Vụ tăng cước 3G: Nhà mạng được nước làm tới?

Rất nhiều chủ thuê bao tỏ rõ thái độ không hài lòng vì giá cước 3G đồng loạt tăng đột biến lên thêm 40% trên cả 3 nhà mạng lớn là Viettel, Mobifone, và VinaPhone.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn báo chí mới đây về việc tăng giá cước 3G, lý do được nhà mạng đưa ra cho hành động này đơn giản là giá hiện tại đang ở dưới giá thành. Không chỉ vậy, các nhà mạng cũng đồng thanh than lỗ. Theo tính toán của các nhà mạng, doanh thu từ dịch vụ 3G trong năm 2013 ước chừng 7.200 tỉ đồng. Nguồn thu này chỉ chiếm khoảng 10% doanh thu dịch vụ di động. Theo đánh giá của phòng giá cước và khuyến mãi cục Viễn thông, bộ Thông tin và Truyền thông (bộ TT & TT), tuỳ theo gói, giá bán dịch vụ 3G chỉ bằng 35% đến 62% giá thành.

Vụ tăng cước 3G: Nhà mạng được nước làm tới? - 1

Tăng giá cước 3G: "Nghẹn luôn chứ ở đó mà trôi".

Nếu so sánh với tình hình giá xăng dầu thời gian gần đây, chúng ta dễ dàng nhận thấy cả hai đều có một kịch bản khá giống nhau: so sánh với giá ở các quốc gia khác, rồi bảo thấp hơn và muốn cân bằng lại; sau đó bổ sung thêm lý do đã và đang thua lỗ trong một khoảng thời gian dài, không thể bù lỗ được nữa, và… tìm mọi cách tăng giá càng nhanh càng tốt. Tất nhiên, người dùng sẽ la trời, nhưng rồi cũng phải ngoan ngoãn chấp nhận, bởi đó là những nhu cầu tất yếu của cuộc sống hiện đại.

Có vấn đề?

Xét về giá cước 3G, Bộ TT & TT chính là đơn vị có trách nhiệm quản lý và đưa ra các quyết định liên quan. Do vậy, khi được bộ TT & TT phê duyệt thì các nhà mạng đã có thể quang minh chính đại tăng giá cước. Nếu tinh ý, không khó để nhận ra rằng, nhà mạng đưa câu “Được sự đồng ý của Bộ Thông tin và Truyền thông…” lên đầu trong tin nhắn thông báo tới khách hàng về việc tăng giá cước. Vô hình trung, người dùng sẽ nghĩ tới đó là một vấn đề tất yếu của quốc gia chứ không hẳn chỉ là vấn đề phát sinh từ phía nhà mạng.

Vụ tăng cước 3G: Nhà mạng được nước làm tới? - 2

Khóc vì chưa kịp hủy gói cước trước "bão giá 3G đổ bộ".

Blogger Tuấn Tr… chia sẻ: “Những số liệu về doanh thu, lợi nhuận âm từ dịch vụ 3G liệu xác thực tới đâu? Có chăng là những số liệu ma như nghi vấn đối với điện nước, xăng dầu? Trong kinh doanh, việc vô tình hay cố ý tính toán sai lệch để làm thay đổi một con số không hề khó”.

Tuy nhiên, chúng ta cứ tạm xem những con số thống kê là thật. Nếu là thật thì câu hỏi đặt ra là: “Anh kinh doanh, anh thiết lập nên hệ thống cơ sở hạ tầng, rồi triển khai dịch vụ để bán, anh sẽ phải cân nhắc để đưa ra gói cước thế nào cho hợp lý, tức vừa có lợi cho doanh nghiệp, vừa phù hợp với khách hàng. Tuy nhiên, sau một thời gian anh quay lại bảo “Tôi bị lỗ lâu quá rồi!”. Liệu có bao nhiêu khách hàng tin vào việc một doanh nghiệp lớn tính toán sai ngay từ đầu? Trong khi đó, tỉ lệ người dùng smartphone tại Việt Nam là rất lớn, và có khoảng 10 triệu thuê bao thường xuyên sử dụng các gói cước 3G của nhà mạng theo đúng quy định (trong tổng số 20 triệu thuê bao đã kích hoạt 3G), chứ không có chuyện “ế hàng” ở đây. Đặc biệt, khi các chương trình nghe gọi miễn phí trên smartphone như Viber, Zalo ra đời thì khách hàng càng cần tới gói cước 3G hơn bao giờ hết”, blogger Tuấn Tr… tiếp tục phân tích.

Chất lượng vẫn kém?!

Thực tế, nhiều người dùng cũng tỏ ra cảm thông và sẵn sàng chấp nhận giá cước mới (tăng 40% so với hiện tại), nhưng họ khá bức xúc trước chất lượng dịch vụ ngày càng đi xuống. Các nhà mạng còn so sánh giá cước ở Việt Nam với các nước khác trong khu vực để chỉ ra rằng giá cước ở Việt Nam là quá rẻ. Nhưng xét tổng thể, giá thành một dịch vụ được chi phối bởi nhiều yếu tố, trong đó có sự đầu tư của doanh nghiệp vào dịch vụ mà họ đang cung cấp. Vậy, số tiền mà các nhà mạng trong nước đầu tư cho cơ sở hạ tầng như thế nào so với các nước khác trong khu vực? Không cần câu trả lời ngay lập tức, nhưng chúng ta có thể nhìn vào chất lượng dịch vụ để hiểu phần nào vấn đề.

Trong những ngày qua, đã có rất nhiều trang tin cùng la trời vì việc tăng giá cước của nhà mạng, nhưng rồi giá tăng thì vẫn sẽ tăng, nhà mạng thì “giả câm giả điếc” để thu về thêm 1.500 tỉ đồng mỗi tháng vì họ đang làm kinh doanh. Còn người dùng chắc cũng không ngại bỏ thêm khoảng 10.000 đến 20.000 đồng mỗi tháng để tiếp tục duy trì gói cước đã và đang sử dụng trước nay.

Song người dùng nên cân nhắc tới khoản tiền bỏ ra cho một dịch vụ, nó phải hài hòa giữa cung và cầu. Khi số tiền bỏ ra nhiều hơn thì yêu cầu tất yếu là dịch vụ phải có chất lượng hơn. Trong lúc “Cước 3G: Giá tăng, chất lượng ở lại?” mà nền kinh tế lại đang khó khăn như hiện nay, người dùng hãy tiết kiệm bớt chi phí này, tận dụng mạng ADSL, cáp quang và Wi-Fi.

Ngoài một số công việc đặc thù phải truyền tải dữ liệu, check email 24/24 ở những nơi không có internet thì hầu hết người dùng đều làm việc trong những tòa nhà có sóng Wi-Fi, vậy thì cớ sao phải chi tiền cho một dịch vụ chưa xứng đáng, như một Facebooker chia sẻ: “Cước 3G tăng 40%!!! Sẽ không có “ngu phí” nào nữa đâu nhé!”. Riêng đối với các nhu cầu giải trí, như lướt Facebook, duyệt web,… người dùng nên cân nhắc cắt giảm, cũng như hình thành thói quen bớt bị phụ thuộc vào thiết bị công nghệ khi nó không phải là điều thật sự cần thiết trong đời sống thực của bạn.

Vụ tăng cước 3G: Nhà mạng được nước làm tới? - 3

Cư dân mạng hướng dẫn nhau cách hủy gói cước 3G của Mobifone: "HUY DATA gửi 999".

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Ngọc Phạm ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN