Dự thảo Luật An ninh mạng: Cần xem lại!

Sự kiện: Internet

Một số điều trong Dự thảo Luật An ninh mạng một lần nữa lại gây nóng dư luận vì không thực sự có lợi.

Sau 14 lần chỉnh sửa, Dự thảo Luật An ninh mạng Việt Nam do Bộ Công an chủ trì soạn thảo được đánh giá là đã hoàn thiện và chi tiết hơn. Theo lộ trình, dự thảo này sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4 và thông qua tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV.

Nhu cầu tất yếu

Trung tướng Hoàng Phước Thuận, Cục trưởng Cục An ninh mạng, Bộ Công an từng thông tin Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển và ứng dụng internet cao nhất thế giới với 58 triệu người dùng internet.

Điều đó cho thấy cùng với thế giới, Việt Nam đang tăng tốc phát triển nền kinh tế số, khai thác các ưu thế và đặc thù của không gian mạng để phát triển và "làm giàu không khó". Internet hiện nay đã trở thành "một phần tất yếu của cuộc sống" và có ảnh hưởng tới phần lớn xã hội.

Có lẽ ai cũng nhận thức được sự bức thiết phải sớm hoàn thiện cơ sở pháp lý về internet, góp phần bảo vệ an ninh quốc gia, an ninh kinh tế, an ninh chính trị và an toàn cho đời sống xã hội của đất nước và người dân. Nhưng, chính vì những đặc thù của internet mà việc quản lý nó hoàn toàn không đơn giản và không thể là chuyện của một ngành, một cơ quan, cũng như không thể đi ngược lại thông lệ quốc tế khi internet là không gian mạng toàn cầu không có khái niệm biên giới.

Dự thảo Luật An ninh mạng: Cần xem lại! - 1

Internet đã thành "món ăn" không thể thiếu của hàng chục triệu người Việt NamẢnh: TẤN NGUYÊN

Để góp phần hoàn thiện hành lang pháp lý về internet ở Việt Nam, một cuộc hội thảo của những người trong cuộc và chịu ảnh hưởng trực tiếp đã được tổ chức tại Hà Nội ngày 9-10-2017 nhằm góp ý cho Dự thảo Luật An ninh mạng. Hội thảo này do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp cùng Hội Tin học Việt Nam (VAIP), Hiệp hội Internet Việt Nam (VIA) và Hiệp hội An toàn Thông tin Việt Nam (VNISA) tổ chức. Có thể tóm lược hội thảo này với ý kiến của ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế VCCI: "Việc thiết lập hành lang pháp lý nhằm bảo đảm an ninh mạng là vô cùng cần thiết, chúng tôi hoàn toàn ủng hộ hoạt động này và sẵn sàng đóng vai trò kết nối giữa các tổ chức, cơ quan cả trong nước và quốc tế để có thể thu thập những ý kiến nhằm góp phần xây dựng một bộ luật không chỉ phù hợp với môi trường kinh tế, xã hội ở Việt Nam mà còn phù hợp với thông lệ quốc tế, thúc đẩy sự phát triển của internet và nền kinh tế số tại Việt Nam".

Nhiều chồng chéo, bất cập

Đầu tháng 11-2017, dựa trên ý kiến của giới doanh nghiệp và giới chuyên môn trong hội thảo kể trên, VCCI đã có văn bản gửi Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội để góp ý đối với Dự thảo Luật An ninh mạng. Trong đó, VCCI cũng đưa ra nhận xét về hàng loạt quy định tại dự thảo mà họ cho rằng còn nhiều bất cập, chồng chéo, bất khả thi và gây khó cho doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp quốc tế có hoạt động trên quy mô toàn cầu.

Một trong các điểm nóng nhất là khoản 4, điều 34 Dự thảo Luật An ninh mạng Việt Nam với quy định: "Các doanh nghiệp nước ngoài khi cung cấp dịch vụ viễn thông, internet tại Việt Nam phải tuân thủ pháp luật, tôn trọng chủ quyền, lợi ích, an ninh quốc gia Việt Nam, có giấy phép hoạt động, đặt cơ quan đại diện, máy chủ quản lý dữ liệu người sử dụng Việt Nam trên lãnh thổ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam...".

Việc bắt buộc phải đặt máy chủ tại Việt Nam lại là một điều bất khả thi và không thiết thực với đặc thù dịch vụ trên không gian mạng. Cụ thể là những dịch vụ xuyên biên giới như của Google, Facebook, Viber, Skype, Gmail, Yahoo Mail, Uber, Grab, YouTube, Twitter,... đều có nguy cơ phải hoạt động "bất hợp pháp" ở Việt Nam. Khi phải hoạt động "bất hợp pháp", các dịch vụ này sẽ không hợp tác với nhà cầm quyền sở tại trong việc quản lý nội dung như hiện nay đang làm - dẫu cho có thể không hoàn toàn như ý muốn của nhà chức trách.

Nhiều chuyên gia cho rằng việc đặt máy chủ dữ liệu ở đâu không quan trọng bằng việc quản lý việc sử dụng dữ liệu đó ra sao. Vì thế, thay vì chăm bẵm vào việc bắt buộc phải đặt máy chủ dữ liệu của doanh nghiệp nước ngoài ở đâu, nhà chức trách chỉ cần buộc họ phải hợp tác cung cấp dữ liệu khi cần thiết.

Ngoài ra, Dự thảo Luật An ninh mạng cũng bị cho là có những quy định chồng chéo hay trái với những luật định hiện hành. Hiện nay, việc quản lý không gian mạng ở Việt Nam đang chịu sự chi phối bởi các văn bản pháp lý như Luật An toàn thông tin mạng; Luật Viễn thông; Luật Giao dịch điện tử; Nghị định 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cùng cấp, sử dụng dịch vụ internet,… Vì thế, có những ý kiến cho rằng tốt nhất là tích hợp các nội dung của Luật An ninh mạng vào Luật An toàn thông tin mạng được sửa đổi.

Dự thảo Luật An ninh mạng do ngành công an soạn thảo nên hiển nhiên là sẽ phục vụ nhiều cho ngành công an. Thế nhưng, do vấn đề này quá rộng và có tác động tới mọi thành phần trong xã hội nên cần phải được các ngành có liên quan cùng tham gia xây dựng. Nếu cần thiết, ngành công an vẫn có thể đề nghị bổ sung những yêu cầu của mình vào các luật hiện hành.

Ông Huỳnh Ngọc Duy, Tổng Giám đốc Công ty Mắt Bão:

Làm ăn ở đâu phải có chi nhánh ở đó

Quy định doanh nghiệp đặt văn phòng, chi nhánh tại Việt Nam khi cung cấp dịch vụ là hoàn toàn hợp lý.

Bởi lẽ, doanh nghiệp nước ngoài khi hoạt động, kinh doanh và thu lợi tại thị trường Việt Nam cần phải có trách nhiệm với thị trường, với người dùng, khách hàng của mình. Việc này cũng giảm đáng kể rủi ro về gian lận thương mại, an toàn thông tin và có lợi cho cơ quan quản lý trong việc cung cấp thông tin.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu (Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP HCM):

Phải tuân thủ nguyên tắc quốc tế

Trong các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên, đặc biệt là cam kết của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đã có các quy định cụ thể liên quan đến lĩnh vực an ninh mạng. Vì vậy, khi ban hành Luật An ninh mạng, Việt Nam phải bảo đảm không quy định trái với các thỏa thuận được ghi nhận trong hai văn bản cam kết quốc tế trên.

Tuân thủ nguyên tắc quốc tế sẽ giúp Việt Nam có nhiều cơ hội hơn trên thị trường quốc tế, đồng thời thu hút đầu tư, hợp tác từ nước ngoài vào Việt Nam.

Ông Võ Đỗ Thắng, Giám đốc Trung tâm đào tạo An ninh mạng ATHENA TP HCM:

Chỉ phù hợp với doanh nghiệp trong nước

Đối với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông và dịch vụ kết nối internet trong nước như FPT, Viettel... thì yêu cầu đặt máy chủ tại Việt Nam là phù hợp. Còn đối với các doanh nghiệp quốc tế cung cấp nội dung trên internet thì việc đặt máy chủ ở đâu nên để doanh nghiệp quyết định sao cho thuận lợi cho công việc kinh doanh.

Về việc bảo đảm an ninh mạng, cơ quan an ninh phải mở rộng hợp tác, liên kết chặt chẽ với quốc tế để phối hợp khi có việc cần xử lý.

CHÁNH TRUNG ghi

”Báo động đỏ” cho an ninh mạng khu vực châu Á - Thái Bình Dương

Đặc biệt là tình trạng tấn công ngân hàng và mã hóa dữ liệu đòi tiền chuộc.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phạm Hồng Phước ([Tên nguồn])
Internet Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN