Đồ Rê Mí: Đừng để mất nét hồn nhiên
Sự lên ngôi của cậu bé 9 tuổi người Hà Tĩnh trong đêm chung kết Đồ Rê Mí 2012 không phải là một bất ngờ với khán giả. Nhưng nếu để nói đó là một kết quả được mong chờ và xứng đáng với cuộc thi này, cũng như tiêu chí của một cuộc thi âm nhạc dành cho thiếu nhi, thì xem ra... không nhiều khán giả đồng ý. Lý do thật sự dễ hiểu: Sự hồn nhiên, đáng yêu, đúng với lứa tuổi vẫn không thể lên ngôi!
Một kết quả... già
Dẫu cô bé "Bánh rán" Bảo Trân 5 tuổi mới là "quán quân" trong lòng rất nhiều khán giả với 2 ca khúc tuyệt vời, trong veo, đầy xúc cảm thơ trẻ: "Một bầy heo con" và "Cánh chim tuổi thơ".
Dẫu chính sự hồn nhiên, đúng với lứa tuổi của Bảo Trân mới đáng là điều được tôn vinh ở cuộc thi này (nhưng cũng lại là điều cực kỳ thiếu vắng ở cuộc thi này), thì khi chỉ còn lại 2 cái tên: Lê Trần Nhật Tiến và Bảo Trân, mọi khán giả cũng đã hiểu cái kết mà BGK và BTC chọn sẽ là "sự già dặn", là sự "có phần chuyên nghiệp" của cậu bé tuổi lên 9 kia. Nhưng xem ra, nếu thế, liệu Đồ Rê Mí có còn là Đồ Rê Mí.
Một cuộc thi âm nhạc dành cho các em nhỏ, chúng ta mong chờ gì ở các em? Phải chăng là sự chuyên nghiệp? Phải chăng là sự già dặn so với tuổi? Phải chăng là khả năng "diễn" quá giỏi? Hoàn toàn không. Và ở những vòng sơ khảo của cuộc thi, dường như chúng ta cũng ít phải chứng kiến những sự "chuyên nghiệp" và "cụ non" ấy.
Hầu hết các bé đến với cuộc thi với sự trong trẻo của tuổi thơ, cũng có chút "tham vọng" đó, nhưng cũng hết sức hồn nhiên, đáng yêu. Thế nhưng, xem ra càng vào vòng sau, thì sự hồn nhiên, đáng yêu ấy càng mất đi rõ nét.
Có lẽ, duy nhất cô bé Bảo Trân là còn giữ được "nguyên vẹn" cái hồn nhiên khi "trong khi các bạn hồi hộp thi thì con vẫn đi lại, xách váy và... gãi, không hề phải chịu một áp lực nào" như nhận xét của giám khảo Trấn Thành... Còn thì thí sinh nào cũng thể hiện sự quá già dặn, sự "mất hồn nhiên" theo từng tuần thi. Nhật Tiến là một ví dụ rõ nhất.
Sau tuần thi hát ru, với bài hát "Gặp mẹ trong mơ" (về sự tích cây Vú sữa), cậu bé 9 tuổi với màn khóc mùi mẫn, dù lấy được nước mắt của cả BGK và được rất nhiều khán giả ủng hộ, nhưng lại cũng khiến rất nhiều khán giả mất cảm tình bởi khả năng "diễn" này.
Đặc biệt, trong đêm chung kết vừa qua, khả năng diễn của Nhật Tiến càng rõ nét hơn. Không nhìn thấy cảm xúc trong những phần thi của Tiến, không rung cảm bởi nét hồn nhiên của Tiến, mà chỉ thấy một sự chuyên nghiệp, một sự già dặn không đáng có trong một cuộc thi như vậy.
Khán giả Xuân Chung chia sẻ: "Đừng biến các cháu thành những ông cụ non vì bệnh thành tích. Hãy để các cháu vui vẻ, ngây thơ trong sáng, đó mới là sự thành công, hấp dẫn của chương trình và mong muốn của mọi người!". Cùng chung suy nghĩ này, khán giả Hoài Thu cho biết: "Tôi vốn rất quan tâm đến chương trình này của VTV.
Nhưng thật sự càng ngày càng thất vọng về Đồ Rê Mí. Chương trình đã dàn dựng quá già dặn, giải thưởng cũng đã nói lên điều đó, phải chăng chính người lớn đang già hóa các em nhỏ? Em Nhật Tiến hát cũng rất hay, nhưng những bài hát em này trình bày quá già so với tuổi tiểu học, sự già trước tuổi đáng lẽ là cái mà người lớn không nên khuyến khích!".
Có lẽ cũng dễ hiểu với phản ứng này của công chúng, bởi dù Nhật Tiến mới là thí sinh có số bình chọn cao nhất, và mới là quán quân của cuộc thi, nhưng phần thi khiến công chúng muốn đung đưa theo, muốn tươi vui theo, muốn trôi theo để trở về với tuổi thơ chính là cái cô lợn béo Bảo Trân trong ca khúc "Một bày heo con"; và là cái con chim bồ câu trong trẻo trong "Cánh chim tuổi thơ", hát mà không diễn, hát mà vẫn giữ được sự trong trẻo, hồn nhiên, vút cao như cánh chim trên bầu trời, cánh chim nâng đỡ người xem về với một tuổi thơ của mình...
Và một hành trình... già
Không chỉ với kết quả đêm chung kết, mà xem ra xu hướng "già hóa" đã theo Đồ Rê Mí từ lâu nay rồi. Có thể thấy ở cách chọn bài rất ít "phổ cập" của các thí sinh. Hầu hết các ca khúc thí sinh chọn dự thi trong các đêm thi đều "xa lơ xa lắc" ngay với các khán giả nhí, chứ chưa nói tới các khán giả có tuổi.
Bên cạnh đó, hình ảnh các thí sinh mỗi tuần trên sân khấu cũng là điều khiến rất nhiều khán giả phản ứng. "Tôi chưa từng chứng kiến một thảm họa thời trang nào như những bộ trang phục mà các thí sinh Đồ Rê Mí phải mặc trên sân khấu, không chỉ quá xấu về hình thức, quá tệ về màu sắc, mà còn quá già so với tuổi của các con" - một khán giả bức xúc.
Một khán giả khác, chị Phương Linh - cũng có con gái 4 tuổi và đang định sang năm cho con đi thi Đồ Rê Mí thì phản ứng với việc trang điểm cho các con: "Chúng ta khuyến khích sự hồn nhiên, ngây thơ, thế mà các con lên sân khấu trang điểm như đi diễn tuồng, quá đậm, quá xấu, trông các con chẳng khác gì những người lớn thu nhỏ. Tại sao lại phải bắt các con già trước tuổi như vậy. Tôi đang cân nhắc lại xem có nên cho con mình đi thi sang năm hay không, vì cảm thấy e ngại với cách giáo dục này của BTC với các con".
"Tôi đã có dịp nhìn thấy một thí sinh Đồ Rê Mí ngoài đời, các con không tới mức xấu như trên sân khấu, điều này BTC thực sự cần cân nhắc lại. Chúng ta làm cho các con đẹp lên, chứ sao lại khiến các con xấu đi, già đi như vậy" - khán giả Tuấn Trung cho biết.
Trên thực tế, việc các thí sinh "già dặn" và "xấu" không chỉ ảnh hưởng tới chính các thí sinh của cuộc thi hiện tại, mà còn ảnh hưởng tới cả những thí sinh trong các cuộc thi sắp tới nữa. "Chắc chắn, xu hướng "chuyên nghiệp" hóa, "già dặn" hóa sẽ được các bậc cha mẹ, các nhà văn hóa "nhắm" tới khi đào luyện các con đi dự thi Đồ Rê Mí, bởi xem ra sự hồn nhiên, trong sáng... không hoàn toàn là điều "ăn điểm". BTC cuộc thi nên suy nghĩ tới điều này...
Hãy giữ lại sự trong sáng, hồn nhiên cho con trẻ, hãy để con trẻ được sống với đúng độ tuổi của các con. Muốn vậy, bản thân kết quả của cuộc thi cũng nên phản ánh điều này!' - một khán giả cho biết.