Vì sao sinh viên không "dám" về quê lập nghiệp?
Sinh viên không "dám" về quê nên chấp nhận làm trái ngành, trái nghề để bám trụ lại thành phố.
Mặc dù bon chen, vất vả nhưng rất nhiều sinh viên tốt nghiệp ra trường vẫn chấp nhận làm trái ngành, trái nghề để có thể bám trụ lại thành phố. Câu hỏi đặt ra: Tại sao sinh viên không chọn con đường về quê lập nghiệp?
Chấp nhận làm trái ngành
Trong cơn “bão” thất nghiệp. việc thủ khoa loay hoay tìm việc làm, tốt nghiệp đại học về quê làm công nhân, cử nhân đại học bán trà đá kiếm sống… đã không còn là những câu chuyện mới mẻ, hiếm hoi. Ngay cả câu chuyện đẫm nước mắt về hành trình tìm việc làm của nữ thủ khoa trường Đại học Kinh tế Đà Nẵng- chị Phạm Thị Hoài Trang (Nghĩa Liên, Nghĩa Đàn, Nghệ An) cũng chỉ khiến người ta ngậm ngùi trong chốc lát, rồi tặc lưỡi: “Chuyện thường ở huyện…”
Cơn “bão” thất nghiệp ập đến khiến không ít cử nhân ngậm ngùi cất chiếc bằng đại học vào ngăn tủ để bước sang ngã rẽ khác. Họ chấp nhận làm trái ngành, trái nghề với hi vọng mong manh thời kì kinh tế khó khăn qua đi, họ sẽ tìm được việc làm phù hợp.
Chị Nguyễn Thị Ngọc H. (sinh năm 1990, quê Vĩnh Phúc) đã tốt nghiệp trường Cao Đẳng sư phạm Vĩnh Phúc ba năm nay nhưng vẫn chưa một lần được đứng trên bục giảng. Chị chia sẻ: “Mình không nhớ được đã nộp bao nhiêu hồ sơ, chỉ biết kết quả duy nhất là không tìm được việc. Hiện giờ mình đang làm nhân viên chăm sóc khách hàng ở chi nhánh Viettel, thành phố Vĩnh Yên và chờ đợt thi công chức tiếp theo”.
Bạn Tạ Ngọc T (sinh năm 1991, quê Hải Dương), cử nhân trường Khoa học xã hội và nhân văn, ngành xã hội học, ra trường với tấm bằng khá đã một năm nay nhưng vẫn chưa xin được việc. Bạn tâm sự: “Giờ mình đang làm nhân viên ở một quán cà phê, vừa làm vừa nộp hồ sơ, chờ người ta gọi đi phỏng vấn”.
Không chỉ những cử nhân đã tốt nghiệp nhiều năm mà ngay cả những sinh viên đang ngồi trên ghế nhà trường cũng chuẩn bị sẵn sàng tâm lý cho việc thất nghiệp hoặc làm trái nghề. Bạn Cao Thị Hằng (sinh viên năm cuối trường Học viện báo chí- Tuyên truyền) tâm sự: “Mình cũng chưa có định hướng gì cho công việc tương lai. Mình chỉ nghĩ sau khi ra trường sẽ cố gắng tìm một việc gì đó để làm ở Hà Nội rồi chờ cơ hội xin việc”.
Có bao nhiêu sinh viên ra trường tìm được công việc đúng chuyên ngành, sở thích?
1001 lý do bám trụ thành phố
Có cả 1001 lý do để các cử nhân, sinh viên ra trường quyết bám trụ lại thành phố dù phải làm trái ngành, trái nghề.
Như câu chuyện của chị H. chỉ vì gia đình không có tiền, không có các mối quan hệ nên ba năm nay chị mới phải chấp nhận làm trái nghề và ở lại thành phố. Chị chia sẻ: “Chỗ mình để thi và đỗ công chức phải mất một khoản tiền lớn (?!), không những thế còn phải quen biết thì người ta mới giúp… Gia đình mình làm nông đâu có sẵn những điều kiện đó để cho mình xin việc. Không thể về quê làm thì đành ở lại thành phố để mưu sinh vậy”.
Giống như trường hợp của chị H., chị Lê Thị Yến (Quỳnh Lưu, Nghệ An) cũng không “dám” về quê xin việc. Chị sinh năm 1988, tốt nghiệp trường Đại học công nghiệp thực phẩm đã được 5 năm, nhưng vẫn chưa xin được việc đúng ngành mình theo học. Chị chia sẻ đã quay về quê, rồi lại trở lại Hà Nội đến ba, bốn lần, nhưng bến đỗ cuối cùng vẫn là Hà Nội. Trong suốt 5 năm, chị đã làm rất nhiều nghề từ nhân viên văn phòng cho đến công nhân may (hiện chị vẫn đang là công nhân làm việc trong một xưởng may ở Hà Nội) . Chị ngậm ngùi tâm sự: “Chị cũng không muốn bon chen ở thành phố, nhưng về quê ngoài làm ruộng ra cũng không biết làm gì. Chẳng thà ở lại đây có việc gì làm việc đó rồi chờ cơ hội xin việc”.
Khác với chị H. và chị Yến, bạn N. (quê Hưng Yên- tốt nghiệp trường Đại học Bách khoa) lại có một lý do hoàn toàn khác. Bạn chia sẻ: “Ở quê cơ hội việc làm và điều kiện phát triển không nhiều như ở thành phố, nhất là ngành công nghệ thông tin mình đã theo học thì lại càng đúng như vậy. Vì thế, cho dù hơn một năm nay chưa tìm được việc nhưng mình vẫn quyết tâm ở lại Hà Nội để xin việc”.
Không thể phủ nhận, ở thành phố cơ hội việc làm nhiều và điều kiện phát triển tốt hơn. Nhưng làm việc ở đây cũng có rất nhiều bất cập như: công việc không ổn định, lương thấp, chi phí sinh hoạt cao… Chị Xinh (quê Phú Thọ, tốt nghiệp trường Đại học Kinh tế quốc dân, hiện đang làm quản lý chất lượng) cho biết: “Lương của mình được 4 triệu đồng/ tháng. Ở quê với số tiền này mình có thể sống dư giả, nhưng ở Hà Nội chỉ riêng tiền ăn, tiền trọ đã gần hết một tháng lương…”
Tuy vậy, phần đa sinh viên tốt nghiệp ra trường vẫn “sống chết” bám trụ ở thành phố. Phải chăng con đường lập nghiệp ở quê có lắm “truân chuyên”?