Đẹp thôi, đừng đẹp phi lý
Buổi sáng, cái thú ăn sáng một nơi, cafe một nẻo đúng kiểu thời gian thủng thẳng của ngày còn chưa phải lo mưu sinh là gì đã không còn nữa rồi. Ngoảnh đi ngoảnh lại, cũng đã gần 30 năm giã từ thói quen ấy. Công việc bộn bề với bao nhiêu trách nhiệm và áp lực đã khiến chàng trai nhàn nhã biếng lười biến mất.
Không còn cái cảnh sớm ngày ra chọn một tiệm nào đó kiếm món lót dạ rồi sau đó ngậm tăm thủng thẳng dong xe chạy sang con phố khác, nhiều khi cách xa đến cả nửa thành phố, để ngồi nhâm nhi tách cafe. Bây giờ, mọi thứ cần phải giản tiện lại hết. Mỗi sáng có chừng ấy thời gian thôi, chừng 30 phút, và việc ăn sáng lẫn cafe phải được gói gọn trong đó. Thế nên, lựa chọn luôn được ưu tiên cho một quán cafe nào gần sở làm, sạch sẽ, cafe ngon và có kèm thêm đồ điểm tâm, không cần quá xuất sắc, miễn đa dạng và vừa túi tiền là đủ.
Nhiều người chắc cũng có ưu tiên lựa chọn như thế, và chắc chắn, họ cũng sẽ có cho mình một danh sách vài quán quen để thay đổi, để phòng hờ. Tôi may mắn vì cơ quan nằm ngay giữa trung tâm thành phố, ở chỗ quần tụ quá nhiều quán cafe sang hèn đủ cả. Đếm sơ sơ, quanh cơ quan tôi, ở một bán kính thả bộ chừng năm phút thôi, con số quán cafe ngồi được cũng phải lên tới hơn hai chục. Trong số ấy có một quán sang thật sang mà chỉ khi nào cần tiếp khách quan trọng tôi mới ghé ăn sáng vì nó tính tiền đắt quá. Nhẹ nhàng, hai người điểm tâm kèm tách cafe cũng có khi tốn cái “bill” gần triệu bạc. Sang chảnh phát rùng mình.
Hôm nay có khách quan trọng nên tôi phải nghiến răng chui vào cái sang chảnh rùng mình đó. Thôi thì bỏ con săn sắt mà bắt con cá rô. Chịu khó tốn kém vài lần cho mấy cái “bill” chặt chém nhân danh sự tao nhã biết đâu lấy được cái dự án thơm tho kiếm đủ tiền xài cả năm. Coi như là đầu tư đi. Có lỗ thì mình ít ra cũng hưởng một nửa.
Tôi và khách ngồi đối diện nhau trong khoảng sân nho nhỏ, nhìn sang phía bên kia là một công trình văn hóa đang được trùng tu kéo dài mấy năm trời. Khách gọi phở còn tôi gọi mì Quảng. Tự nhiên, nhìn vào thực đơn, thấy tô mì Quảng lại nhớ quê ngoại vô chừng. Nhớ thì gọi thôi. Quán này thực ra bếp cũng kha khá nên chắc chắn là không phải ăn một thứ gì quá tệ rồi.
Khi hai phần điểm tâm sáng được bưng ra, cái hương vị bốc lên từ làn khói nóng nghi ngút đã đủ cho tôi cảm thấy tin tưởng rằng mình sắp được ăn một thứ gì đó ngon lành, đáng đồng tiền bát gạo. Nhưng khi cô bé phục vụ bàn rời đi rồi, nhìn hai cái đĩa lót hai tô đồ ăn cùng cách bài trí, tôi không tài nào lý giải nổi tại sao mình phải trả một khoản tiền đắt đến như thế cho một bữa ăn sáng thực ra là chỉ tốn bằng một phần tư số tiền này thôi ở một nơi khác, cũng lịch sự và sạch sẽ. Và tôi biết đây là thói quen đã ăn vào vô thức của nhân viên chuỗi quán này. Cái tô được bài trí rất đẹp, các phụ kiện đi kèm được bài trí cũng rất đẹp, với đầy vẻ sang trọng, tao nhã đúng tinh thần đẳng cấp. Chỉ mỗi tội, muốn bắt đầu dùng món, cả tôi lẫn khách của tôi phải loay hoay xoay lại phần ăn của mình. Đơn giản, nhân viên phục vụ không bao giờ để ý đến chuyện cái phần đồ ăn mà họ phục vụ khách hàng có được đặt đúng hướng tiện dụng nhất cho khách hay không. Và đây không phải là lần đầu tiên chuỗi quán này phục vụ thiếu chu toàn như thế. Dường như nó đã thành một tập quán xấu để cái đẹp mà họ trưng trổ ra là một cái đẹp phi lý, sự phi lý của một dịch vụ được xem là cao cấp nhưng chưa bao giờ trọn vẹn trong khả năng có thể.
Nghĩ về cái đẹp không trọn vẹn, đẹp không chu toàn, đẹp mà phi lý ấy của dịch vụ ăn uống ở các đô thị lớn của Việt Nam, tôi giật mình nhận ra là có không ít quán hàng đang sa vào cái lỗi tưởng chừng rất nhỏ này. Như một tiệm cơm văn phòng thuộc diện cũng khá cao cấp ở quận 3 chẳng hạn. Tôi nhớ, tiệm đó luôn phục vụ đồ ăn cho khách trên một cái khay sơn mài rất tinh tế. Ấy nhưng dịch vụ cuối cùng lại không tinh tế chút nào. Người bài trí đồ ăn không bao giờ đặt mình vào vị trí của khách dùng bữa nên do đó, cái chỗ để cơm, cái chỗ đặt chén canh, cái chỗ đặt dĩa đồ xào và dĩa đồ ăn mặn luôn không hợp lý chút nào. Để rồi mỗi khi khách dùng bữa, khách luôn phải tự tay sắp xếp lại theo đúng một trình tự của bữa ăn Việt đúng nghĩa.
Rồi còn cả một chuỗi phở tái lăn cũng lừng danh mới được đưa từ Hà Nội vào TP Hồ Chí Minh cách đây vài năm nữa. Bạn tôi có hùn hạp để mở chuỗi này và không biết bao nhiêu lần tôi đã góp ý về cái tô phở mà bạn lựa chọn. Cái tô ấy đẹp vô cùng nhưng nó phi lý khi dùng để ăn phở. Nó là một cái tô chiết yêu, thứ dùng phù hợp với bún ốc hơn. Khi dùng với phở, nó khiến nước dùng nguội đi rất nhanh và tô phở không còn cái ngon vốn dĩ chỉ sau khi khách dùng mới được một phần ba. Tôi hình dung, nếu bán ở Hà Nội, giữa một sớm đông giá rét, khả năng rất cao là tô phở ấy có thể đóng váng đông mỡ khi khách dùng chưa kịp bước vào chặng “nước rút”. Mà công nhận là cái tô ấy đẹp thật. Nhưng rõ rành rành, cái vẻ đẹp của nó phi lý quá khi bị đặt vào sai “bối cảnh món ăn”.
Mới đây thôi, một người anh Việt kiều Đức kể với tôi đại ý rằng người Việt ở hải ngoại mở bếp ăn thường nấu giỏi hơn ngay cả các bếp bản địa ở quy mô những nhà hàng bình dân. Cơ bản, bếp Việt luôn có sáng tạo riêng khiến cho món ăn của họ có điểm khác biệt lớn so với đối thủ bản xứ. Nhưng cũng chính anh nói, cái tinh tế dịch vụ thì ta thua họ, cái tầm nhìn xa thì ta chưa bằng họ. Nói theo cách khác, đó chính là ta chưa đủ độ kỹ lưỡng để làm dịch vụ của mình hoàn hảo hơn, khiến cho người sử dụng cảm thấy họ không có lý do nào để bực bội, để rời bỏ một tiệm nấu ăn cũng ra trò.
Ai cũng hiểu, thời đại này khách hàng đâu chỉ cần ăn ngon đơn thuần mà họ còn cần ăn mạnh khoẻ, ăn sạch sẽ, ăn đẹp hay thậm chí là ăn cầu kỳ. Nhưng cái đẹp nếu không được sắp đặt một cách có lý, nó rất dễ có thể khiến người sử dụng bị ác cảm.
Và bạn, có bao giờ bạn ăn một miếng ngon xong nhưng trong lòng vẫn ấm ức với câu hỏi kiểu như “Chẳng hiểu cầu kỳ thế để làm gì khi mà nó bất tiện đến vô cùng?”. Tôi tin, ít nhất trong một tháng, bạn sẽ gặp một lần phải tự băn khoăn như thế. Tất nhiên, đó là khi bạn không quá vội để bỏ quên phần thưởng thức và chỉ tập trung vào chuyện qua bữa cho rồi…
Nguồn: [Link nguồn]