Đại gia tuần qua: Dính lùm xùm nợ nần, cổ phiếu của shark Thủy lao đao

Apax Holdings lập nên kỷ lục vô tiền khoáng hậu của chứng khoán Việt Nam về việc giải trình.

Cổ phiếu doanh nghiệp shark Thủy lau sàn 23 phiên, bốc hơi 80% kể từ tháng 11

Tính đến ngày 23/12, đà giảm của IBC vẫn đang tiếp diễn. IBC tiếp tục giảm sàn và ghi nhận phiên thứ 23 liên tiếp giảm hết biên độ, thị giá rơi xuống mức 3.000 đồng/cp - mức giá thấp chưa từng có trong lịch sử niêm yết của mã chứng khoán này.

IBC đã “bốc hơi” hơn 80% kể từ đầu tháng 11. Vốn hóa thị trường bị thổi bay hơn 1.000 tỷ đồng chỉ sau một tháng, chỉ còn chưa đầy 300 tỷ đồng.

Cổ phiếu của doanh nghiệp shark Thủy tụt sàn 23 phiên liên tiếp

Cổ phiếu của doanh nghiệp shark Thủy tụt sàn 23 phiên liên tiếp

Với đà giảm liên tiếp, công ty Cổ phần Đầu tư Apax Holdings vừa có công văn giải trình về việc giá cổ phiếu IBC giảm sàn 5 phiên giao dịch liên tiếp từ 14/12 đến 20/12/2022.

Theo đó, Apax Holdings cho rằng nguyên nhân giá cổ phiếu giảm mạnh đến từ việc nhà đầu tư có vay ký quỹ/ thế chấp bị bán chủ động/bán giải chấp từ các công ty chứng khoán để nhanh chóng thu hồi vốn và hiện tượng này vẫn tiếp tục xảy ra.

Đây là lần thứ 4 liên tiếp Apax Holdings phải giải trình cổ phiếu IBC giảm sàn liên tục 5 phiên. Việc này khiến Apax Holdings lập nên kỷ lục vô tiền khoáng hậu của chứng khoán Việt Nam về việc giải trình.

Đà lao dốc mạnh của cổ phiếu IBC diễn ra sau hàng loạt lùm xùm liên quan đến việc các công ty thuộc sở hữu và liên quan đến ông Nguyễn Ngọc Thuỷ xuất hiện trong danh sách nợ bảo hiểm xã hội (BHXH) tại Hà Nội trong tháng 11 với số tiền từ vài trăm triệu đến vài tỷ đồng. Trước đó, ngày 16/11/2022, Cục Thuế TP. Hà Nội đã ra quyết định cưỡng chế thuế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản của Apax Holdings với tổng số tiền hơn 5,6 tỷ đồng.

Doanh nghiệp của tỷ phú Trần Đình Long đón tin vui

Hòa Phát vừa ký kết hợp đồng xuất khẩu lô hàng 10.000 tấn thép dây cuộn sang châu Âu. Đây là đơn hàng thép dài (long products) đầu tiên xuất sang lục địa này, mở ra thị trường mới cho thép Hòa Phát.

Mặt hàng thép dài của Tập đoàn Hòa Phát đã xuất khẩu sang thị trường châu Mỹ, châu Á, châu Phi, châu Úc. Sau đơn hàng châu Âu này, sản phẩm thép dài của Hòa Phát sẽ có mặt ở cả 5 châu lục. Việc khai thác các khách hàng xuất khẩu mới giúp Hòa Phát đa dạng hóa thị trường tiêu thụ, đồng thời góp phần tăng thu ngoại tệ.

Theo số liệu từ Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), Hòa Phát chiếm 34,8% thị phần tiêu thụ thép xây dựng trong 11 tháng đầu 2022, cải thiện so với mức 32,6% trong năm 2021. Thị phần của Hòa Phát hiện nay cao gấp ba lần doanh nghiệp đứng ngay sau là Tổng Công ty Thép Việt Nam (VNSteel).

Về sự kiện vi phạm nghĩa vụ một lô trái phiếu, Novaland của tỷ phú Bùi Thành Nhơn nói gì?

CTCP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va vừa công bố thông tin liên quan đến thông báo sự kiện vi phạm nghĩa vụ trái phiếu NVLH2123014. Theo đó, vào ngày 19/12/2022, CTCP Chứng Khoán Dầu Khí (PSI) với tư cách là Đại diện người sở hữu trái phiếu và tổ chức nhận tài sản bảo đảm đối với trái phiếu NVLH2123014 đã thông báo sự kiện vi phạm nghĩa vụ theo trái phiếu NVLH2123014 do tổ chức phát hành là Novaland không bổ sung tài sản bảo đảm và không thực hiện theo Nghị quyết Người sở hữu trái phiếu NVLH2123014 số 244/NQ-ĐDNSHTP phát hành ngày 9/12/2022.

Doanh  nghiệp của tỷ phú Bùi Thành Nhơn lên tiếng về sự kiện vi phạm nghĩa vụ trái phiếu

Doanh  nghiệp của tỷ phú Bùi Thành Nhơn lên tiếng về sự kiện vi phạm nghĩa vụ trái phiếu

Novaland cho rằng "thông báo sự kiện vi phạm nghĩa vụ theo trái phiếu NVLH2123014 của PSI là chưa phù hợp với các quy định tại các Văn kiện trái phiếu có liên quan".

Hiện, doanh nghiệp đang trong quá trình làm việc với PSI để yêu cầu gỡ bỏ thông báo này và tích cực làm việc cùng nhau để đưa ra các phương án phù hợp, đảm bảo quyền lợi của các trái chủ.

Tổng giám đốc EVN lên tiếng về khoản lỗ hơn 31.000 tỷ đồng

Ông Trần Đình Nhân - Tổng Giám đốc EVN - giải trình về khoản lỗ 31.000 tỷ đồng trong năm 2022 tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2022, phương hướng nhiệm vụ năm 2023 của Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (DN) vừa diễn ra.

Theo ông Nhân, 2022 là một năm hết sức khó khăn đối với EVN và các đơn vị thành viên. Doanh thu toàn tập đoàn năm 2022 ước đạt 460,73 nghìn tỷ đồng, tăng 4,31% so năm 2021 và vượt kế hoạch năm. Doanh thu công ty mẹ EVN ước đạt 385,3 nghìn tỷ đồng, đạt 101% kế hoạch và tăng 11,28% so năm 2021. Giá trị nộp ngân sách năm 2022 toàn tập đoàn ước đạt 22.500 tỷ đồng.

Tuy nhiên, do biến động giá nhiên liệu (than, dầu, khí) thế giới làm cho chi phí mua điện của EVN tăng rất cao, ảnh hưởng đến kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2022, ước lỗ 31.360 tỷ đồng. Công ty mẹ EVN lỗ do nguyên nhân khách quan ảnh hưởng trực tiếp từ việc tăng giá đầu vào của chi phí nhiên liệu, đồng thời EVN trích lập dự phòng cho khoản lỗ của các công ty con. EVN đã báo cáo Chính phủ, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN và các Bộ ngành cho điều chỉnh giá điện trong năm 2022 để có thể cân đối tài chính của EVN trong những năm tới.

“Chúng tôi đạt kế hoạch sản lượng, doanh thu nhưng kết quả kinh doanh vẫn lỗ. Hiện nay, giá than nhập khẩu tăng 6 lần so với đầu năm 2021 và tăng 3 lần so với đầu năm 2022. Việc tăng thêm này khiến chi phí của EVN tăng lên 47.000 tỷ đồng trong năm 2022. Giá khí ăn theo giá dầu tăng 5.500 tỷ đồng. Hiện nay, mỗi kWh điện bán ra EVN lỗ 180 đồng”, ông Trần Đình Nhân cho biết.

Trước thực tế trên, EVN kiến nghị Ủy ban chính thức xác nhận EVN lỗ do nguyên nhân khách quan. Năm 2023 nếu không được điều chỉnh giá bán lẻ điện, EVN tiếp tục lỗ.

Nguồn: [Link nguồn]

Thái Lan bị ”hét giá” bản quyền AFF Cup bao nhiêu mà khán giả phải xem ké Việt Nam?

Hiện nay, Thái Lan là 1 trong 2 quốc gia ở Đông Nam Á chưa có bản quyền truyền hình AFF Cup.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Xuyến Chi ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN