Rộ nạn chia sẻ mã khóa để “xem chùa” World Cup 2018 qua vệ tinh

Một số hội, nhóm kín trên Facebook đã chia sẻ mã khóa các kênh VTV trên băng tần C Vinasat 1, sau đó nhiều người dùng đầu thu vệ tinh chuyên dụng để mở khóa kênh VTV đã khóa mã để "xem chùa" World Cup 2018.

Ngay từ khi có được bản quyền World Cup 2018, VTV và HTV đã liên tục phát đi thông báo kêu gọi người dân hãy chung tay để bảo vệ bản quyền World Cup. Nhưng trên thực tế từ khi trái bóng World Cup 2018 bắt đầu lăn thì hơn 1.000 trường hợp vi phạm bản quyền đã bị phát hiện. Trong đó nhiều nhất là vi phạm livestream trên hai mạng xã hội Facebook và YouTube, vi phạm của một số trang web chuyên phát lậu các nội dung, các app OTT.

Bên cạnh đó, đáng báo động là một số trường hợp vi phạm bản quyền do tràn sóng truyền hình của HTV và VTV trên vệ tinh đã bị phát hiện. Mặc dù HTV đã thông báo không phát sóng giải bóng đá World Cup 2018 qua vệ tinh và khóa gói kênh HTV trên các hạ tầng của các đối tác và vệ tinh. Nhưng ngay đầu mùa giải, Nhóm rà soát vi phạm bản quyền đã phát hiện MobiTV (thuộc AVG) để tràn sóng tín hiệu kênh HTV thể thao, khi vào trận đấu đầu tiên được 30 phút, sau đó nhóm đã thông báo cho MobiTV để tiến hành khóa kênh. Một số trận đấu sau đó cũng phát hiện MobiTV để tràn sóng vệ tinh, sau khi được cảnh báo MobiTV lại tiếp tục khóa kênh trên vệ tinh.

Đối với các kênh của VTV phát không khóa mã trên vệ tinh Vinasat 1, VTV đã khóa mã các kênh có phát các trận đấu World Cup 2018 là VTV2, VTV3, VTV6.

Tuy nhiên, vào giữa mùa giải, Nhóm rà soát bản quyền đã phát hiện một số hội, nhóm trên Facebook chia sẻ mã khóa các kênh VTV trên băng tần C Vinasat 1, sau đó nhiều người dùng đầu thu vệ tinh chuyên dụng để mở khóa kênh VTV đã khóa mã. Không chỉ thế, một số nhóm kín trên Facebook còn chia sẻ cách thức mở khóa biss từ vệ tinh Thaicom để thu lậu sóng World Cup. Thậm chí, nhiều người còn tuyên bố không thu lậu các kênh của VTV thì không bị coi là vi phạm bản quyền. Trước tình trạng ''chia sẻ khóa các kênh VTV'' từ vệ tinh băng tần C, nhóm rà soát bản quyền đã phối hợp với VTV để đổi mã khoá, song tình trạng phá mã vệ tinh để "xem chùa" vẫn diễn ra.

Trước tệ nạn này, nhiều ý kiến cho rằng: công cụ để bảo vệ bản quyền truyền hình trên vệ tinh của các nhà đài còn yếu kém, việc phá mã không mấy khó khăn với những người am hiểu về truyền hình.

Rộ nạn chia sẻ mã khóa để “xem chùa” World Cup 2018 qua vệ tinh - 1

K+ đã để tràn sóng World Cup 2018 trong trận đấu đêm 7/7/2018.

Gần đây nhất, ngay trong đêm 7/7/2018, truyền hình K+ đã mở khóa kênh VTV2 trong lúc đang phát trực tiếp World Cup, rất may việc này được phát hiện kịp thời và sau đó K+ đã khóa lại.

Theo một người am hiểu về truyền hình, khi phát tín hiệu World Cup 2018 lên vệ tinh, các đơn vị truyền hình của Việt Nam như VTC, K+, MobiTV khóa mã tín hiệu, do đó những loại đầu thu truyền hình vệ tinh trôi nổi (không phải thuê bao của các nhà cung cấp truyền hình trả tiền) sẽ khó có thể thu được tín hiệu từ vệ tinh.

Các nước lân cận khi phát sóng lên vệ tinh họ cũng khóa mã bằng nhiều cách khác nhau, nhưng có những kênh họ khóa mã bằng mã biss đơn giản hơn, trong đó có những kênh phát sóng World Cup 2018 nên nếu ai ở Việt Nam dùng đầu thu chạy mã biss là có thể thu sóng từ vệ tinh các nước xung quanh.

Hiện trên thị trường có khá nhiều loại đầu thu chạy mã biss được bán, có một số loại đầu thu dùng Auto biss, tức là khi nhà cung cấp dịch vụ truyền hình đổi mã biss thì đầu thu sẽ tự động dò và cập nhật biss tự động. Tuy nhiên, số lượng người dùng các loại đầu thu truyền hình vệ tinh này không cao.

Gần đây trên các trang thương mại điện tử có rao bán một số loại đầu thu truyền hình vệ tinh giá rẻ, thị trường còn xuất hiện một số loại đầu thu truyền hình vệ tinh có tích hợp cả DVB-T2 và Android, tuy nhiên những loại này giá cao hơn.

Trả lời câu hỏi của ICTnews về việc hiện có một số đầu thu truyền hình vệ tinh (dùng mã biss) có thể thu sóng từ vệ tinh của Lào, Thái Lan các trận World Cup được phát lên vệ tinh. Nếu người Việt Nam thu sóng từ vệ tinh lân cận có bị coi là vi phạm bản quyền hay không?

Luật sư Phan Vũ Tuấn - Trưởng Văn phòng Luật sư Phan Law cho hay, Việt Nam, Lào, Thái Lan và một số nước lân cận là thành viên của một số điều ước quốc tế về bảo vệ quyền tác giả và quyền liên quan. Theo đó, việc bảo hộ các đối tượng quyền tác giả và quyền liên quan trong nước phải được thực hiện tương tự đối với các quốc gia thành viên nói trên.

Theo quy định của Luật sở hữu trí tuệ hiện hành, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hoá, chương trình phát sóng là những đối tượng được bảo hộ dưới hình thức quyền liên quan đến quyền tác giả và được pháp luật bảo hộ. Do đó, việc sử dụng các đối tượng này đều phải được sự cho phép từ chủ sở hữu quyền.

Như vậy có thể nói, cả hai hành vi bẻ khóa các kênh của VTV hay thu lậu từ các vệ tinh các nước xung quanh đều là hành vi vi phạm bản quyền.

FIFA bị kiện, yêu cầu bồi thường 403 tỉ đồng vì công nghệ VAR tại World Cup 2018

Đó là thông tin vừa được tờ Marca của Tây Ban Nha đăng tải.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nhóm PV ([Tên nguồn])
Internet và những hiểm họa khôn lường Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN