Thủ tướng: Phải có ít nhất 3 mạng di động để cạnh tranh
Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Quy hoạch phát triển viễn thông quốc gia đến năm 2020. Theo đó, ở mỗi dịch vụ viễn thông quan trọng như di động, Internet băng rộng, cố định đường dài và quốc tế phải có ít 3 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ để đảm bảo cạnh tranh.
Theo Quy hoạch phát triển viễn thông quốc gia đến năm 2020 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, sẽ phải đảm bảo thị trường viễn thông phát triển bền vững theo hướng chất lượng, hiệu quả trên cơ sở tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh. Vì vậy, đối với mỗi thị trường dịch vụ viễn thông quan trọng như di động, Internet băng rộng, cố định đường dài và quốc tế phải có ít 3 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ để đảm bảo cạnh tranh. Việc tạo ra thị trường cạnh tranh đối với dịch vụ di động, Internet băng rộng, cố định đường dài và quốc tế sẽ thông qua các chính sách cấp phép, kết nối, kiểm soát bình ổn thị trường và quy hoạch tài nguyên phù hợp. Bên cạnh đó, thông qua các biện pháp này để đảm bảo tránh được sự tham gia quá nhiều, đặc biệt là của các doanh nghiệp nhà nước đầu tư ngoài ngành vào lĩnh vực viễn thông dẫn đến cạnh tranh quá mức và hiệu quả kinh doanh trên thị trường thấp.
Nếu sáp nhập VinaPhone và MobiFone sẽ có thể phá vỡ quy hoạch phát triển viễn thông mà Thủ tướng đã phê duyệt
Bản quy hoạch này cũng đưa ra mục tiêu phải phát huy nội lực, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế tham gia phát triển viễn thông thông qua chính sách cấp phép kinh doanh viễn thông và từng bước cổ phần hóa các doanh nghiệp viễn thông mà Nhà nước không cần nắm cổ phần chi phối. Mặt khác, để phát triển thị trường viễn thông theo định hướng xã hội chủ nghĩa và đảm bảo an ninh kinh tế trong hoạt động viễn thông, Nhà nước tiếp tục nắm cổ phần chi phối trong một số doanh nghiệp cung cấp dịch vụ có hạ tầng mạng có tầm quan trọng đặc biệt đối với hoạt động của toàn bộ cơ sở hạ tầng viễn thông quốc gia và ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh của đất nước.
Bên cạnh đó, sẽ tổ chức lại các doanh nghiệp viễn thông, đặc biệt là các doanh nghiệp nhà nước hoạt động không hiệu quả, theo hướng cho phép chuyển giao, mua bán, sáp nhập các doanh nghiệp viễn thông nhằm hình thành 3-4 tập đoàn, tổng công ty mạnh hoạt động theo hướng chuyên môn hóa, chuyên nghiệp hóa trên cơ sở sử dụng hiệu quả hạ tầng cơ sở, nguồn lực và tài nguyên viễn thông một cách hợp lý để chống xu hướng độc quyền hóa trong hoạt động viễn thông.
Trước đó, khi xây dựng quy hoạch này, ông Phạm Hồng Hải, Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ TT&TT) cho biết, để phát triển bền vững và hiệu quả, phải có ít nhất 3 doanh nghiệp viễn thông có thị phần tương đồng để tạo thành thế chân vạc trên thị trường. Ông Phạm Hồng Hải ví dụ nếu chỉ có 2 doanh nghiệp có thị phần lớn và 1 doanh nghiệp chiếm thị phần nhỏ thì cũng sẽ không thể tạo nên môi trường cạnh tranh lành mạnh.
Như vậy, trước mắt Quy hoạch phát triển viễn thông quốc gia đến năm 2020 sẽ là cơ sở quan trọng trong việc tái cơ cấu VNPT và liên quan đến việc có sáp nhập hai mạng di động VinaPhone và MobiFone hay không. Nhưng nếu sáp nhập VinaPhone và MobiFone lại sẽ tạo ra thị trường di động nằm trong tay hai đại gia là Viettel và VNPT chiếm tới 95% thị phần. Trong khi đó thị trường di động đang chuẩn bị cho "sự ra đi" tiếp theo của các mạng nhỏ. Như vậy, quy hoạch này của Thủ tướng có nguy cơ bị phá vỡ.
Ở góc độ khác, ông Vũ Bá Phú, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Cạnh tranh cho biết, nếu VNPT muốn sáp nhập VinaPhone và MobiFone sẽ nằm trong nhóm các hành vi tập trung kinh tế bị cấm. Cụ thể, điều 18 của Luật Cạnh tranh có quy định cấm tập trung kinh tế nếu thị phần kết hợp của các doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế chiếm trên 50% trên thị trường liên quan. Trong khi đó, nếu VinaPhone và MobiFone tập trung lại sẽ có thị phần trên 50% nên sẽ vi phạm điều luật này. Vì vậy, ông Vũ Bá Phú cho rằng, nếu VNPT vẫn muốn được chấp thuận thì sẽ phải xin được miễn trừ đối với trường hợp này. Cụ thể, tại điều Điều 19 của Luật Cạnh tranh đưa ra 2 trường hợp miễn trừ đối với tập trung kinh tế bị cấm. Thứ nhất, sẽ được áp dụng đối với trường hợp một hoặc nhiều bên tham gia tập trung kinh tế đang trong nguy cơ bị giải thể hoặc lâm vào tình trạng phá sản. Thứ hai là việc tập trung kinh tế có tác dụng mở rộng xuất khẩu hoặc góp phần phát triển kinh tế - xã hội, tiến bộ kỹ thuật, công nghệ. “Như vậy, VNPT sẽ phải làm hồ sơ đề nghị được miễn trừ và trình Cục Quản lý Cạnh tranh của Bộ Công thương. Bộ TT&TT và Bộ Công thương cũng sẽ xem xét trường hợp sáp nhập của VNPT có thuộc loại được miễn trừ hay không. Sau đó Bộ Công thương sẽ trình Thủ tướng quyết định về việc miễn trừ này”, ông Vũ Bá Phú nói.
Như vậy, sẽ khó khăn cho VNPT nếu muốn sáp nhập hai mạng di động VinaPhone và MobiFone bởi những vấn đề về pháp lý. Trong trường hợp phải cổ phần hóa MobiFone và tách ra khỏi VNPT thì đây sẽ là một khó khăn lớn cho VNPT bởi nhà mạng này đang đem lại cho VNPT hơn 50% lợi nhuận. Như vậy, chắc chắn VNPT sẽ bảo vệ phương án sáp nhập hai mạng di động của mình để "an toàn" cho bản thân doanh nghiệp này trong một vài năm tới.