BĐVN như cái chợ: Mất niềm tin là mất hết
Theo các chuyên gia bóng đá, nếu VFF và VPF không có biện pháp làm trong sạch bộ máy, thay đổi cơ chế điều hành để mọi việc làm đều công khai, minh bạch nhằm cứu vãn niềm tin của các đội bóng thì mục tiêu xây dựng giải chuyên nghiệp khó thành hiện thực
Theo ông Lê Thế Thọ, nguyên Phó Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF), trong 2 năm qua, hàng chục đội bóng V-League và Hạng nhất bỏ bóng đá, giải thể; rất nhiều ông bầu vốn tâm huyết cũng "bỏ của chạy lấy người". Ðiều đó phản ánh chân thực tình trạng đáng báo động về các giải quốc nội của Việt Nam. Có một thời, lãnh đạo VFF luôn vỗ ngực tự nhận V-League là giải đấu hấp dẫn, sôi động nhất Ðông Nam Á mà quên chăm lo xây dựng cái gốc bền vững - đó là niềm tin của CLB vào giải đấu, vào những nhà điều hành.
V-League không có nhiều trận đấu hấp dẫn, trung thực để lôi kéo người hâm mộ đến sân và thu hút nhiều nhà tài trợ Ảnh: Hải Anh
Lờn thuốc vì thỏa hiệp
Ông Lê Thế Thọ nói: "Có lẽ không có nền bóng đá nào có nhiều nghi án như các giải chuyên nghiệp Việt Nam. Nghi án trọng tài nhận hối lộ, nghi án bán độ rồi đến cả nghi án gian lận kiểm phiếu ở cơ quan lãnh đạo cao nhất của nền bóng đá…". Theo ông Thọ, để những nghi án trên kéo dài, dai dẳng, VFF đã khiến niềm tin của các đội bóng, những người dự giải chuyên nghiệp bị xói mòn.
Vấn nạn nghi án kéo dài, theo nguyên Chủ tịch VFF Dương Nghiệp Chí, là vì VFF muốn nương tay, trong nhiều trường hợp là thỏa hiệp với đội bóng để đạt được thành công về mặt hình thức. "Ðiều này dẫn đến việc các đội bóng lờn thuốc. Họ nghĩ rằng luôn có thể gây sức ép, thậm chí mặc cả với VFF. Trường hợp bỏ giải để tạo áp lực, chống lại VFF của XM Xuân Thành Sài Gòn là rất rõ ràng" - ông Chí nói. Các vị nguyên là lãnh đạo VFF đều đồng tình việc Ban Kỷ luật xử nặng nghi án bán độ của XM Xuân Thành Sài Gòn. Ông Lê Thế Thọ nhấn mạnh: "Nếu đủ dũng cảm để nghiêm trị tất cả những đội coi thường giải đấu, coi thường khán giả thì VFF và VPF mới tạo ra được một sân chơi công bằng" - ông Thọ nói.
Khi V-League xuất hiện nhiều nghi án, VFF thường thể hiện quyết tâm làm rõ nhưng việc điều tra, thu thập chứng cứ thường rất sơ sài và chậm trễ. Chính vì điều này mà Cục An ninh chính trị nội bộ (A83) phải lên tiếng yêu cầu VFF "cung cấp sớm nhất những chứng cứ ban đầu về tiêu cực" trong một cuộc họp về công tác an ninh gần đây, chứ không thể để mọi việc đã an bài rồi mới gửi báo cáo thì việc điều tra tiêu cực là bất khả thi. Rất nhiều nghi án ở V-League "chìm xuồng" vì cách vào cuộc kiểu đầu voi đuôi chuột của VFF.
Chế tài phải minh bạch, chặt chẽ
HLV Nguyễn Thành Vinh cho rằng: "Một đội bóng bỏ giải giữa chừng là việc hết sức nghiêm trọng nhưng nhiều đội hiện nay coi đó là bình thường vì VFF không có những chế tài đủ mạnh". Theo ông Vinh, thay vì án phạt 100 triệu đồng hay đánh tụt 3 hạng, VFF nên "đánh" vào tài chính của nhà tài trợ, có thể khiến các đội bóng buộc phải trách nhiệm hơn với giải đấu. "Tôi nghĩ án phạt bỏ giải giữa chừng phải lên đến 3-5 tỉ đồng. Ông bầu của CLB đó sẽ bị cấm tham gia bóng đá vĩnh viễn mới đủ sức răn đe" - ông Vinh nói.
Nguyên HLV trưởng đội SLNA và U23 Việt Nam cho rằng nhiều đội bóng bị mất niềm tin vào cách điều hành của VFF trong nhiều vấn đề như trọng tài là điều VFF phải nhận ra để chấn chỉnh. Từng là HLV trưởng của Hòa Phát Hà Nội, đội bóng giải thể sau mùa bóng 2011, ông Vinh nói: "Nhiều ông bầu rất tâm huyết với bóng đá nhưng niềm tin của họ vào giải đấu cứ bị mất dần. Mà khi đã mất niềm tin của các đội bóng thì VFF sẽ mất tất cả".
Các chuyên gia bóng đá cho rằng việc XM Xuân Thành Sài Gòn bỏ giải không phải là một thảm họa với V-League; trái lại, đây là cơ hội để VFF cải tổ và nhìn lại định hướng bóng đá chuyên nghiệp. "VFF nôn nóng muốn sớm có một giải chuyên nghiệp nên để các doanh nghiệp ồ ạt nhảy vào bóng đá. Họ vào quá dễ dàng nên đi cũng chóng vánh" - ông Dương Nghiệp Chí nói. Sự cố xảy ra với V-League, theo các chuyên gia, phải được mổ xẻ ở Ðại hội VFF nhiệm kỳ VII và bản thân các ứng viên chủ tịch, phó chủ tịch VFF cần có chương trình hành động, quan điểm xây dựng giải chuyên nghiệp, cách thức cải tổ giải đấu một cách rõ ràng.
V-League sẽ mất rất nhiều tiền Không chỉ đánh mất niềm tin của các đội bóng, V-League sẽ còn đánh mất chỗ dựa tài chính từ những doanh nghiệp, mạnh thường quân vốn tâm huyết với bóng đá nhưng sợ gắn thương hiệu với một giải đấu quá nhiều rắc rối, rủi ro. Theo ông Phạm Ngọc Viễn, Tổng Giám đốc VPF, nếu các đội bóng chỉ coi V-League như một cái chợ, họ cũng khiến những nhà điều hành khó kêu gọi tài trợ. Những xáo trộn khi các đội bóng rời bỏ V-League đồng loạt ở mùa bóng trước cộng với nhiều rắc rối cá nhân của lãnh đạo VPF và tình hình kinh tế suy thoái đã khiến bóng đá Việt Nam không thể nhận được nguồn tiền từ các nhà bảo trợ. Việc Eximbank trụ lại với V-League được cho là có tác động lớn của ông Lê Hùng Dũng - Chủ tịch HÐQT Eximbank, Phó Chủ tịch VFF. Nhưng V-League không thể sống mãi chỉ dựa vào "bầu sữa" của chỉ 1 ngân hàng... |