 tỷ đồng.
VNG ghi nhận lỗ năm thứ 3 liên tiếp
Tính chung cả năm, VNG ghi nhận hơn 8.608 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 10% so với năm trước. Tuy nhiên, chi phí hoạt động lớn và lỗ thêm trong các công ty liên kết đẩy doanh nghiệp vào tình trạng lỗ sau thuế hơn 756 tỷ đồng, trong đó lỗ thuộc về cổ đông công ty mẹ 540 tỷ đồng.
Đây là năm thứ 3 liên tiếp kỳ lân công nghệ VNG báo lỗ.
Một điểm đáng lưu ý khác là công ty công nghệ này đã giảm quy mô nhân sự đáng kể trong năm 2023, từ mức 3.885 người về còn 3.589 người, tức giảm quy mô gần 8% (-296 người).
Đại gia 68 tuổi có thêm hơn 300 tỷ đồng trong một ngày giàu cỡ nào?
Trong phiên giao dịch ngày 6/2, thị trường chứng khoán Việt Nam diễn biến giằng co, mã cổ phiếu DGC của Tập đoàn Hóa chất Đức Giang do đại gia Đào Hữu Huyền giữ vị trí Chủ tịch ghi nhận mức tăng mạnh 5,29% để đóng cửa ở mức giá 95.600đ/cổ phiếu. Đây là phiên tăng thứ 7 trong chuỗi 8 phiên giao dịch gần đây của mã cổ phiếu này. Không chỉ tăng mạnh về giá, thanh khoản của DGC cũng tăng hơn gấp 4 lần so với phiên liền trước với hơn 4,8 triệu cổ phiếu được các nhà đầu tư sang tay.
Đà tăng mạnh của cổ phiếu DGC không chỉ mang về niềm vui cho các cổ đông, mức tăng này cũng giúp khối tài sản của Chủ tịch Đào Hữu Huyền ghi nhận tăng thêm hàng trăm tỷ đồng. Cụ thể, với việc đang trực tiếp nắm giữ gần 70 triệu cổ phiếu DGC, tương đương tỷ lệ 18,38% cổ phần, khối tài sản của đại gia 68 tuổi ghi nhận tăng thêm hơn 300 tỷ đồng. Tính theo giá thị trường kết phiên giao dịch ngày 6/2, khối tài sản Chủ tịch doanh nghiệp từng tiết lộ có công nhân vệ sinh nắm 35 tỷ đồng có giá trị 6.853 tỷ đồng.
Trong năm 2023, Hóa chất Đức Giang ghi nhận 9.748 tỷ đồng doanh thu thuần, 3.109 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ, lần lượt giảm 33% và 44% so với thực hiện năm trước. Trong đó, doanh thu tài chính của DGC trong năm 2023 hơn 743 tỷ đồng, trong đó, lãi tiền gửi gần 627 tỷ đồng, điều đó đồng nghĩa với việc mỗi ngày, DGC thu về hơn 1,7 tỷ đồng từ lãi tiền gửi tiết kiệm.
Nguồn: [Link nguồn]
Quận này có lịch sử lâu đời, diện tích nhỏ song tiềm năng du lịch rất lớn.