Bất lực nhìn lô đất mất giá cả trăm triệu đồng sau vài tháng mua

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Dù mất giá cả trăm triệu đồng, nhưng những người này cho biết khoản đầu tư của mình vào đất nền vẫn đang lãi lớn khi xuống tiền đầu tư từ sớm.

Vào thời điểm nửa đầu năm 2018, khi tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông vẫn đang là một dự án dang dở, chị Nga (34 tuổi, nhân viên văn phòng) đã dành toàn bộ vốn liếng hơn 300 triệu đồng và vay thêm ngân hàng 120 triệu đồng để mua một mảnh đất thổ cư tại phường Yên Nghĩa (quận Hà Đông, Hà Nội) với giá 10,14 triệu đồng/m2. Mảnh đất của chị Nga nằm trong mặt ngõ mà ô tô 4 chỗ có thể đỗ cửa, cách một đoạn ngắn là nhà văn hóa phường và trường học.

“Lúc ấy, dân cư chưa đông như bây giờ. Nhà cửa thưa thớt, hàng quán vắng vẻ, muốn tìm rạp chiếu phim hay siêu thị cũng khó do đó giá BĐS khu vực này thời điểm đó khá rẻ” chị Nga cho biết về quyết định xuống tiền của mình.

Tuy nhiên, quá trình đô thị hóa đã khiến giá đất nền khu vực này tăng nhanh chóng. Đỉnh điểm, vào giữa năm 2022, có người hỏi mua lại mảnh đất của chị với giá 32,2 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, với kỳ vọng giá đất trong khu vực sẽ tiếp tục tăng nên chị đã từ chối lời đề nghị của người mua. Chị Nga cho biết sẽ chốt lời khoản đầu tư của mình với mức giá 34 – 35 triệu đồng/m2.

Tương tự, gia đình chị Hà (Nam Định) vào năm 2016 cũng đã dành toàn bộ vốn liếng để mua một lô đất thổ cư rộng hơn 40m2 trong mặt ngõ rộng, ô tô đỗ cửa với mức giá 13 triệu đồng/m2. Nhờ những lợi thế kể trên, nên trong cơn sốt đất đầu năm 2022 đã có khách hỏi mua lô đất của chị với mức giá 45 triệu đồng/m2 nhưng gia đình chị cũng từ chối bán vì kỳ vọng sẽ bán được với mức giá là 48 triệu đồng/m2.

Tuy nhiên, khi thị trường BĐS rơi vào trầm lắng từ nửa cuối năm 2022 đến nay, giá đất nền nơi chị Nga và chị Hà xuống tiền đầu tư cũng đang có dấu hiệu hạ nhiệt. Chị Hà cho biết từng kỳ vọng sẽ chốt lời lô đất nền của mình với giá 48 triệu đồng/m2, nhưng đến nay mức giá người mua đưa ra thấp hơn đáng kể so với kỳ vọng: “Bắt đầu từ tháng 8/2022, lượng người hỏi mua đất ít hẳn đi. Mức giá họ trả cũng thấp hơn, chỉ khoảng 40-42 triệu đồng/m2”, chị Hà chia sẻ.

Giá đất nền nhiều khu vực tại Hà Đông đã tăng gấp 3 lần chỉ sau 5 năm

Giá đất nền nhiều khu vực tại Hà Đông đã tăng gấp 3 lần chỉ sau 5 năm

Tương tự chị Nga chia sẻ đến thời điểm này lô đất của mình được môi giới chào giá quanh mức 30 đến 30,5 triệu đồng/m2, người bán phải chịu các khoản thuế phí. Trước tình hình đó, chị Hà và chị Nga đã quyết định dừng rao bán khoản đầu tư của mình. Chị Nga chia sẻ dù giá đất nền hạ nhiệt thời gian qua, tuy nhiên ngay cả việc bán với mức giá nào thì khoản đầu tư của mình vẫn có lãi đáng kể so với thời điểm cách đây 5 năm. Nữ nhân viên văn phòng này cho rằng nếu không bị áp lực từ đòn bẩy tài chính, không có lý do gì để bán bất động sản ở thời điểm hiện tại.

Là môi giới lâu năm trong khu vực, chị Huyền cho biết tương tự như nhiều nơi khác giá đất nền khu vực Yên Nghĩa, Hà Đông đã giảm khoảng 10 đến 15% so với mức đỉnh thiết lập năm 2022. Dù giá giảm nhưng lượng giao dịch trong khu vực khá trầm lắng khi một số nhà đầu tư kỳ vọng giá sẽ giảm thêm sau khi đã tăng mạnh trong quãng thời gian 5-7 năm qua. Trong khi đó, với những người có nhu cầu tìm nơi ở thực lại gặp khó trong việc tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng bên cạnh lãi suất cho vay neo ở mức cao khiến nhiều người lo lắng trở thành con nợ của nhà băng nếu quyết định vay để mua BĐS thời điểm hiện tại. Thời gian qua có không ít giao dịch đã phải hủy do người mua gặp khó trong việc huy động vốn.

Thực tế, theo báo cáo của Batdongsan, trong tháng 4/2023, mức độ quan tâm đất nền tại Hà Nội tiếp tục giảm 5% so với tháng trước. Đồng thời, lượng tin đăng liên quan đến phân khúc này cũng giảm tới 13% so với tháng 3. Nếu tính cả 4 tháng đầu năm, mức độ quan tâm và lượng tin đăng về đất nền tại Thủ đô đã lần lượt giảm 52% và 58% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong quý I/2023, các khu vực như Hoài Đức, Ba Vì, Thanh Trì, Sóc Sơn, Đông Anh, Gia Lâm đều có giá rao bán giảm 1-13% so với quý IV/2022, mức độ quan tâm cũng giảm 4-24% tùy từng khu vực. Trong đó, giá đất nền giảm nhiều nhất ở huyện Thanh Trì (giảm 13%), trong khi mức độ quan tâm giảm nhiều nhất ở huyện Gia Lâm (giảm 24%).

Báo cáo cũng cho biết việc giao dịch đất nền trầm lắng từ năm 2022 đến nay do nhiều nguyên nhân, bao gồm vấn đề nguồn vốn, lãi suất và nguồn cung. Gần đây, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho phép chia tách thửa đất trở lại các chuyên gia cho rằng đây là một “tia sáng nhỏ” cho thị trường đất nền Hà Nội.

Theo ông Nguyễn Quốc Anh, Phó tổng giám đốc Batdongsan cho rằng trong giai đoạn hiện nay người mua đất nền đang có nhiều sự lựa chọn. Do đó, nhà đầu tư cần tính toán hướng đi dài hạn thay vì lướt sóng đầu cơ.

Nguồn: [Link nguồn]

Thị trường BĐS trầm lắng, nhà đầu tư bán nhà cầm cố ô tô trả lãi vay

Tìm mọi cách xoay sở để gồng khoản lãi vay hàng tháng với những bất động sản đầu tư “xa bờ”, do quá bế tắc có nhà đầu tư phải cầm cố tài sản giá trị, thậm chí...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Hoàng Anh ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN