Định đoạt ‘số phận’ 35 biệt thự cũ ở trung tâm TPHCM

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

2/35 biệt thự phải giữ nguyên hình dáng kiến trúc bên ngoài, cấu trúc bên trong, mật độ xây dựng, số tầng và chiều cao; 23/35 biệt thự khác giữ nguyên kiến trúc bên ngoài. Các biệt thự còn lại được thực hiện theo các quy định của pháp luật về quy hoạch, kiến trúc và pháp luật về xây dựng.

Ngày 15/4, UBND TPHCM đã ban hành quyết định về phân loại (đợt 4) kèm danh mục 35 biệt thự cũ trên địa bàn TPHCM.

Cụ thể: Có 2 biệt thự cũ được quy định thuộc nhóm 1, gồm: Số 41 Tú Xương; 251 Điện Biên Phủ (quận 3) phải giữ nguyên hình dáng kiến trúc bên ngoài, cấu trúc bên trong, mật độ xây dựng, số tầng và chiều cao.

Biệt thự số 251 Điện Biên Phủ (quận 3) thuộc diện bảo tồn nguyên trạng hiện đang được sử dụng làm nhà hàng cao cấp

Biệt thự số 251 Điện Biên Phủ (quận 3) thuộc diện bảo tồn nguyên trạng hiện đang được sử dụng làm nhà hàng cao cấp

10 biệt thự cũ khác thuộc nhóm 2, gồm: Số 8 Alexandre De Rhodes, 98 Sương Nguyệt Ánh, 28 Mạc Đĩnh Chi (Quận 1); 206, 208 và 236 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, 9 Ngô Thời Nhiệm, 11 Trương Quyền, 124 và 272 Nguyễn Đình Chiểu, 101, 121 và 278 Võ Thị Sáu, 200bis Lý Chính Thắng; 228, 228B, 236, 258ter, 258/3, 269ter, 269 và 283 Điện Biên Phủ; 117 - 119 Trương Định (Quận 3).

Đối với nhóm 2, chủ sở hữu biệt thự phải giữ nguyên kiến trúc bên ngoài.

Các biệt thự cũ còn lại thuộc nhóm 3, gồm: Số 43 Nguyễn Đình Chiểu, 180 - 182 Nguyễn Văn Thủ, 7 Trần Quý Khách (Quận 1); 478 Nguyễn Thị Minh Khai, 13 Trương Quyền, 23A Ngô Thời Nhiệm, 193 Lý Chính Thắng (Quận 3); 241 - 245 01 Nguyễn Văn Cừ - Trần Phú (Quận 5); A17/1 Phú Mỹ (Bình Thạnh), 14 Công Lý (TP Thủ Đức).

Đối với các biệt thự thuộc nhóm 3, UBND TPHCM cho phép thực hiện theo các quy định của pháp luật về quy hoạch, kiến trúc và pháp luật về xây dựng.

UBND TPHCM yêu cầu các cá nhân, tổ chức là chủ sở hữu biệt thự cũ có trách nhiệm tuân thủ nguyên tắc về quản lý, sử dụng và bảo trì, cải tạo biệt thự cũ theo quy định.

Biệt thự số 41 Tú Xương đang được các trang mạng mời gọi thuê mặt bằng

Biệt thự số 41 Tú Xương đang được các trang mạng mời gọi thuê mặt bằng

Cụ thể, tuân thủ các quy định của Luật Nhà ở. Trường hợp biệt thự cũ thuộc sở hữu nhà nước, các tổ chức cá nhân được giao quản lý, sử dụng phải thực hiện các quy định về quản lý, sử dụng nhà ở thuộc sở hữu nhà nước. Trường hợp biệt thực cũ có giá trị nghệ thuật, lịch sử, văn hóa thì phải tuân thủ các quy định của pháp luật về quản lý di sản văn hóa.

Các cá nhân, tổ chức là chủ sở hữu biệt thự cũ thuộc nhóm 1 hoặc nhóm 2 không được làm thay đổi nguyên trạng ban đầu của biệt thự cũ; không được phá dỡ biệt thự cũ nếu chưa bị hư hỏng, có nguy cơ sập đổ theo kết luận kiểm định của Sở Xây dựng.

Trường hợp phải tháo dỡ để xây dựng lại thì phải theo đúng kiến trúc ban đầu, sử dụng đúng loại vật liệu, mật độ xây dựng, số tầng và chiều cao của biệt tự cũ. Mặt khác, không được tạo thêm kết cấu để làm tăng diện tích hoặc cơi nới, chiếm dụng không gian bên ngoài biệt thự cũ.

UBND TPHCM giao Sở Xây dựng phối hợp với các quận, huyện, TP Thủ Đức tăng cường kiểm tra, giám sát trong lĩnh vực quản lý trật tự xây dựng đối với các biệt thự cũ, nhất là các biệt thự cũ đã được phân loại vào nhóm 1, nhóm 2 và các biệt thự cũ đang trong quá trình được phân loại; chịu trách nhiệm quản lý chặt chẽ, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý các hành vi tự ý tháo dỡ, chia cắt biệt thự cũ trái quy định pháp luật.

Nguồn: [Link nguồn]

Linh cảm đúng về thứ ”hái ra tiền”, người đàn ông có công ty kinh doanh ”khủng”

Cách đây mấy chục năm, nhờ nhanh nhạy với sản phẩm hứa hẹn kiếm được nhiều tiền, người đàn ông này đã có sự...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Huy Thịnh ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN