5 chiêu đối phó với đồng nghiệp lười biếng

Thứ Ba, ngày 07/10/2014 18:10 PM (GMT+7)
Chia sẻ

Bạn đã từng gặp phải kiểu đồng nghiệp chỉ ngồi chơi Facebook, mua sắm online hay ngáp ngắn ngáp dài suốt ngày... trong khi công việc thì cứ chất núi?

Làm việc với kẻ lười biếng là một điều ức chế tột độ, nhất là khi hậu quả xảy ra nếu công việc không hoàn thành thì bạn cũng phải gánh chung. Bạn sớm muộn sẽ quá tải và suy sụp nếu cứ liên tục phải làm thay phần việc cho những kẻ thiếu trách nhiệm như vậy.

Dưới đây là 5 "tuyệt chiêu" đối phó với những kẻ lười biếng một cách khôn ngoan - thay vì phải la hét, chửi bới hay ném đồ đạc vào mặt họ.

5 chiêu đối phó với đồng nghiệp lười biếng - 1

Làm gì khi đồng nghiệp chat chit suốt ngày? Ảnh minh hoạ.

1. Xác định ảnh hưởng của kẻ lười lên công việc của bạn

Đây là bước đầu tiên quan trọng nhất mà bạn phải ghi nhớ khi đối phó với một kẻ lười. Dù có cáu giận hay bực bội đến đâu, trước hết hãy giành thời gian ghi chú lại những tác hại của sự lười biếng mà đồng nghiệp đang gây ra.

Ví dụ, hãy tính xem bạn phải giành bao nhiêu thời gian đi làm bù cho những việc mà đồng nghiệp mình bỏ dở. Hoặc bạn phải làm thêm ngoài giờ bao nhiêu tiếng để sửa chữa các lỗi sai do họ gây ra một cách cẩu thả.

Xác định đúng mức độ "tai hại" của "đối tượng" sẽ giúp bạn đối phó một cách thông minh và chính xác.

2. Nói chuyện trực tiếp với đồng nghiệp

Nhiều kẻ lười và thiếu động lực tới nỗi nói chuyện với họ thậm chí chẳng thay đổi được gì, vì họ không thèm quan tâm. Tuy nhiên với một số trường hợp, trực tiếp chỉ ra vấn đề cho họ sẽ điều chỉnh được hành vi ở mức tương đối.

Nếu bạn nghĩ đồng nghiệp của bạn có thể ý thức được tác hại của sự lười biếng họ gây ra cho bạn, hoặc nếu bạn nghĩ người đó sẽ xấu hổ khi biết tất cả gánh nặng công việc của họ bạn đang phải gánh vác, thì hãy nói thẳng. Ví dụ như: "Này, tôi đã phải giành vài tiếng đồng hồ sửa kế hoạch của cậu, vì nó thiếu sót quá nhiều chỗ và không thể gửi cho sếp được. Từ lần sau hãy để ý giúp và làm cẩn thận nhé!."

3. Nói chuyện với người quản lý

Nếu vấn đề ảnh hưởng thực sự nghiêm trọng tới bạn và kẻ đó thực sự cứng đầu, thì hãy trình bày với người quản lý của bạn. Liệt kê rõ ràng bạn đang phải gánh vác thay đồng nghiệp những việc gì không thuộc phận sự của bạn, và làm rõ ràng bạn đang bị quá tải chỉ vì sự lười biếng của kẻ khác.

4. Đừng dung túng cho sự lười biếng

Nếu bạn cứ liên tục nhân nhượng và làm thay việc của người khác, chính là đã là nguyên nhân để cho họ lười biếng. Hãy học cách từ chối và nói rõ ràng rằng bạn đã quá bận không thể giúp thêm được nữa. Kết quả công việc luôn luôn được thể hiện rõ ràng và nếu đồng nghiệp của bạn không chịu cải thiện, cấp trên ắt hẳn sẽ biết và xử lý.

5. Giữ thái độ làm việc tốt

Đừng để sự lười biếng của kẻ khác lây sang bạn. Dù có thể bạn sẽ thấy thật bất công khi người khác làm việc ít hơn mình mà vẫn hưởng lương, nhưng hãy nhớ rằng gieo nhân nào gặt quả đó. Kẻ lười biếng sẽ luôn luôn mang tiếng xấu trong khi nếu bạn chăm chỉ thì bạn sẽ được đánh giá tốt hơn. Điều này cũng có nghĩa là bạn đang tạo ra một tương lai tươi sáng hơn cho sự nghiệp, trong khi kẻ lười thì tự hạn chế con đường của họ.

Chia sẻ
Theo C.P (Theo Business Insider) ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN