Tiền mã hóa và tiềm năng viện trợ cho Afghanistan trong khủng hoảng

Sự kiện: Tiền ảo

Với nền kinh tế Afghanistan khủng hoảng nghiêm trọng và nhiều ngân hàng đóng cửa, một số tổ chức nhân đạo đang xem xét dùng tiền mã hóa để hỗ trợ người dân tại đây.

Khi Taliban kiểm soát hoàn toàn Afghanistan vào tháng 8/2021, Fereshteh Forough lo sợ rằng chính quyền Taliban sẽ đóng cửa trường học của cô tại Herat, thành phố lớn thứ ba của quốc gia này. Tổ chức phi chính phủ (NGO) mang tên Code to Inspire do Forough sáng lập vào lúc đó đang thực hiện đào tạo lập trình cho thanh thiếu niên nữ tại Afghanistan, trong khi Taliban lại có khuynh hướng chống lại giáo dục trung học cho nữ sinh. 

Vài tháng sau, tình hình trở nên xấu đi so với những gì Forough tưởng tượng. Trường học của cô vẫn tồn tại và chủ yếu dạy trực tuyến, nhưng lại từ một trường học dạy lập trình biến thành một tổ chức cứu trợ nhân đạo. Rủi ro lớn nhất đối với học sinh của Forough không phải là thiếu giáo dục mà là thiếu lương thực và thực phẩm. Cô Forough vào lúc đó phải nỗ lực tìm kiếm cách hỗ trợ tiền bạc khẩn cấp cho học sinh của mình, nhưng lại gặp trở ngại từ phía các ngân hàng không muốn vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ. 

Theo Forough, JPMorgan Chase đã nhiều lần chặn lệnh chuyển tiền của cô. Cùng lúc đó, học sinh của cô nói rằng họ không thể rút tiền mặt tại các ngân hàng Afghanistan - nhiều ngân hàng đã đóng cửa hoặc giới hạn số tiền được rút. Forough cuối cùng lại tìm được một giải pháp khác - sử dụng tiền mã hóa để gửi tiền khẩn cấp nhằm giúp các học sinh có tiền mua lương thực. 

Một lớp học của Code to Inspire. Ảnh: Code to Inspire. 

Một lớp học của Code to Inspire. Ảnh: Code to Inspire. 

Gia đình của Forough đã rời khỏi Afghanistan đầu những năm 1980 khi Liên Xô còn đang chiếm đóng quốc gia này, và hiện đang sống tại bang New Hampshire (Mỹ). Forough giải thích: “Kể từ tháng 9, chúng tôi đã gửi khoảng 200 USD mỗi tháng tới mỗi gia đình, do phần lớn học sinh của chúng tôi nói rằng người thân của chúng đã mất việc làm. Những học sinh ấy là người duy nhất có thể nuôi sống gia đình.” Tổ chức Code to Inspire gửi tiền thông qua BUSD, một loại stablecoin (tiền ổn định) được đảm bảo bằng USD, và sau đó những học sinh nhận được tiền sẽ đổi loại tiền này ra đồng Afghani chính thức của Afghanistan.  

Sử dụng tiền mã hóa đem lại một số lợi ích nhất định. Những người Afghanistan chạy trốn Taliban có thể đem tài sản đi theo mình mà gần như không gặp rủi ro. Những tổ chức nhân đạo muốn tránh các ngân hàng và Taliban có thể gửi tiền trực tiếp cho người đang cần giúp đỡ. Bọn buôn lậu và các bên trung gian sẽ khó đánh cắp hoặc đem bán lại hàng cứu trợ sẽ khó làm vậy hơn nếu số tiền hỗ trợ được chuyển trực tiếp cho người nhận thông qua tiền mã hóa. 

Tuy Code to Inspire là một tổ chức chuyên về công nghệ hơn so với phần lớn các tổ chức khác tại Afghanistan, Fereshteh Forough không phải là người duy nhất nghĩ rằng công nghệ blockchain có thể giúp người dân Afghanistan trong cuộc khủng hoảng kinh tế chưa từng có tiền lệ tại quốc gia này.  

Một số NGO và tổ chức nhân đạo khác - đứng trước lựa chọn giữa các ngân hàng đang bị chính sách trừng phạt kìm kẹp và mạng lưới những người chuyển tiền phi chính thức (hawala) có khả năng liên quan đến hoạt động buôn bán ma túy và chính Taliban - đang xem xét dùng tiền mã hóa làm phương tiện chuyển tiền thay thế. 

Một luật sư ẩn danh người Mỹ hiện đang tư vấn cho các tổ chức quốc tế tại Afghanistan nói rằng các khách hàng của mình đang tiến gần hơn với việc thử nghiệm thanh toán bằng tiền mã hóa. Một số tổ chức khác lại đang có những bước đi công khai hơn nhằm dùng tiền mã hóa hỗ trợ cho người Afghanistan. 

Sanzar Kakar, một người Mỹ gốc Afghan và có kinh nghiệm làm việc trong các dự án thương mại tại Afghanistan, đã tạo ra một ứng dụng tên HesabPay năm 2019 nhằm giúp người dân Afghanistan chuyển và nhận tiền dễ dàng hơn. Kakar hiện đang thiết lập các cửa hàng đổi tiền mà tại đó người dân Afghanistan có thể lấy mã QR nhận tiền hoặc đổi tiền mã hóa sang tiền pháp định như Afghani. Anh cho biết: “Bạn có thể chuyển và nhận tiền ra nước ngoài mà không cần động đến ngân hàng, chính phủ Afghanistan hay Taliban. Tất cả là nhờ mạng lưới blockchain.”

Giữa lòng thảm họa kinh tế đang ngày càng trầm trọng tại Afghanistan là một cuộc khủng hoảng thanh khoản. Sau khi quân Mỹ rút khỏi Afghanistan vào tháng 8/2021, quốc gia này gần như bị cô lập qua đêm. Chính phủ Mỹ tịch thu tài sản từ ngân hàng trung ương của Afghanistan và chấm dứt chuyển tiền bằng đồng USD. Các công ty tại Ba Lan và Pháp trước đó nhận hợp đồng in tiền Afghani ngừng chuyển tiền. Hiệp hội Viễn thông Tài chính Liên ngân hàng Toàn cầu (SWIFT), tổ chức đứng sau mạng lưới giao dịch tài chính toàn cầu, ngừng dịch vụ tại Afghanistan. Các ngân hàng thương mại không thể cho vay trong khi người mở tài khoản cá nhân không thể rút tiền của mình ra khỏi ngân hàng.  

Việc nhiều tổ chức và doanh nghiệp quốc tế dừng giao dịch với Afghanistan do lo ngại vi phạm lệnh trừng phạt với Taliban đã khiến nền kinh tế quốc gia này gần như ngưng trệ hoàn toàn. Trước khi quân Mỹ rời đi hoàn toàn, gần 80% ngân sách của Afghanistan đến từ nguồn viện trợ nước ngoài. 

Dòng người Afghanistan đứng chờ trước cửa một ngân hàng. Ảnh: AP.

Dòng người Afghanistan đứng chờ trước cửa một ngân hàng. Ảnh: AP.

Chính phủ của tổng thống Mỹ Joe Biden đã ra một số ngoại lệ dành cho viện trợ nhân đạo trong chính sách trừng phạt đối với Taliban. Tuy nhiên, chính sách này lại không có hiệu quả trong việc giảm thiểu cuộc khủng hoảng hiện tại. Lý do là vì nhiều thành viên cấp cao của Taliban bị trừng phạt hiện đang nắm giữ các chức vụ cao trong chính phủ Afghanistan, do đó các ngân hàng thường xuyên chặn giao dịch đến Afghanistan do lo ngại bất cứ khoản thuế và phí nào phát sinh có thể vi phạm lệnh trừng phạt. Chi phí thi hành lệnh trừng phạt đã gây tổn hại đáng kể đến khả năng kinh doanh bình thường của người dân Afghanistan, dẫn đến tỉ lệ thất nghiệp cao cùng giá lương thực và nhiên liệu liên tục tăng. 

Những báo cáo mới đây càng cho thấy hậu quả thảm khốc của khủng hoảng kinh tế tại Afghanistan. Theo UNICEF, khoảng 3,2 triệu trẻ em Afghanistan có nguy cơ suy dinh dưỡng và hơn 1 triệu trẻ em có nguy cơ tử vong sớm do thiếu ăn. Một ước tính khác của Liên Hợp Quốc cho rằng chỉ khoảng 2% dân số 40 triệu người của Afghanistan đang đủ ăn. Một số gia đình còn phải gả con mình dù chưa đến tuổi để có tiền mua thức ăn. 

Đối mặt với tình trạng kinh tế như vậy, vẫn còn nhiều thách thức khó khăn trong việc sử dụng tiền mã hóa trong thanh toán và giao dịch. Kevin Schumacher từ tổ chức Women for Afghan Women cho biết: “Chúng tôi đã xem xét lựa chọn này, nhưng cuối cùng thấy nó không phù hợp. Làm thế nào để trả lương cho 1100 nhân viên tại 16 tỉnh của Afghanistan bằng tiền mã hóa khi nhiều người trong số đó không biết đọc hoặc viết?”

Schumacher nói thêm: “Ngay cả biến động nhỏ nhất về tỉ giá tiền mã hóa có thể xóa đi hàng nghìn USD trong sổ sách của chúng tôi.” Ông e ngại rằng Bộ Tài chính Mỹ và Sở Thuế vụ (IRS) cũng sẽ có vấn đề với các báo cáo kiểm toán bao gồm thanh toán bằng tiền mã hóa, bên cạnh thực tế rằng vô cùng ít công ty và nhà cung ứng tại Afghanistan hiểu và dùng tiền mã hóa. 

Kakar và Forough cho rằng có thể giảm thiểu rủi ro từ tỉ giá biến động bằng cách sử dụng các stablecoin được bảo đảm bằng USD và ít lên xuống hơn Bitcoin hay Ethereum. Bên cạnh đó, công ty HesabPay của Kakar còn sử dụng công nghệ nhận diện khuôn mặt và một số bước khác nhằm nhận diện người dùng và duy trì bảo mật. Bước đi này còn để giúp thuyết phục những cơ quan như Bộ Tài chính Mỹ rằng số tiền được chuyển không được dùng cho mục đích khủng bố. 

Ứng dụng thanh toán điện tử HesabPay. 

Ứng dụng thanh toán điện tử HesabPay. 

Rahilla Zafar, một cựu nhân viên viện trợ người Mỹ tại Afghanistan, hiện đang làm việc cho quỹ Crypto for Afghanistan nhằm gây quỹ cho các dự án nhân đạo thông qua tiền mã hóa. Theo Zafar, những tổ chức đóng góp từ Mỹ vẫn lo ngại về việc vô ý vi phạm lệnh trừng phạt. Nasrat Khalid, người sáng lập trang web hỗ trợ và thương mại điện tử cho người Afghanistan ASEEL, nói rằng ASEEL chỉ có thể mua và chuyển các gói hỗ trợ đến Afghanistan thay vì cung cấp trực tiếp tiền mặt do các lệnh trừng phạt. 

Dù còn một số rào cản, việc sử dụng tiền mã hóa tại Afghanistan vẫn được coi là có ưu điểm so với tình trạng hiện tại. Zafar nhớ lại những lần phiến quân tiến hành chặn cướp các xe chở tiền mặt tại Afghanistan nhiều năm trước, trong khi Forough nói rằng tài khoản ngân hàng của chị cô bị Taliban khóa do đã làm việc với các tổ chức phương Tây. Với tiền mã hóa, trường học nhỏ bé của Forough vẫn còn cơ hội sống sót và tiếp tục tạo ra những nữ lập trình viên mới tại đất nước này. 

Nguồn: [Link nguồn]

Trung Quốc nhiều khả năng sẽ không cấm NFT như đã cấm tiền mã hóa

Chính phủ Trung Quốc sẽ thận trọng theo dõi thị trường NFT, nhưng nhiều khả năng sẽ không cấm hoàn toàn loại tài sản...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Tùng Phong (theo The Intercept) ([Tên nguồn])
Tiền ảo Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN